Mục tiêu của Kế hoạch là tăng cường việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong năm 2015 nhằm tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật để đông đảo người khuyết tật biết quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp cận với dịch vụ này; tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó, chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng) cho người khuyết tật.
Theo đó, các hoạt động được đề ra bao gồm:
Hoạt động 1: Khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật (theo lĩnh vực pháp luật, theo các dạng tật như: khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật vận động.
Hoạt động 2: Thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật khi có yêu cầu.
Hoạt động 3: Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn nơi có nhiều người khuyết tật; tại các Hội Người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu.
Hoạt động 4: Xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Hoạt động 5: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Hoạt động 6: Tổ chức hội thảo/tọa đàm nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với sự tham gia của các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng.
Hoạt động 7: Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung truyền thông phong phú, tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Hoạt động 8: Tiếp tục biên soạn và phát hành sách hỏi - đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật.
Hoạt động 9: Hoàn thiện việc xây dựng và lắp đặt Bảng tin, hộp tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý tại ít nhất 40% địa điểm.
Hoạt động 10: Lồng ghép việc truyền thông, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật
Hoạt động 11: Tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm triển khai các hình thức trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở nước ngoài.
Hoạt động 12: Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/02/2015.