hieuluat

Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 389/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:389/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Mai Tiến Dũng
    Ngày ban hành:22/08/2017Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/08/2017Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 389/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2017
     
     
    THÔNG BÁO
    KT LUN CA THỚNG CHÍNH PH NGUYN XUÂN PHÚC
    TẠI BUI LÀM VIC VỚI LÃNH ĐO TNH BN TRE
     
     
    Ngày 20 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre; thăm một số gia đình người có công với cách mạng và dự Hội nghị xúc tiến đầu tư. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bến Tre báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
    Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2016, Bến Tre là một trong những địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng do hạn mặn gây ra nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,3%, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt khá. Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,94%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,9%; sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 93 nghìn tấn (đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Bến Tre là một trong những địa phương đi đầu của cả nước triển khai các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp khá sôi động với cách làm mới, sáng tạo được triển khai rộng khắp, bước đầu đã đạt kết quả tích cực: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trên 39%; đã thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp, Trung tâm xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp, Quỹ đầu tư Khởi nghiệp.
    Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; Tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ; quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc và chính sách an sinh xã hội. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tệ nạn xã hội và phạm pháp hình sự giảm, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung thực hiện, góp phần giảm số vụ khiếu nại, tố cáo so cùng kỳ.
    Kết quả mà tỉnh đạt được thời gian qua là tích cực, tuy nhiên, Bến Tre vẫn còn khó khăn, thách thức. Tiềm lực kinh tế và nguồn lực hạn hẹp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thu ngân sách còn khó khăn, nguồn thu nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu cân đối chi tiêu tại chỗ. Du lịch chưa phát triển tương xứng với thế mạnh của Tỉnh. Việc quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại cơ sở gặp khó khăn, phát sinh phức tạp; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.
    II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THI GIAN TỚI
    Bến Tre cần rà soát lại các mặt công tác, có giải pháp tổ chức thực hiện để hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, làm cơ sở để tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo; lưu ý một số trọng tâm công tác sau:
    1. Phấn đấu là tỉnh năng động, đổi mới, giàu có dựa vào lợi thế so sánh tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh của mình; phát huy tinh thần Đồng Khởi trong thời kỳ mới để Bến Tre phát triển mạnh mẽ, bền vững; kết nối nhanh, hiệu quả trước hết là với thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bến Tre xác định mục tiêu chiến lược hàng đầu là thu hút được các nhà đầu tư đẳng cấp trong nước, Châu Á và quốc tế, có nguồn lực tài chính, công nghệ hiện đại, trình độ quản trị và tầm nhìn phát triển mới gắn với các điều kiện độc đáo của Bến Tre.
    2. Xây dựng Bến Tre trở thành thủ phủ dừa của Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa có giá trị gia tăng cao tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, Châu Á; vùng nuôi tôm nổi tiếng, trung tâm du lịch của vùng sông nước Cửu Long. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển mạnh 8 sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản. Xây dựng chuỗi liên kết ngang theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo nông sản sạch và an toàn; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
    Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn như hiện nay, Bến Tre phải “biến nguy cơ thành cơ hội phát triển mới”, phải có cơ chế, chính sách mới, công nghệ và mô thức liên kết mới để Bến Tre không còn là vùng trũng của biến đổi khí hậu mà là thung lũng của sự sáng tạo, của sự hội tụ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp, sáng kiến trong khắc phục tác động tiêu cực của thiên tai; có giải pháp sử dụng nước ngọt hiệu quả, tránh khai thác, hạ thấp mực nước ngầm.
    3. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó ưu tiên dành quỹ đất cho các nhà đầu tư nuôi trồng thủy hải sản, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến; ngành công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, cùng với đó là bố trí đủ quỹ đất để phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Phát triển mô hình đô thị ven sông, ven biển, quy hoạch đất đai, đô thị, môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng gắn với phát triển các mô hình kinh tế có tiềm năng lớn như dịch vụ du lịch, năng lượng sạch, dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển thị trường bất động sản.
    4. Phát huy thế mạnh du lịch sông nước, miệt vườn của địa phương, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh của Tỉnh. Tuyên truyền quảng bá về du lịch lễ hội, văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để Bến Tre đến năm 2020 phấn đấu thu hút 2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 900 nghìn lượt khách quốc tế.
    5. Nghiên cứu, định hướng, đề xuất các giải pháp để xây dựng Bến Tre trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và trung tâm logistic phục vụ sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng điện, giao thông; hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án đã được cấp phép trong và ngoài khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm.
    6. Phát triển Trường nghề trọng điểm quốc gia; chủ động phối hợp chặt chẽ với Phân hiệu Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Tre nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo nghề để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không những cho Bến Tre mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
    7. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự vùng nông thôn; kiểm soát chặt chẽ và có các giải pháp quản lý, giảm số người nghiện ma túy; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm số vụ phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông; giải quyết tốt việc làm và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
    III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
    1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với tỉnh lựa chọn, đề xuất một số dự án đầu tư trọng điểm, có tính lan tỏa mạnh trên các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, du lịch để ưu tiên đầu tư; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để tỉnh tập trung đầu tư và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ tỉnh Bến Tre phát triển trong thời gian tới.
    2. Về đầu tư cầu Rạch Miễu 2 (nối Bến Tre - Tiền Giang): Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, theo hình thức xã hội hóa.
    3. Đồng ý về chủ trương nâng cấp một số tuyến đường (ĐT.883, ĐT.887, một phần ĐT.884 và ĐT.885) do tỉnh Bến Tre quản lý thành Quốc lộ. Giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các thủ tục bổ sung các tuyến đường nêu trên vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2017.
    4. Về đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận:
    - Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Phú Thuận: Đồng ý về chủ trương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tiếp thu các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7130/VPCP-CN ngày 07 tháng 7 năm 2017 để hoàn thiện thủ tục theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ.
    - Đồng ý về nguyên tắc sử dụng từ nguồn tăng thu xổ số kiến thiết trong giai đoạn 2016-2020 để triển khai Dự án trong năm 2017 theo cơ chế dự kiến sử dụng nguồn tăng thu xổ số kiến thiết như đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể.
    Đối với khoản vay từ nguồn vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước để thực hiện Dự án: Đồng ý về chủ trương, Bộ Tài chính xem xét, xác định mức vay cụ thể tạo điều kiện hỗ trợ Tỉnh triển khai thực hiện Dự án trong năm 2017.
    5. Về việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn: Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động vốn để cho vay thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn năm 2016 theo Kế hoạch đã được phê duyệt  tại Quyết định số 2525/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
    6. Về việc tham gia vào Dự án/Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu đô thị (UCCRP): Đồng ý về chủ trương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung Dự án của tỉnh Bến Tre vào đề xuất dự án thích ứng biến đổi khí hậu đô thị (UCCRP) để làm việc với nhà tài trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
    7. Về phê duyệt đề xuất Dự án đầu tư chống xói lở, ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre từ nguồn vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp (AFD): Đồng ý về chủ trương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre làm việc với nhà tài trợ và hoàn thiện đề xuất Dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
    8. Về hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng Trung tâm chính trị hành chính huyện Mỏ Cày Nam: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng xem xét, đề xuất phương án nguồn vốn kể cả vốn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
    9. Về lập hồ sơ nâng cấp Thành phố Bến Tre trở thành đô thị loại II: Đồng ý về chủ trương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan lập hồ sơ nâng cấp thành phố Bến Tre là đô thị loại II, trình Thủ tướng Chính phủ.
    10. Về Dự án chỉnh trang khu vực Tây Bắc thành phố Bến Tre: Nhà đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
    11. Về việc thành lập Trung tâm hành chính công thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ thống nhất triển khai trên toàn quốc.
    12. Về Đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long": Đồng ý về chủ trương, Tỉnh chủ động lập, thẩm định và phê duyệt Đề án theo quy định để triển khai thực hiện.
    13. Về việc chuyển giao Trung tâm Dừa Đồng Gò cho tỉnh Bến Tre quản lý: Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý theo hướng tạo điều kiện để tỉnh Bến Tre có quỹ đất phát triển sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng về cây dừa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2017.
    Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
    - Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bến Tre;
    - VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục: TH, KTTH, CN, NN, TKBT, KGVX, KSTT;
    - Lưu: VT, QHĐP (3b). Huyền
    BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




    Mai Tiến Dũng
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X