hieuluat

Thông báo 415/TB-VPCP tổng kết và nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:415/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Kiều Đình Thụ
    Ngày ban hành:20/12/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:20/12/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Hành chính
  •  

    VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    --------
    Số: 415/TB-VPCP
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------
    Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2012
     
     
    THÔNG BÁO
    KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ TỔNG KẾT VÀ NHÂN RỘNG TRIỂN KHAI CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG HIỆN ĐẠI TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN
     
     
    Ngày 04 tháng 12 năm 2012, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại 63 đầu cầu trực tuyến. Tham dự Hội nghị còn có cán bộ, chuyên viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan có liên quan. Sau khi nghe ý kiến phát biểu và kiến nghị của lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
    1. Triển khai Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước, hiện đã có 686 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại lần đầu tiên được khởi xướng và thực hiện vào năm 2006 tại một số huyện, quận của thành phố Hải Phòng; đến nay, đã có 203/700 đơn vị hành chính cấp huyện của 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện cơ chế này tại Ủy ban nhân dân cấp huyện; trong đó có 04 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và 05 thành phố trực thuộc trung ương (không tính các huyện đảo của các thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng) triển khai ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện.
    Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại có ý nghĩa rất quan trọng trong cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều địa phương đã đưa ra một số mô hình tốt, đặc biệt là đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại, đáng được biểu dương là: các thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ; các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Lào Cai. Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và một số cơ quan có liên quan đã tích cực hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện cơ chế nêu trên. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại mang lại nhiều kết quả tích cực như: nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; giảm chi phí của người dân và doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng; công khai và minh bạch hóa hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
    Tuy nhiên, việc nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại vẫn còn chậm, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Theo xếp hạng (rank) của Ngân hàng Thế giới (http://www.doingbusiness.org: Doing Business 2010, 2011, 2013), năm 2010, môi trường kinh doanh (ease of doing business) của nước ta tăng 15 bậc so với năm 2009, nhưng năm 2012 tụt 21 bậc so với năm 2010; nguyên nhân là do môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thông thoáng, người dân, doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính phải qua nhiều cửa.
    2. Để triển khai nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại trong thời gian tới, cần thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
    a) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan soạn thảo, trình Chính phủ trong Quý I năm 2013 dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần làm rõ một số nội dung như sau:
    - Khái niệm về cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Cần thống nhất nhận thức là Bộ phận một cửa thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức sau đó chuyển giao cho các cơ quan chuyên môn xử lý, trong đó có các cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về đất đai, về đăng ký kinh doanh và cuối cùng là nhận kết quả để trả lại cho cá nhân, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phân công trách nhiệm, quyền hạn và thời hạn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;
    - Quy định những thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại;
    - Quy định trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại;
    - Quy định về cơ sở vật chất, kỹ thuật, về cán bộ, công chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại và những vấn đề khác có liên quan.
    b) Trên cơ sở văn bản mới thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại Ủy ban nhân dân cấp huyện giai đoạn 2013 - 2020”. Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với tổ chức, công dân thông qua việc nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại Ủy ban nhân dân cấp huyện giai đoạn 2013 - 2015 với kinh phí của địa phương và sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương.
    c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo một cách quyết liệt hơn nữa việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; xây dựng, trang bị cơ sở vật chất; phân công nhiệm vụ, quyền hạn, trợ cấp, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức thực hiện công vụ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; bố trí hòm thư góp ý của công dân và tổ chức về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có để thực hiện cơ chế một cửa, những nơi chưa có cơ sở vật chất cho công tác này thì xem xét, bố trí phù hợp với khả năng ngân sách, không đầu tư quá mức cần thiết; cần lồng ghép với Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010.
    d) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm dùng chung trong việc tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện và chuyển giao cho các địa phương trong năm 2013 để thực hiện, hướng đến nền hành chính hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
    đ) Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện cần được hỗ trợ kinh phí thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại theo từng năm và cả giai đoạn 2013 - 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
    e) Để đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giao Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2013 dự thảo Quyết định về một số nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
    g) Bên cạnh nhiệm vụ nêu trên, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện tốt các công việc cụ thể sau đây:
    - Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm chính trị rất quan trọng trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ vì nhân dân;
    - Tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm việc thực hiện các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại 25 Nghị quyết đã được Chính phủ thông qua thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan; gửi kết quả rà soát thủ tục hành chính năm 2012 đến Bộ Tư pháp thẩm định để hoàn thiện, trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 7946/VPCP-KSTT ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ;
    - Công bố, công khai và niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại nơi giải quyết công việc cho công dân, tổ chức theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 3973/VPCP-KSTT ngày 04 tháng 6 năm 2012; thường xuyên nắm bắt tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị cấp dưới để có những biện pháp đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức;
    - Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức về quy định hành chính để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về quy định hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân;
    - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công vụ tại Bộ phận một cửa liên thông hiện đại thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Kịp thời chấn chỉnh các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ, phục vụ nhân dân.
    Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện./.
     
     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
    - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty 91;
    - VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
    - Lưu: Văn thư, TCCV (3b).
    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM




    Kiều Đình Thụ
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X