hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 08/05/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giáo viên mầm non có được nghỉ hè không?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu quy định về thời gian làm việc và nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non cũng như việc giáo viên mầm non có được nghỉ hè không?

Câu hỏi: Tôi đang học sư phạm và dự tính theo ngành giáo viên mầm non. Do phần lớn là làm việc với các bé nhỏ, nên công việc sẽ có phần khó khăn và nặng nhọc hơn. Do đó, tôi muốn hỏi về chế độ nghỉ hè, nghỉ hằng năm và quy định về thời gian làm việc của giáo viên mầm non để cân nhắc, xem xét có phù hợp với bản thân hay không. Mong Luật sư trả lời thắc mắc, xin cảm ơn.

Giáo viên mầm non có được nghỉ hè không?

Theo quy định, hiện nay giáo viên mầm non vẫn được nghỉ hè. Cụ thể như sau:

Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, quy định về thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non là 08 tuần. Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn được hưởng nguyên lương, phụ cấp công việc và các trợ cấp khác (nếu có).

Giáo viên mầm non có được nghỉ hè không?

Giáo viên mầm non có được nghỉ hè không?

Tùy theo từng địa phương cụ thể, kế hoạch, chương trình, niên khóa giáo dục mầm non là khác nhau, nhưng cần đảm bảo giáo viên mầm non phải được nghỉ hè 08 tuần sau khi hoàn thành/kết thúc năm học đó.

Việc quy định thời gian nghỉ hè giúp giáo viên có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và chuẩn bị tâm lý cho những thách thức trong công việc.

Quan trọng hơn, Hiệu trưởng được quyền bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý dựa trên kế hoạch năm học, quy mô và đặc điểm cụ thể của từng trường.

Điều này nhấn mạnh sự linh hoạt và tôn trọng đối với nhu cầu cụ thể của từng giáo viên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho họ giữ gìn sức khỏe và năng lực trong công việc dài hạn.

Quy định về thời gian làm việc của giáo viên mầm non

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 42 tuần/năm, cụ thể bao gồm:

- 35 tuần làm các công tác liên quan đến nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ, giáo dục trẻ;

- 04 tuần dành cho các công việc về học tập, bồi dưỡng về năng lực, chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên mầm non;

- 02 tuần để giáo viên chuẩn bị cho năm học mới;

- 01 tuần để chuẩn bị cho việc tổng kết năm học.

Thời gian làm việc của giáo viên mầm non

Thời gian làm việc của giáo viên mầm non

Ngoài ra, tại Điều 4 Thông tư này cũng quy định chi tiết về thời gian lên lớp, giảng dạy của giáo viên mầm non, cụ thể như sau:

- Đối với giáo viên dạy các nhóm/lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên đảm bảo dạy trên lớp đủ thời gian 6 giờ/ngày và có trách nhiệm thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ học. Đồng thời cũng thực hiện các công việc khác do Hiệu trưởng phân công, quyết định để quy đổi sang giờ dạy học, sao cho đảm bảo giáo viên giảng dạy và làm việc đủ 40 giờ/tuần.

- Đối với nhóm trẻ/ lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên đảm bảo đứng lớp đủ 04 giờ/ngày và phải thực hiện các công việc chuẩn bị cho buổi học, thực hiện các công việc khác do Hiệu trưởng quy định sao cho đảm bảo 40 giờ/tuần làm việc.

- Đối với giáo viên dạy các lớp có trẻ khuyết tật, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ 6 giờ/ngày (nếu học 2 buổi/ngày) và 4 giờ/ngày (nếu học 1 buổi/ngày); trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên sẽ được tính thêm giờ làm việc là 0,5 giờ dạy/ngày.

- Đối với chức danh hiệu trưởng, hiệu phó thì ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 02 giờ/tuần; hiệu phó phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ/tuần.

Giáo viên mầm non được nghỉ hằng năm thế nào?

Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT. Theo đó, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể:

- Thời gian nghỉ hè: 08 tuần

- Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành, cụ thể:

Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 được nghỉ 12 ngày phép năm nếu giáo viên có thời gian làm việc tại trường đủ 12 tháng trong năm; nếu chưa làm đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, giáo viên mầm non được nghỉ các ngày lễ, tết sau đây:

+ Tết Dương lịch: 1 ngày;

+ Tết Âm lịch: 5 ngày;

+ Ngày 30/4: 1 ngày;

+ Ngày 01/5 Quốc tế lao động: 1 ngày;

+ Ngày 2/9 Quốc khánh: 2 ngày;

+ Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch: 1 ngày.

Thêm vào đó, giáo viên mầm non được nghỉ việc riêng và vẫn hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau:

- Kết hôn: nghỉ 3 ngày;

- Con đẻ/con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày;

- Cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi của vợ/chồng; vợ/chồng; con đẻ/con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.

Ngoài ra, giáo viên mầm non cũng được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo khi ông/bà nội, ông/bà ngoại, anh/ chị/ em ruột chết; cha/mẹ kết hôn; anh/ chị/ em ruột kết hôn.

Như vậy, bài viết trên đã gửi đến quý bạn đọc các thông tin liên quan đến Giáo viên mầm non có được nghỉ hè không và thời gian làm việc của giáo viên mầm non. Mong bạn đã có thêm thông tin hữu ích về nội dung này.

Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số  1900.6199 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X