hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 20/05/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội diễn ra thế nào?

Để trở thành Chủ tịch Quốc hội cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể. Vậy quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội diễn ra thế nào? 

Câu hỏi: Xin chào luật sư, tôi muốn tìm hiểu về quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội ở Việt Nam. Tôi không rõ về các quy định pháp luật cũng như quy trình cụ thể để bầu Chủ tịch. Xin luật sư có thể giải đáp giúp tôi về các quy định pháp luật liên quan và quy trình cụ thể này được không? Xin cảm ơn.

Cơ quan nào giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 6 Quy định 80/QĐ-TW năm 2022 về trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, thì cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội chính là Bộ Chính trị.

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 74 Hiến pháp 2013, thì Bộ Chính trị có nhiệm vụ chuẩn bị và đề xuất ứng cử viên để Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu nhân sự cho Quốc hội trong quá trình bầu Chủ tịch Quốc hội, theo đề xuất của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội diễn ra thế nào?

Căn cứ theo Điều 32 Nghị quyết 71/2022/QH15, hoạt động bầu Chủ tịch Quốc hội sẽ được diễn ra tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội mỗi khóa và có quy trình như sau:

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước trình danh sách đề cử ứng cử viên:

- Danh sách bao gồm các đại biểu Quốc hội đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm thẩm tra, xác minh tư cách của các ứng cử viên.

2. Giới thiệu thêm nhân sự và tự ứng cử ngoài danh sách đề cử:

- Ngoài danh sách đề cử, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch Quốc hội.

- Người được giới thiệu ứng cử vị trí Chủ tịch quốc hội có quyền rút tên mình khỏi danh sách người ứng cử.

3. Thảo luận, nêu ý kiến tại Đoàn đại biểu Quốc hội:

- Các đại biểu Quốc hội thảo luận về danh sách đề cử, giới thiệu và tự ứng cử.

- Chủ tịch Quốc hội khóa trước có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề liên quan.

4. Báo cáo và giải trình:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước có nhiệm vụ báo cáo với Quốc hội về kết quả đã thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về danh sách người ứng cử.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước có nhiệm vụ trình Quốc hội quyết định danh sách các ứng cử viên do đại biểu Quốc hội giới thiệu/ tự ứng cử.

5. Thảo luận và biểu quyết thông qua danh sách: Quốc hội thảo luận về danh sách người ứng cử do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình lên và biểu quyết và thông qua danh sách ứng cử viên để bầu Chủ tịch Quốc hội.

6. Thành lập Ban kiểm phiếu: Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu để thực hiện việc kiểm phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội.

7. Bầu Chủ tịch Quốc hội theo hình thức bỏ phiếu kín bởi đại biểu Quốc hội.

8. Công bố kết quả: Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết bầu Chủ tịch Quốc hội.

9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước trình Quốc hội xem xét, thảo luận về dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội.

Sau khi Quốc hội đưa ra thảo luận về dự thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải báo cáo cho Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến và sửa đổi dự thảo (nếu có).

10. Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội.

11. Chủ tịch Quốc hội mới được bầu cử sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Lưu ý: Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự nêu trên.

Tiêu chuẩn bầu Chủ tịch Quốc hội

Căn cứ theo Quy định 214-QĐ-TW năm 2020, Chủ tịch Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu sau đây:

1. Các tiêu chuẩn chung về chính trị, tư tưởng, sức khỏe, năng lực, độ tuổi, kinh nghiệm được quy định tại Quy định 214-QĐ-TW năm 2020.

2. Các kinh nghiệm cụ thể:

- Về phẩm chất, năng lực:

+ Uy tín cao: Phải được Trung ương, Bộ Chính trị, toàn Đảng, Quốc hội và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

+ Có khả năng tập hợp, đoàn kết các thành viên trong Quốc hội, các cơ quan nhà nước, các tầng lớp nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chung của Quốc hội.

+ Có bản lĩnh, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Quốc hội.

- Năng lực nổi trội, toàn diện:

+ Phải có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

+ Có khả năng hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

+ Có khả năng chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng.

+ Có khả năng giám sát thực thi pháp luật.

+ Có khả năng quyết định các vấn đề nghiêm trọng của đất nước.

- Về trách nhiệm:

+ Công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch: Phải thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, đảm bảo mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân.

+ Hiểu biết pháp luật: Phải hiểu biết sâu sắc về pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

+ Điều hành hiệu quả: Phải có khả năng điều hành các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt chất lượng, hiệu quả.

- Về kinh nghiệm:

+ Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo: Phải đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy/Trưởng Ban, Bộ, ngành Trung ương.

+ Tham gia Bộ Chính trị: Phải đã tham gia Bộ Chính trị trọn 01 nhiệm kỳ trở lên.

Bài viết trên đã gửi đến bạn đọc các nội dung về quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội.

Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số  1900.6199 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X