Cơ quan ban hành: | Cục Dự trữ Quốc gia | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 02/1999/TT-CDTQG | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Ngô Xuân Huề |
Ngày ban hành: | 12/01/1999 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 12/01/1999 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
THÔNG TƯ
CỦA CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA SỐ 02/1999/TT-CDTQG
NGÀY 12 THÁNG 01 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 137/1998/QĐ-TTG NGÀY 31/07/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ LƯƠNG THỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA
Thi hành Quyết định số 137/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý lương thực dự trữ quốc gia, sau khi thống nhất với các Bộ, ngành có liên quan, Cục Dự trữ Quốc gia hướng dẫn thực hiện như sau:
1- Lương thực dự trữ là mặt hàng trọng yếu của quỹ dự trữ quốc gia bao gồm thóc, gạo có đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định để sử dụng vào mục đích: an ninh lương thực quốc gia; phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; phục vụ an ninh, quốc phòng, tham gia bình ổn thị trường và thực hiện các yêu cầu khác của Chính phủ.
2- Lương thực dự trữ quốc gia (sau đây gọi tắt là lương thực dự trữ) được quản lý chặt chẽ theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quản lý lương thực dự trữ phải thực hiện theo Quy chế quản lý dự trữ quốc gia, ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP, ngày 24 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ, theo Quyết định số 137/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ và những nội dung hướng dẫn trong Thông tư này.
3- Cục Dự trữ Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý quỹ lương thực dự trữ; Cục có trách nhiệm quy định, hướng dẫn cụ thể việc mua, bán lương thực dự trữ từng thời kỳ, từng vụ.
4- Kế hoạch lương thực dự trữ:
4.1. Hàng năm, căn cứ tình hình sản xuất, cân đối lương thực, mục tiêu an toàn lương thực quốc gia, số lượng, chất lượng lương thực dự trữ đang bảo quản, thời hạn lưu kho và quy trình công nghệ bảo quản lương thực, Cục Dự trữ Quốc gia xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch về lương thực dự trữ, gồm: tổng mức dự trữ, cơ cấu (thóc, gạo), tổng lượng mua vào (bao gồm mua tăng dự trữ và mua đổi hàng), tổng lượng bán ra (bao gồm xuất bán giảm dự trữ và bán đổi hàng), vốn ngân sách cấp và thống nhất với các Bộ Kếhoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về các chỉ tiêu kế hoạch nói trên trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Khi xây dựng và chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch, Cục Dự trữ Quốc gia phải chủ động xác định thời điểm mua vào, bán ra, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực, luân phiên đổi hàng và bảo đảm mức dự trữ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trong thời gian xuất luân phiên đổi hàng, căn cứ vào tình hình thực tế, mùa vụ thu hoạch, yêu cầu nhập, xuất ở từng vùng, từng Chi cục, Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia quyết định điều hành cụ thể khối lượng nhập, xuất để bảo đảm mức lương thực dự trữ (quy thóc) thường xuyên trong kho thuộc phạm vi toàn Cục không được thấp hơn 60% tổng mức quy định.
4.2. Căn cứ kế hoạch được giao và các quyết định, hướng dẫn của Cục Dự trữ Quốc gia, Chi cục Dự trữ phải có kế hoạch và biện pháp thực hiện cụ thể, kịp thời.
5. Nhập, xuất lương thực dự trữ.
5.1. Nhập, xuất lương thực dự trữ theo kế hoạch.
Căn cứ vào kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm, Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho các Chi cục Dự trữ thực hiện, bảo đảm số lượng lương thực dự trữ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
5.2. Nhập, xuất lương thực dự trữ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Khi cần thiết, để can thiệp thị trường lương thực, bảo đảm quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng lương thực và các yêu cầu khác, Thủ tướng chính phủ quyết định việc nhập hoặc xuất lương thực ngoài kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm.
6. Cơ chế mua, bán lương thực dự trữ.
6.1. Căn cứ kế hoạch được duyệt và Quyết định của Cục về mua, bán lương thực dự trữ, Giám đốc Chi cục Dự trữ phải báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về chủ trương và kế hoạch mua, bán lương thực dự trữ tại địa phương và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền về những vấn đề có liên quan nêu trên.
6.2. Mua, bán lương thực dự trữ được thực hiện theo Quy chế đấu thầu do Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia quy định.
6.3. Các trường hợp mua, bán lương thực dự trữ sau đây không phải đấu thầu:
- Thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được chỉ định cụ thể về đối tượng số lượng, thời hạn nhập, xuất, phương thức thanh toán, giá cả.
- Theo Quyết định của Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia khi cần phải mua lẻ của nông dân, bán lẻ cho người tiêu dùng và bán lương thực dự trữ bị hư hỏng, giảm phẩm chất do thiên tai, hoả hoạn cần được xử lý ngay để hạn chế thiệt hại.
7. Xuất khẩu lương thực dự trữ.
Khi xuất khẩu lương thực dự trữ mà trong nước không có nhu cầu mua, Cục Dự trữ Quốc gia được phép xuất khẩu theo quy định chung của Nhà nước.
8. Cơ chế định giá mua, bán lương thực dự trữ.
Ban Vật giá Chính phủ quyết định mức giá mua tối đa (giá trần), giá bán tối thiểu (giá sàn) ở từng khu vực, Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia chỉ đạo và giao cho các Giám đốc Chi cục Dự trữ tham khảo ý kiến Sở Tài chính - Vật giá địa phương căn cứ vào giá thị trường và phẩm chất, chủng loại lương thực để quyết định cụ thể mức giá xét thầu của từng gói thầu và giá mua, bán lẻ ở từng điểm kho trong từng đợt mua, bán lương thực, nhưng không được bán thấp hơn giá sàn, không được mua cao hơn giá trần.
Trường hợp mua, bán lẻ lương thực dự trữ (không phải đấu thầu), khi thị trường có biến động tăng hoặc giảm giá nhưng vẫn trong khung giá quy định thì tuỳ theo tình hình thực tế, Giám đốc Chi cục quyết định việc điều chỉnh giá mua, giá bán thích hợp; nếu giá thị trường biến động tăng hoặc giảm 3% trở lên so với mức giá Chi cục đang mua, bán), nhưng vẫn trong khung giá quy định, thì Giám đốc Chi cục Dự trữ phải có quyết định điều chỉnh giá; nếu vượt khung giá quy định, thì báo cáo và kiến nghị Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia xem xét, quyết định.
Mỗi khi điều chỉnh giá, Chi cục phải dừng xuất - nhập kho để lập biên bản đối chiếu tiền - hàng theo giá cũ rồi mới được phép thực hiện mua, bán theo giá mới; các Quyết định điều chỉnh giá của Chi cục, phải gửi về Cục Dự trữ Quốc gia. Trường hợp cần thiết hoặc khi Giám đốc Chi cục quyết định giá không hợp lý, Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia sẽ có quyết định về việc phải điểu chỉnh lại giá.
9. Bảo quản lương thực dự trữ.
9.1. Sau khi thoả thuận với các cơ quan liên quan, Cục Dự trữ Quốc gia xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy trình, quy phạm bảo quản và thời hạn lưu kho lương thực dự trữ theo thẩm quyền.
9.2. Lương thực dự trữ phải được bảo quản bằng các hình thức và phương pháp công nghệ thích hợp, theo đúng các định mức và quy trình, quy phạm để bảo đảm an toàn số lượng, chất lượng lương thực trong suốt quá trình lưu giữ đến khi xuất kho.
9.3. Kho chứa lương thực dự trữ phải bố trí phù hợp với quy hoạch ở các địa bàn chiến lược do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ở từng địa bàn, hệ thống kho phải tập trung, đồng bộ, có sân phơi, tường rào bảo vệ và các thiết bị phơi sấy, bảo quản..., thiết bị bảo đảm an toàn và các biện pháp phòng chống thiên tai, phòng chống cháy, nổ, ngăn ngừa các hành vi xâm hại khác.
Cục Dự trữ Quốc gia kết hợp sử dụng các loại kho tàng, thiết bị bảo quản hiện có với việc xây dựng kế hoạch phát triển các vùng kho theo quy hoạch mới, đồng thời căn cứ vào mục tiêu dự trữ, các điều kiện thực tế về khí hậu ở từng vùng, về kho tàng, thiết bị bảo quản, đặc tính từng loại lương thực dự trữ để nghiên cứu xây dựng các vùng kho với quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến, nhằm giữ được phẩm cấp chất lượng lâu dài hơn so với hiện nay.
9.4. Để làm tốt công tác quản lý và bảo quản lương thực dự trữ, các Giám đốc Chi cục Dự trữ phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của từng công chức, viên chức trong đơn vị; phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý những hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy trình, quy phạm bảo quản.
9.5. Việc xử lý lương thực dự trữ bị hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc thừa, thiếu trong quá trình bảo quản, vận chuyển thực hiện theo các điểm 2.1.4, 2.1.5 và 2.1.6 mục II của Thông tư số 170/CSDT ngày 04/4/1997 của Cục Dự trữ Quốc gia.
10. Ngân sách cấp để mua lương thực dự trữ.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước cân đối để cấp mua tăng lương thực dự trữ hoặc mua bù số lương thực đã xuất không thu tiền theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, bù cho phần giá trị bị giảm của số lượng thực xuất đổi hạt do chất lượng suy giảm tự nhiên trong quá trình bảo quản và tổn thất do các lý do bất khả kháng.
Nhà nước cấp vốn mua lương thực dự trữ theo dự toán, nếu giá mua giảm so với kế hoạch thì ngân sách Nhà nước chỉ cấp theo khối lượng dự trữ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Trường hợp giá mua tăng, ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán không mua đủ số lương thực dự trữ đã giao, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể việc cấp thêm ngân sách Nhà nước cho mua lương thực dự trữ.
11. Lương thực dự trữ phải được quản lý, bảo quản tuyệt đối an toàn. Các đơn vị, cá nhân trong Cục Dự trữ Quốc gia được giao nhiệm vụ quản lý lương thực dự trữ do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc không thực hiện đúng quy định của Nhà nước và của Cục Dự trữ Quốc gia về mua, bán lương thực, gây hao hụt quá định mức hoặc để thất thoát trong bảo quản lương thực thì phải bồi thường vật chất tương ứng với số lương thực bị thiệt hại; nếu gây thiệt hại nghiêm trọng, thì ngoài việc bồi thường vật chất còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
12. Kiểm tra, thanh tra lương thực dự trữ.
Các Ban, Thanh tra Cục Dự trữ Quốc gia có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất công tác quản lý, bảo quản lương thực dự trữ ở các Chi cục Dự trữ và Tổng kho Dự trữ.
Các Giám đốc Chi cục Dự trữ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra các Tổng kho trong việc thực hiện kế hoạch và việc chấp hành các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý, bảo quản lương thực dự trữ.
13. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Các trưởng Ban, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng Cục, các Giám đốc Chi cục Dự trữ và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm thực hiện những quy định của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu điểm nào chưa phù hợp, yêu cầu các đơn vị phản ánh về Cục Dự trữ Quốc gia để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.
Thông tư 02/1999/TT-CDTQG hướng dẫn thực hiện Quyết định số 137/1998/QĐ-TTg
In lược đồCơ quan ban hành: | Cục Dự trữ Quốc gia |
Số hiệu: | 02/1999/TT-CDTQG |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 12/01/1999 |
Hiệu lực: | 12/01/1999 |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Ngô Xuân Huề |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!