hieuluat

Quyết định 1176/QĐ-TTg Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:1176/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Trịnh Đình Dũng
    Ngày ban hành:12/09/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/09/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài nguyên-Môi trường
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

    -----------

    Số: 1176/QĐ-TTg

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    ------------------

    Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2019

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam
    đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

    ------------------

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

    Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

    Căn cứ Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Phê duyệt “Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau đây:

    I. QUAN ĐIỂM

    1. Bảo tồn các loài rùa nguy cấp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

    2. Bảo tồn các loài rùa nguy cấp là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

    3. Đẩy mạnh xã hội hoá và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

    II. MỤC TIÊU

    1. Mục tiêu tổng quát

    Các quần thể rùa nguy cấp của Việt Nam và môi trường sống của chúng được bảo vệ và phát triển bền vững, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

    2. Mục tiêu cụ thể

    Các mục tiêu cụ thể đối với công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm:

    a) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

    b) Tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp, đặc biệt đối với các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

    c) Xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; công tác cứu hộ; nhận nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện hiệu quả;

    d) Tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

    đ) Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

    III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

    1. Nhiệm vụ:

    a) Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp

    - Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp, đặc biệt là các loài rùa thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

    - Hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý các trang trại nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại ở Việt Nam và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các trang trại này;

    - Xây dựng các quy định nhằm quản lý, kiểm soát hiệu quả tình trạng

    khai thác, đánh bắt, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ trái phép và mua bán trực tuyến trên các mạng xã hội các loài rùa được bảo vệ;

    - Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về công tác cứu hộ, chăm sóc, quản lý trong điều kiện nuôi nhốt, nhân nuôi và tái thả về tự nhiên đối với các loài rùa nguy cấp tại Việt Nam.

    b) Tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp

    - Điều tra, đánh giá hiện trạng các loài rùa nguy cấp tại Việt Nam;

    - Cập nhật phân loại học và đề xuất tình trạng bảo tồn của các loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam đối với Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN;

    - Xây dựng và hoàn thiện mô hình phân bố các loài rùa nguy cấp của Việt Nam; nghiên cứu xác định khu vực phân bố của các loài rùa nguy cấp;

    - Tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái học nhằm hỗ trợ cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

    - Áp dụng, thử nghiệm các phương pháp nghiên cứu hiện đại hỗ trợ công tác nghiên cứu và bảo tồn các loài rùa nguy cấp tại Việt Nam.

    c) Xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; duy trì, phục hồi quần thể; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp

    - Thu thập, tổng hợp thông tin về các loài rùa nguy cấp; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về các loài rùa của Việt Nam;

    - Khảo sát, đánh giá và xác định các sinh cảnh ưu tiên, các bãi đẻ tự nhiên cần được bảo vệ cho các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

    - Thành lập 03 khu bảo tồn loài và sinh cảnh mới cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp (Dự kiến triển khai đối với: các quần thể loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) tại khu vực huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và nhóm các loài rùa hộp thuộc giống Cuora tại khu vực huyện Đông Hòa và Tây Hòa, tỉnh Phú Yên);

    - Xây dựng, thực hiện các dự án phục hồi quần thể đối với một số loài rùa cạn và rùa nước ngọt thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Dự kiến lựa chọn triển khai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa);

    - Bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển, tập trung tại các khu vực: Bái Tử Long và Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), Hải Lăng (Quảng Trị), Núi Chúa (Ninh Thuận), Cam Lâm (Khánh Hòa), Hòn Khô - Hải Giang (Bình Định), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thố Chu (Kiên Giang) và phục hồi bãi đẻ, nơi sinh cư của rùa biển bị suy thoái tại các khu vực: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa);

    - Thành lập và vận hành 02 trạm cứu hộ rùa biển tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa;

    - Phát triển, tích hợp và lồng ghép kế hoạch quản lý và giám sát quần thể rùa nguy cấp tại các khu vực ưu tiên với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, cơ quan chuyên môn và nhà khoa học.

    d) Tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp

    - Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Kiểm Ngư, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển... đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, giết mổ, tiêu thụ trái phép các loài rùa nguy cấp;

    - Tập huấn cho các cán bộ quản lý, bảo tồn, thực thi pháp luật về các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và các loài rùa nguy cấp; nâng cao năng lực về nhận dạng, áp dụng các văn bản pháp luật và biện pháp xử lý các cá thể rùa tịch thu được từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép; công tác cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng và tái thả về tự nhiên đối với các loài rùa nguy cấp tại Việt Nam;

    - Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng điều tra thực địa về rùa cạn, rùa nước ngọt và các loài rùa biển cho các nhà nghiên cứu và bảo tồn;

    - Tập huấn cho cán bộ quản lý khu bảo tồn biển thực hiện các biện pháp bảo vệ nơi sinh sống, bãi đẻ, nơi ấp trứng của rùa biển;

    - Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các trang trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài rùa vì mục đích thương mại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của động vật và các quy định về gây nuôi động vật hoang dã.

    đ) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn, ngăn ngừa các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài rùa nguy cấp

    - Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng (nhà quản lý, chủ cơ sở gây nuôi, cộng đồng) về tầm quan trọng của các loài rùa và trách nhiệm bảo tồn các loài rùa nguy cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng;

    - Hướng dẫn, phổ biến thực hiện các biện pháp bảo tồn các loài rùa và khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn các loài rùa Việt Nam;

    - Thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về bảo tồn các loài rùa, khuyến khích cộng đồng không sử dụng các sản phẩm từ rùa trong y học cổ truyền, thực phẩm hoặc làm vật cảnh;

    - Lồng ghép các hoạt động giáo dục bảo tồn và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài rùa nguy cấp trong các nội dung học tập tại trường học; phát triển và tích hợp hệ thống các bài giảng chuyên sâu về nghiên cứu, bảo tồn các loài rùa vào chương trình đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

    2. Giải pháp thực hiện:

    a) Nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ trong bảo tồn và phát triển các loài rùa nguy cấp;

                 - Nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới về quản lý, bảo vệ, gây nuôi bảo tồn, tái thả và giám sát quần thể các loài rùa nguy cấp;

    - Khuyến khích các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật trong nước về quản lý, bảo vệ các loài rùa nguy cấp;

    - Nghiên cứu, áp dụng giải pháp công nghệ trong việc lập mô hình, bản đồ số để giám sát quản lý, bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

    b) Tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động sự tham gia của các tố chức, cá nhân trong việc bảo vệ các loài rùa nguy cấp

    - Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức bảo tồn và người dân trong công tác quản lý và bảo vệ các loài rùa nguy cấp;

    - Thực hiện việc lồng ghép các nội dung của Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ của các ngành và cấp tỉnh.

    c) Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp

    - Bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ các loài rùa, chú trọng đầu tư cho hoạt động gây nuôi bảo tồn, tái thả và bảo vệ sinh cảnh cho các loài rùa ngoài tự nhiên và hoạt động đấu tranh, phòng chống các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép;

    - Tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý và bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

    - Xã hội hóa công tác bảo tồn, xây dựng và thực hiện các mô hình quản lý, bảo vệ các loài rùa nguy cấp dựa vào cộng đồng.

    d) Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp

    - Tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt với các nước trong khu vực nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép các loài rùa xuyên biên giới; hợp tác với các vườn thú quốc tế trong việc chuyển giao các công nghệ về quản lý, bảo tồn và gây nuôi, tái thả các loài rùa nguy cấp;

    - Thúc đẩy, triển khai các hoạt động thuê, trao đổi quốc tế về hỗ trợ nuôi sinh sản, tạo nguồn giống đối với các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp;

    - Tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép các loài rùa và các sản phẩm từ rùa; nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và thiết lập khu bảo tồn rùa biển liên biên giới;

    - Đa dạng hóa các hình thức hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực về quản lý, bảo vệ các loài rùa nguy cấp.

    IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

    Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

    V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

    a) Giúp Thủ tướng Chính phủ chủ trì, điều phối, thống nhất tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình;

    b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Chương trình;

    c) Hướng dẫn các địa phương và các tổ chức xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

    d) Giám sát tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Chương trình.

    2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

    a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình thuộc phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của bộ;

    b) Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ bảo tồn các loài rùa nguy cấp trong kế hoạch, chương trình, dự án về lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản;

    c) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tăng cường hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp bao gồm các loài rùa nguy cấp; kiểm soát và quản lý hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu các loài động vật hoang dã nguy cấp bao gồm các loài rùa nguy cấp và các loài rùa ngoại lai.

    3. Bộ Công an có trách nhiệm:

    a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bao gồm các loài rùa nguy cấp;

    b) Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra và xử lý các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài hoang dã bao gồm các loài rùa nguy cấp;

    c) Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ chế hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý các trường hợp buôn lậu quốc tế các loài động vật hoang dã bao gồm các loài rùa nguy cấp hoặc có yếu tố nước ngoài liên quan tới Việt Nam;

    d) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nội dung liên quan trong Chương trình.

    4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

    a) Bố trí vốn đầu tư cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện các nội dung của Chương ưình;

    b) Vận động các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển bền vững các loài nguy cấp bao gồm các loài rùa nguy cấp.

    5. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

    a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cân đối kinh phí thực hiện Chương trình cho các bộ, cơ quan trung ương trong dự toán chi sự nghiệp của ngân sách trung ương hàng năm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

    b) Cơ quan Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu qua biên giới, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp.

    6. Các bộ, ngành, cơ quan trung ương (các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng): trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với các mục tiêu, nội dung, biện pháp và giải pháp của Chương trình.

    7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

    a) Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình trên địa bàn do địa phương quản lý;

    b) Huy động, ưu tiên bố trí các nguồn lực của địa phương để thực hiện Chương trình;

    c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp bao gồm các loài rùa; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp;

    d) Định kỳ 03 năm một lần gửi báo cáo tới Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 của năm để theo dõi việc tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình trên địa bàn tỉnh.

    8. Các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động liên quan đến bảo tồn các loài rùa được tạo điều kiện tham gia và chủ động đề xuất các hoạt động và dự án bảo tồn các loài rùa nguy cấp, hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn các loài rùa nguy cấp trong khuôn khổ của Chương trình.

    9. Các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và cá nhân có liên quan:

    a) Các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có các loài rùa nguy cấp; được tạo điều kiện tham gia và chủ động đề xuất, thực hiện các chương trình, dự án về bảo tồn rùa;

    b) Các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và cá nhân có trách nhiệm tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và hành động của Chương trình; giám sát và đánh giá các hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo tồn các loài nguy cấp.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

    Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trường, Thủ trường cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết đinh này.

     

    Nơi nhận:

    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;

    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

    - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

    - Văn phòng Tổng Bí thư;

    - Văn phòng Chủ tịch nước;

    - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

    - Văn phòng Quốc hội;

    - Tòa án nhân dân tối cao;

    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

    - Kiểm toán nhà nước;

    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

    - Ngân hàng Chính sách xã hội;

    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; y ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    - quan trung ương của các đoàn thể;

    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;

    - Lưu: VT,NN

    KT. THỦ TƯỚNG

    PHÓ THỦ TƯỚNG

     

     

     

     

     

     

     

    Trịnh Đình Dũng

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 1176/QĐ-TTg Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:1176/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:12/09/2019
    Hiệu lực:12/09/2019
    Lĩnh vực:Tài nguyên-Môi trường
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Trịnh Đình Dũng
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Quyết định 1176/QĐ-TTg Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025 (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Quyết định 1176/QĐ-TTg Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025 (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X