hieuluat

Nghị định 64/2008/NĐ-CP vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủSố công báo:275&276 - 5/2008
    Số hiệu:64/2008/NĐ-CPNgày đăng công báo:22/05/2008
    Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:14/05/2008Hết hiệu lực:11/12/2021
    Áp dụng:06/06/2008Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • NGHỊ ĐỊNH

    CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 64/2008/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 05 NĂM 2008

    VỀ VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN

    ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN HỖ TRỢ NHÂN DÂN KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN

    DO THIÊN TAI, HOẢ HOẠN, SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG,

    CÁC BỆNH NHÂN MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO

     

     

    CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12 tháng 6 năm 1999;

    Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

     

    NGHỊ ĐỊNH :

     

    Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    1. Nghị định này quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước; khắc phục hậu quả do hoả hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

    2. Các khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng; các khoản hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương khác ủng hộ các địa phương bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng các khoản kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Điều 2. Nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện

    1. Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

    2. Việc tổ chức vận động đóng góp ủng hộ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân.

    Việc vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng.

    3. Việc đóng góp tiền, hàng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện.

    4. Công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp trong mỗi cuộc vận động khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, đảm bảo tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị thiên tai.

    5. Việc sử dụng tiền, hàng ủng hộ theo đúng mục đích huy động để khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; nghiêm cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.

    6. Đối với khoản đóng góp, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải được chuyển đến đúng đối tượng cần được giúp đỡ.

    7. Nguồn kinh phí phục vụ cho việc vận động, tiếp nhận, vận chuyển tiền, hàng cứu trợ; chi phí cho việc vận động, đóng góp, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.

    Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

    1. Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.

    2. Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.

    3. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

    Chương II. QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, TIẾP NHẬN TIỀN, HÀNG CỨU TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QỦA THIÊN TAI, HỎA HOẠN, SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG TRONG NƯỚC

     

    Điều 4. Tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ

    1. Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tuỳ theo mức độ, phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.

    2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.

    3. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ xã hội, quỹ từ thiện) được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

    4. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài); các tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

    Điều 5. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ

    1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

    2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

    3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

    Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

    4. Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

    Điều 6. Thành lập Ban Vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ

    1. Quyết định thành lập Ban Vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ (sau đây gọi tắt là Ban Cứu trợ)

    Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định thành lập Ban Cứu trợ ở Trung ương; Ban Cứu trợ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng cấp ở địa phương quyết định.

    2. Ban Cứu trợ của từng cấp do lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp là Trưởng ban.

    a) Thành phần Ban Cứu trợ do Trưởng ban quyết định nhưng phải có đại diện các cơ quan: Hội Chữ thập đỏ; cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão; cơ quan Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cơ quan Y tế; cơ quan Tài chính cùng cấp. Đối với Ban Cứu trợ các cấp ở địa phương có thêm đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân;

    b) Trường hợp cần thiết, Trưởng ban Cứu trợ có thể thành lập tổ chuyên viên giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chuyên viên do Trưởng ban quy định.

    3. Việc vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng của Hội Chữ thập đỏ từ Trung ương đến địa phương thực hiện theo quy định của Điều lệ Hội.

    4. Việc vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Điều 7. Thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ

    1. Thời gian phát động cuộc vận động chậm nhất sau 3 ngày, kể từ ngày thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.

    2. Thời gian vận động đóng góp:

    a) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp;

    b) Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp.

    3. Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 Điều này.

    Riêng cứu trợ phục hồi và tái thiết được hỗ trợ từ nguồn vận động đóng góp của Hội Chữ thập đỏ thì thời gian thực hiện có thể kéo dài đến một năm.

    Điều 8. Nhiệm vụ của Ban Vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ

    1. Ban Cứu trợ của từng cấp phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng cùng cấp phổ biến, thông tin rộng rãi ý nghĩa của cuộc vận động, thời gian, địa chỉ, số hiệu tài khoản tiếp nhận tiền cứu trợ trong phạm vi địa bàn, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp ủng hộ nhân dân, địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.

    2. Phối hợp với chính quyền các cấp chịu trách nhiệm quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ đến địa phương, đến nhân dân vùng bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng đảm bảo kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch; báo cáo tình hình tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ theo chế độ quy định.

     

    Chương III. QUY ĐỊNH VỀ TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG TIỀN, HÀNG CỨU TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI, HOẢ HOẠN, SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG TRONG NƯỚC

     

    Điều 9. Tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, cung cấp các dịch vụ cứu trợ

    1. Quy định về mở tài khoản:

    - Ban Cứu trợ các cấp (trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để thống nhất quản lý tiền cứu trợ, mở đầy đủ sổ, chứng từ thu, chi để theo dõi và báo cáo quyết toán kinh phí cứu trợ theo quy định;

    - Đối với các cơ quan thông tin đại chúng, Hội Chữ thập đỏ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các cơ quan khác được phép tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ được mở tài khoản tại ngân hàng Thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước;

    - Các cơ quan, đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị mình đóng góp để ủng hộ các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì không phải mở tài khoản. Toàn bộ số tiền huy động được, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ cùng cấp theo quy định tại khoản 3 Điều này.

    2. Quy định về kho tàng, bến bãi tiếp nhận hàng cứu trợ

    Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị tiếp nhận hàng cứu trợ có thể sử dụng tạm thời kho chứa hàng hoá, trụ sở của cơ quan mình hoặc thuê kho tàng, bến bãi làm nơi tập kết hàng cứu trợ.

    3. Tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng trong nước

    a) Toàn bộ số tiền cứu trợ do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp cho địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng đều phải tập trung vào tài khoản tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, do Ban Cứu trợ cùng cấp là chủ tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước; theo nguyên tắc:

    - Số tiền do các tổ chức, cá nhân ủng hộ chung cho nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng không có địa chỉ cụ thể thì chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ cùng cấp (ở trung ương chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm chủ tài khoản; ở địa phương chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã làm chủ tài khoản);

    - Số tiền cứu trợ do các tổ chức, cá nhân ủng hộ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng có địa chỉ cụ thể theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân thì các Ban Cứu trợ có trách nhiệm chuyển đến đúng địa chỉ theo yêu cầu.

    b) Số tiền ủng hộ cho các địa phương do cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức, đơn vị được phép tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì các cơ quan đó có trách nhiệm chuyển toàn bộ số tiền đó vào tài khoản của Ban Cứu trợ do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm chủ tài khoản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

    c) Đối với số tiền ủng hộ các địa phương thông qua hệ thống Chữ thập đỏ các cấp: các cấp Hội có trách nhiệm quản lý, phân phối và báo cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và nhà tài trợ theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    d) Đối với số tiền ủng hộ các địa phương do các quỹ xã hội, quỹ từ thiện vận động đóng góp, vận động tài trợ; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện có trách nhiệm quản lý, phân phối và báo cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và nhà tài trợ theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    đ) Trường hợp các tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng ngoại tệ, Ban Cứu trợ bán số ngoại tệ cho Ngân hàng Thương mại và nộp số tiền thu được vào tài khoản của Ban;

    e) Về phương thức chuyển tiền: đối với số tiền thu được qua đợt vận động ủng hộ cho các nạn nhân, các địa phương bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng được xử lý như sau:

    - Toàn bộ số tiền thu được của các tập thể, cá nhân, thuộc các cơ quan trung ương, các tổ chức quốc tế và các đơn vị, cá nhân khác (không thuộc quản lý của địa phương) đóng góp đều phải nộp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm chủ tài khoản và mở tại Kho bạc Nhà nước (trừ những khoản tiền ủng hộ có địa chỉ thì Ban Cứu trợ chuyển trực tiếp cho các địa phương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này);

    - Đối với các địa phương: Ban Cứu trợ cấp xã chuyển tiền vào tài khoản của Ban Cứu trợ cấp huyện hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ cấp tỉnh; Ban Cứu trợ cấp huyện chuyển tiền vào tài khoản của Ban Cứu trợ cấp tỉnh để tổng hợp, cân đối nguồn hỗ trợ (trừ những khoản tiền ủng hộ có địa chỉ thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này).

    Trường hợp thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra cục bộ trong phạm vi đơn vị cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động cứu trợ thì số tiền, hàng cứu trợ thu được, chuyển trực tiếp đến Ban Cứu trợ cấp huyện để phân phối cho các đối tượng (không chuyển qua Ban Cứu trợ cấp tỉnh).

    4. Tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng hiện vật

    a) Căn cứ tình hình và điều kiện cụ thể, Ban Cứu trợ các cấp quy định và có văn bản hướng dẫn các ngành, các cấp của địa phương thành lập các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ; toàn bộ hàng cứu trợ phải được giao, nhận đầy đủ về số lượng, chất lượng tại các điểm tiếp nhận hoặc kho tiếp nhận theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp cần phải cứu trợ khẩn cấp và để giải phóng nhanh hàng hoá tại điểm tiếp nhận, Ban Cứu trợ quyết định phân phối ngay hàng hoá thiết yếu (quần áo, gạo, mì ăn liền, thực phẩm khác...) cho các đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này;

    b) Trường hợp hàng hoá cứu trợ qua Ban Cứu trợ thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Cứu trợ có trách nhiệm làm các thủ tục giao nhận hàng hoá đầy đủ theo quy định và chuyển vào địa điểm tập kết theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này để phân phối cho các địa phương;

    c) Trường hợp cứu trợ bằng vàng, bạc, kim khí quý, đá quý thì Ban Cứu trợ bán số vàng, bạc, kim khí, đá quý đó cho Ngân hàng Thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá và nộp tiền thu được vào tài khoản của Ban Cứu trợ cùng cấp.

    5. Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã hỗ trợ cho từng hộ gia đình, cá nhân để địa phương có chính sách, phương án cân đối mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn trên địa bàn từ nguồn tiền, hàng cứu trợ của địa phương cho phù hợp.

    6. Ngoài các hình thức huy động đóng góp bằng tiền, hàng; các tổ chức, cá nhân được thực hiện cứu trợ nhân đạo bằng hình thức cung cấp dịch vụ (miễn phí hoặc giảm giá một số dịch vụ) để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

    Điều 10. Tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ cho các địa phương

    1. Căn cứ số tiền, hàng cứu trợ nhận được và mức độ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra, Trưởng Ban Cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã chủ động phối hợp với chính quyền tổ chức cuộc họp phân phối tiền, hàng cứu trợ đầu tiên chuyển về cho các địa phương, gia đình bị nạn để cứu trợ kịp thời cho nhân dân và địa phương bị thiệt hại. Trong quá trình vận động tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, căn cứ vào số tiền, hàng cứu trợ nhận được mà Trưởng ban quyết định các cuộc họp tiếp theo để phân phối tiền, hàng cứu trợ cho phù hợp.

    2. Thành phần tham gia cuộc họp do Trưởng ban quyết định triệu tập, nhưng phải gồm đại diện các cơ quan sau:

    a) Ở cấp trung ương: lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (chủ trì); các thành viên là đại diện: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Bộ Y tế; cơ quan thông tin đại chúng; các đơn vị, tổ chức ở Trung ương được phép vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này;

    b) Ở địa phương:

    - Cấp tỉnh: lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (chủ trì); các thành viên là đại diện: Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão tỉnh; Sở Y tế; Sở Tài chính; cơ quan thông tin đại chúng; các đơn vị, tổ chức ở tỉnh được phép vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này;

    - Cấp huyện: lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện (chủ trì); các thành viên là đại diện: Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện; Hội Chữ thập đỏ cấp huyện; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Nông nghiệp; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão huyện; Phòng Y tế; Phòng Tài chính; cơ quan thông tin đại chúng; các đơn vị, tổ chức ở huyện được phép vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này;

    - Cấp xã, phường: lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc (chủ trì); các thành viên là đại diện: Ủy ban nhân dân cấp xã; Hội Chữ thập đỏ cấp xã; cán bộ lao động - thương binh và xã hội; cán bộ kế hoạch - giao thông - thuỷ lợi - nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

    Điều 11. Sử dụng nguồn đóng góp tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng

    1. Nguyên tắc phân phối, sử dụng:

    a) Căn cứ mức độ thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra;

    b) Căn cứ các nguồn đóng góp tự nguyện và kết hợp với nguồn của các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân và hộ gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng (không qua tiếp nhận của Ban Cứu trợ);

    c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (chủ trì), phối hợp với các cơ quan liên quan quy định tại khoản 2 Điều 9 tiến hành cuộc họp, phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ theo nguyên tắc thống nhất; đảm bảo mức hỗ trợ hợp lý giữa các tỉnh, giữa các huyện trong tỉnh; giữa các xã trong huyện; giữa các ngành bị thiệt hại trong từng đợt bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giữa các đợt bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng; giữa cá nhân, hộ gia đình bị nạn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng với các đối tượng chính sách xã hội.

    2. Đối tượng được hỗ trợ

    Nạn nhân, thân nhân của nạn nhân (ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con) bị ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng trong các trường hợp như: ngư dân trên biển gặp bão, áp thấp nhiệt đới, nạn nhân bị bão, động đất, lở đất, lở núi, lũ cuốn, lũ quét, lốc cuốn, mưa đá, hoả hoạn, tai nạn lao động do khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng...

    3. Nội dung chi cho công tác cứu trợ

    a) Hỗ trợ khẩn cấp: cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh...), cấp cứu người bị thương, hỗ trợ tiền mai táng đối với gia đình có người chết; thăm hỏi gia đình có người bị nạn; hỗ trợ xây dựng nhà bị đổ, bị trôi, bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống trước mắt đối với nạn nhân, thân nhân của nạn nhân;

    b) Hỗ trợ có tính chất lâu dài: sau khi đã sử dụng nguồn cứu trợ để chi hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này mà kinh phí còn dư, Ban Cứu trợ các cấp quyết định sử dụng kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ có tính lâu dài phù hợp với khả năng nguồn cứu trợ của địa phương, cụ thể:

    - Hỗ trợ kinh phí cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân có lao động chính bị chết để mua hoặc sửa chữa công cụ, phương tiện sản xuất chủ yếu bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra để tiếp tục sản xuất;

    - Hỗ trợ giống, phân bón phục vụ cho sản xuất;

    - Hỗ trợ kinh phí để xoá nhà tạm (nếu còn) cho những gia đình bị nạn; có chính sách ưu tiên trợ cấp xã hội hàng tháng cũng như lâu dài đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là các nạn nhân, thân nhân của người bị nạn không còn nơi nương tựa, không còn khả năng lao động.

    4. Nguồn cứu trợ tiếp nhận được qua từng đợt huy động chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục hậu thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng của đợt sau. Trường hợp cuối năm kinh phí cứu trụ còn số dư trên tài khoản đóng góp được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.

    Điều 12. Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ

    1. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của đơn vị khi được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện việc thuê kho, bến bãi tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ.

    2. Các khoản công tác phí phát sinh (tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ, tiền mua vé phương tiện đi lại) đối với cán bộ, công chức được cử đi làm nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ; các khoản kinh phí khác liên quan được sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị. Trường hợp chi phí cho công tác phí phát sinh lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, đề nghị báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

    3. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ không sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ tiếp nhận được để chi trả các khoản chi phát sinh trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ.

    Điều 13. Quản lý tài chính, chế độ báo cáo

    1. Chậm nhất 90 ngày sau khi thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra, Ban Cứu trợ cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương về số tiền, hàng đã huy động được và số tiền, hàng đã sử dụng, chi cho từng mục tiêu (cứu trợ dân sinh, xử lý môi trường...); số tiền, hàng còn dư (nếu có). Ban Cứu trợ cấp tỉnh quy định thời gian báo cáo đối với cấp huyện và cấp xã.

    2. Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị được hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành cho cơ quan tài chính cùng cấp. Các khoản thu, chi khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng từ nguồn đóng góp được thực hiện ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

    Điều 14. Công khai tiền, hàng cứu trợ

    1. Đối với các tổ chức, đơn vị trực tiếp vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ phải công khai số tiền, hàng nhận được; số tiền, hàng đã phân phối, chuyển cho các địa phương.

    2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương thực hiện công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ cho các đối tượng.

    3. Kết thúc cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lập báo cáo kết quả cuộc vận động (tổng hợp số tiền, hàng đóng góp tự nguyện, số tiền đã phân phối cho các địa phương bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng) gửi Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Tài chính và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

     

    Chương IV. QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP GIÚP ĐỠ CÁC QUỐC GIA KHÁC BỊ THIÊN TAI

     

    Điều 15. Tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp

    1. Thủ tướng Chính phủ ra lời kêu gọi ủng hộ đồng bào các quốc gia khác khi bị thiên tai nghiêm trọng cần sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam.

    2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.

    Thời gian vận động đóng góp do Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc uỷ quyền cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quy định.

    Điều 16. Tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ

    1. Ban Cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ các cấp mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận các khoản đóng góp từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào các quốc gia khác khi bị thiên tai theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.

    2. Toàn bộ số tiền thu được qua cuộc vận động được nộp vào tài khoản của Ban Cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ các cấp và chuyển về tài khoản của Ban Cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

    3. Chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc vận động, căn cứ số tiền, hàng cứu trợ thu được, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện chuyển tiền, hàng cho quốc gia khác bị thiên tai; trường hợp cuộc vận động để hỗ trợ nhiều quốc gia bị thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (chủ trì), phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành cuộc họp phân bổ tiền, hàng cứu trợ; đồng thời tổng hợp kết quả phân bổ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng quốc gia bị thiên tai.

    Chương V. QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP GIÚP ĐỠ BỆNH NHÂN MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO

     

    Điều 17. Tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp

    1. Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương được phép vận động, kêu gọi bạn đọc báo, bạn nghe đài, bạn xem truyền hình đóng góp để thực hiện các hoạt động từ thiện, trợ giúp những người mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể.

    2. Nghiêm cấm các cơ quan thông tin đại chúng lợi dụng các hoạt động từ thiện để huy động tiền đóng góp và sử dụng sai mục đích.

    Điều 18. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền đóng góp

    Toàn bộ khoản tiền do các cơ quan thông tin đại chúng tiếp nhận được thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được chuyển vào tài khoản riêng của đơn vị để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng theo địa chỉ; thực hiện thông báo công khai số tiền huy động được, số tiền đã hỗ trợ các bệnh nhân, số tiền còn chưa sử dụng (nếu có) trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, Đài); đồng thời có văn bản thông báo cho chính quyền địa phương nơi có bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo biết.

    Điều 19. Chi phí cho các hoạt động, vận động đóng góp

    Chi phí phát sinh trong việc vận động đóng góp, tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ, chuyển tiền giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng bằng nguồn kinh phí của đơn vị, ngân sách nhà nước không chi trả.

     

    Chương VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 20. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương

    1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ hỗ trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, giám sát việc tổ chức thực hiện theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.

    2. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các cơ quan liên quan: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Tài chính cùng cấp để đưa tin trong quá trình vận động đóng góp, tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng và giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

    3. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc thu, chi tiền, hàng cứu trợ cho nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

    4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ đồng bào và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng đảm bảo đúng chế độ, chính sách.

    5. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý các vấn đề liên quan về ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt, dịch bệnh do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra.

    6. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thực hiện tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ; kiểm tra việc thực hiện vận động tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ và tổ chức cứu trợ cho nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của Nghị định này.

    Điều 21. Khen thưởng và xử lý vi phạm

    1. Khen thưởng: tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có thành tích trong việc vận động đóng góp; ủng hộ, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn cứu trợ hỗ trợ nhân dân trong và ngoài nước và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng gây ra, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng.

    2. Xử lý vi phạm: các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Điều 22. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

    Những quy định trước đây của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trái với nội dung Nghị định này đều bãi bỏ.

    Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định này.

    Điều 23. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

     

    TM. CHÍNH PHỦ

    THỦ TƯỚNG

    Nguyễn Tấn Dũng

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam
    Ban hành: 12/06/1999 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 16/12/2002 Hiệu lực: 01/01/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
    Ban hành: 27/10/2021 Hiệu lực: 11/12/2021 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    05
    Thông tư 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
    Ban hành: 31/07/2008 Hiệu lực: 02/09/2008 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản hướng dẫn
    06
    Công văn 10415/BTC-NSNN của Bộ Tài chính về việc bổ sung Phụ lục kèm theo Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
    Ban hành: 05/09/2008 Hiệu lực: 05/09/2008 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    07
    Thông tư 174/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động đối với Ban Vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ trong các cuộc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, trợ giúp quốc tế do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động
    Ban hành: 17/11/2014 Hiệu lực: 01/01/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    08
    Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện
    Ban hành: 25/09/2007 Hiệu lực: 21/10/2007 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Nghị định 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
    Ban hành: 12/04/2012 Hiệu lực: 01/06/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
    Ban hành: 10/09/2012 Hiệu lực: 25/10/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Quyết định 142/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc cấp Giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ Trò nghèo vùng cao
    Ban hành: 25/02/2014 Hiệu lực: 25/02/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Quyết định 311/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc cho phép đổi tên Quỹ Phát triển vì cộng đồng thành Quỹ An toàn giao thông và phát triển cộng đồng và công nhận Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Quỹ An toàn giao thông và phát triển cộng đồng
    Ban hành: 28/03/2014 Hiệu lực: 28/03/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    13
    Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung
    Ban hành: 28/08/2014 Hiệu lực: 15/10/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    14
    Quyết định 641/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc cấp Giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ chia sẻ tình thương
    Ban hành: 29/07/2015 Hiệu lực: 29/07/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    15
    Thông báo 138/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
    Ban hành: 15/03/2017 Hiệu lực: 15/03/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    16
    Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới
    Ban hành: 09/07/2018 Hiệu lực: 09/07/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    17
    Công văn 4184/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế về chứng từ thu hợp pháp đóng góp từ thiện nhân đạo
    Ban hành: 15/10/2019 Hiệu lực: 15/10/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    18
    Công văn 3569/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế về chứng từ thu hợp pháp khi đóng góp từ thiện, nhân đạo
    Ban hành: 28/08/2020 Hiệu lực: 28/08/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    19
    Hướng dẫn 38/HD-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra
    Ban hành: 19/10/2020 Hiệu lực: 19/10/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    20
    Công văn 8801/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai
    Ban hành: 21/10/2020 Hiệu lực: 21/10/2020 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Nghị định 64/2008/NĐ-CP vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ
    Số hiệu:64/2008/NĐ-CP
    Loại văn bản:Nghị định
    Ngày ban hành:14/05/2008
    Hiệu lực:06/06/2008
    Lĩnh vực:Chính sách
    Ngày công báo:22/05/2008
    Số công báo:275&276 - 5/2008
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:11/12/2021
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu (15)
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X