Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản mà không đủ sức khỏe đi làm thì có thể được nghỉ thêm một thời gian gọi là dưỡng sức sau sinh. Vậy điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh là gì?
Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh
Lao động nữ (gồm cả lao động nữ mang thai hộ) ngay sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội)
Theo đó, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản, nếu sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ được nghỉ dưỡng sức sau sinh.
Trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con (điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP).
Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh năm 2023 (Ảnh minh họa)
Thời gian hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày - 10 ngày, bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.
Cụ thể, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo khoản 2 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
- Tối đa 10 ngày: Đối với lao động nữ sinh một lần từ 02 con trở lên;
- Tối đa 07 ngày: Đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
- Tối đa 05 ngày: Đối với các trường hợp khác.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.