Sơ yếu lý lịch là giấy tờ không thể thiếu khi làm hồ sơ xin việc. Khi xác nhận Sơ yếu lý lịch mọi người cần lưu ý 3 điểm dưới đây tránh mất thời gian không cần thiết.
Xác nhận Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú
Thủ tục chứng thực chữ ký được áp dụng đối với trường hợp chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân (điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP).
Theo đó, chứng thực Sơ yếu lý lịch cá nhân là thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký.
Đối chiếu với khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015, chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
Như vậy, chứng thực Sơ yếu lý lịch chỉ là chứng thực chữ ký, do đó, người yêu cầu chứng thực có thể thực hiện tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký sau:
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn bất kỳ (không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú);
- Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng;
- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Kết luận: Người có yêu cầu chứng thực Sơ yếu lý lịch không phải về nơi thường trú để thực hiện.
Xác nhận Sơ yếu lý lịch - 3 điểm cần lưu ý (Ảnh minh họa)
Không ghi bất kỳ nhận xét gì vào Sơ yếu lý lịch
Công văn số 873/HTQHCT-CT ngày 25/8/2017 về chứng thực Sơ yếu lý lịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhấn mạnh:
Tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định… của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch.
Đặc biệt, Thông tư 01/2020/TT-BTP ban hành ngày 03/3/2020, có hiệu lực từ ngày 20/4/2020 cũng đã quy định cụ thể, rõ ràng vấn đề này.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này nêu rõ, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
Do đó, không được ghi bất kỳ nhận xét nào vào Sơ yếu lý lịch cá nhân, người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.
Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
Lệ phí chứng thực Sơ yếu lý lịch
Người yêu cầu chứng thực phải nộp lệ phí chứng thực theo quy định, cụ thể:
- Tại Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tư pháp: 10.000 đồng/trường hợp
- Tại Tổ chức hành nghề công chứng: Phí chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: 10.000 đồng/trường hợp
*Trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản.
hieuluat.vn