hieuluat

Chỉ thị 14/2004/CT-TTg ngăn chặn XNC và cư trú trái phép của công dân Việt Nam ở nước ngoài

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:06 - 4/2004
    Số hiệu:14/2004/CT-TTgNgày đăng công báo:12/04/2004
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Vũ Khoan
    Ngày ban hành:02/04/2004Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:02/04/2004Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:An ninh trật tự
  • Chỉ thị

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 14/2004/CT-TTG
    NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 2004 VỀ XỬ LÝ VÀ NGĂN CHẶN VIỆC
    XUẤT NHẬP CẢNH VÀ CƯ TRÚ TRÁI PHÉP CỦA
    CÔNG DÂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

     

    Trong thời gian qua, tình trạng công dân Việt Nam nhập cảnh và ở lại nước ngoài trái phép đã diễn ra ngày càng tăng, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín và quan hệ của nước ta với các nước hữu quan, tác động tiêu cực tới sự phát triển du lịch, xuất khẩu lao động. Những vi phạm của công dân Việt Nam chủ yếu ở các hình thức sau:

    Xuất cảnh Việt Nam và nhập cảnh nước ngoài bất hợp pháp: đối tượng này thường không có giấy tờ xuất nhập cảnh, bị kẻ xấu lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo, vượt biên bất hợp pháp sang một số nước để tìm kiếm việc làm, hoặc từ các nước này sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả để đi tiếp sang nước khác, thậm chí nhiều phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài.

    Xuất cảnh Việt Nam và nhập cảnh nước ngoài hợp pháp nhưng sau đó ở lại cư trú và lao động bất hợp pháp: đối tượng này đến nước ngoài bằng hộ chiếu hợp pháp qua hình thức đi du lịch, thăm thân, du học tự túc, lao động... nhưng ở lại quá thời hạn được phép với mục đích tìm kiếm việc làm. Nhiều người bị lừa đưa đi lao động bằng con đường du lịch, tác động tiêu cực đến trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ta.

    Tình trạng trên xảy ra là do những nguyên nhân chính sau:

    Về khách quan: Di dân tự do, nhất là di dân vì lý do kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa là hiện tượng có tính phổ biến. Nước ta đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực khó tránh khỏi tác động tiêu cực của hiện tượng này; việc một số nước không kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh và cư trú trái phép, chỉ xử lý, trục xuất khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng, đã tạo điều kiện cho việc nhập cảnh, cư trú trái phép của người nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam. Hơn nữa, các thỏa thuận song phương về việc miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông giữa ta với các nước đã bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng, lừa đảo đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp để thu lợi bất chính. Ngoài ra, các thế lực thù địch cũng tác động, lôi kéo và tổ chức cho người Việt Nam xuất cảnh và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vì mục đích kinh tế nhằm bôi nhọ ta về chính trị.

    Về chủ quan: Người vi phạm chủ yếu là dân cư ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thiếu thông tin về chính sách xuất khẩu lao động, về danh sách các công ty được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu cũng như về pháp luật nhập cư, cư trú của các nước nên dễ bị lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí cưỡng bức xuất cảnh (như phụ nữ, trẻ em bị lừa đưa ra nước ngoài); một số người biết mình không đủ tiêu chuẩn để đi lao động xuất khẩu theo hợp đồng hợp pháp, mặc dù hiểu rõ thực chất của việc xuất cảnh làm ăn bất hợp pháp ở nước ngoài nhưng vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, công tác quản lý của một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn có sơ hở để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất nhập cảnh, du lịch và xuất khẩu lao động của Nhà nước đã lừa gạt, tổ chức người vượt biên trái phép hoặc làm dịch vụ du lịch trá hình đưa người ra nước ngoài để trục lợi; các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, nghiêm minh; công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục công dân chưa được quan tâm đúng mức hoặc thực hiện còn thiếu đồng bộ.

    Nhằm tiếp tục thực hiện tốt chủ trương hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác với các nước của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh, đi lại của công dân ta ra nước ngoài với lý do chính đáng và thủ tục hợp pháp, đồng thời hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

    1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại các quy định và điều kiện cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chỉ đạo các doanh nghiệp bảo đảm đưa người đi lao động ở nước ngoài đúng đối tượng, đúng mục đích, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động theo đúng Hiệp định, Thỏa thuận đã ký với phía nước ngoài; quản lý chặt chẽ lao động hợp đồng, tránh để xảy ra tình trạng người lao động tự ý huỷ bỏ hợp đồng; ban hành chế tài nghiêm khắc hơn để khắc phục tình trạng lao động huỷ bỏ hợp đồng; tuyên truyền rộng rãi chính sách xuất khẩu lao động và danh sách các doanh nghiệp và đại diện có thẩm quyền được phép xuất khẩu lao động để người lao động biết liên hệ, tránh bị kẻ xấu lừa gạt.

    2. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ quản lý tốt hơn việc làm thủ tục xuất cảnh; tích cực điều tra, xử lý những cá nhân, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo trong xuất khẩu lao động; khẩn trương xác minh và trả lời yêu cầu xác minh của Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài đối với các trường hợp không được phía nước ngoài cho cư trú; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu phương án đàm phán với nước ngoài để giải quyết tình trạng nhập cảnh và cư trú trái phép của công dân Việt Nam và nhận trở lại những người bị buộc về nước; chủ động phối hợp và trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của các nước hữu quan trong việc ngăn chặn và phát hiện việc sử dụng giấy tờ giả.

    3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh của công dân Việt Nam tại các cửa khẩu do lực lượng quản lý; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban nhân dân tỉnh có biên giới tiếp nhận về nước công dân ta không được nước ngoài cho cư trú theo quy định của pháp luật.

    4. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan thành lập Ban công tác liên ngành để đàm phán với phía nước ngoài giải quyết tình trạng công dân Việt Nam xuất nhập cảnh, cư trú trái phép ở nước ngoài và đưa công dân ta không được nước ngoài cho cư trú về nước theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài phối hợp với cơ quan chức năng của nước sở tại theo dõi, thống kê và định kỳ báo cáo tình hình công dân ta nhập cảnh và cư trú trái phép tại nước ngoài.

    Để hỗ trợ công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, buộc phải về nước nhưng không có tiền mua vé về nước, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mua vé cho những người nêu trên về nước và chuyển hồ sơ chứng từ về Bộ Tài chính để thanh toán. Các địa phương có công dân nêu trên phải thanh toán lại với Bộ Tài chính hoặc Bộ Tài chính khấu trừ vào ngân sách địa phương. Công dân nêu trên có trách nhiệm hoàn trả tiền vé cho địa phương nơi cư trú sau khi về nước.

    5. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng sở tại, trực tiếp thẩm tra, xác minh và chịu trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định cấp giấy tờ về nước cho công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú. Sau khi cấp, Cơ quan đại diện điện báo chi tiết theo quy định về Bộ Công an để phối hợp tiếp nhận.

    6. Bộ Văn hóa - thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật và các quy định về xuất nhập cảnh của Việt Nam, về pháp luật nhập cư của các nước, về chủ trương xuất khẩu lao động của ta; thông tin về các thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân lừa đảo và hậu quả của việc đi lao động ở nước ngoài trái pháp luật, việc tự ý bỏ hợp đồng ở lại nước ngoài cư trú và lao động trái phép để người lao động biết và phòng tránh.

    7. Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công an nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định buộc các doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải chịu trách nhiệm về tài chính đối với việc đưa khách của doanh nghiệp về Việt Nam nếu khách du lịch ở lại nước ngoài trái phép và bị trục xuất về nước.

    8. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu việc hình thành cơ chế tài chính để hỗ trợ công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; bổ sung kinh phí bảo đảm cho lực lượng Bộ đội biên phòng và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp nhận, quản lý và đưa về địa phương những công dân Việt Nam bị các nước trao trả; phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương liên quan thực hiện quy định nêu tại điểm 4 của Chỉ thị này.

    9. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tăng cường giáo dục, tuyên truyền chính sách và pháp luật của Nhà nước ta về xuất nhập cảnh, du lịch và xuất khẩu lao động để công dân ta biết và thực hiện; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới tăng cường công tác quản lý tuyển chọn lao động xuất khẩu, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý những tổ chức, cá nhân lừa đảo đưa công dân ra nước ngoài trái pháp luật; phối hợp với Bộ Công an và các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài nhanh chóng tiếp nhận công dân của địa phương mình bị nước ngoài trao trả và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

    10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này.

     

    KT. Thủ tướng Chính phủ

    Phó Thủ tướng

    Vũ Khoan

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X