hieuluat

Nghị định 104/2010/NĐ-CP tổ chức, quản lý và hoạt động Công ty TNHH một thành viên

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủSố công báo:601 & 602 - 10/2010
    Số hiệu:104/2010/NĐ-CPNgày đăng công báo:22/10/2010
    Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:11/10/2010Hết hiệu lực:01/12/2015
    Áp dụng:01/12/2010Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:An ninh trật tự, Doanh nghiệp
  •  

    CHÍNH PHỦ
    ----------------
    Số: 104/2010/NĐ-CP  
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    ----------------------
    Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2010
     
     
    NGHỊ ĐỊNH
    VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
     MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU
    TRỰC TIẾP PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH
    -------------------
    CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
     
     
    NGHỊ ĐỊNH:
     

    Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Nghị định này quy định về việc thành lập mới, tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    Nghị định này áp dụng đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 3 Nghị định này; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập mới, tổ chức, quản lý, hoạt động và kiểm tra, giám sát đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

    Điều 3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh

    1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh) là công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, được đầu tư thành lập hoặc tổ chức lại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định, thường xuyên trong những lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bảo đảm bí mật quốc gia, nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh.
    2. Tiêu chí xác định doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh:
    a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thành lập hoặc tổ chức lại theo quy định của pháp luật, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
    b) Được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch ổn định, thường xuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Phụ lục về Danh mục sản phẩm, dịch vụ và nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh ban hành kèm theo Nghị định này.

    Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh

    Ngoài những quyền và nghĩa vụ như của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ sau:
    1. Được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ để phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
    2. Được sử dụng các nguồn lực được giao để tiến hành hoạt động kinh doanh bổ sung hoặc đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác để kinh doanh ngoài kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao khi:
    a) Chủ sở hữu doanh nghiệp cho phép bằng văn bản;
    b) Hoạt động kinh doanh bổ sung có mục đích để kết hợp hỗ trợ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc để phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản sau khi đảm bảo hoàn thành việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao;
    c) Không làm giảm năng lực và ảnh hưởng tới việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao;
    d) Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh bổ sung thì ngành, nghề kinh doanh bổ sung phải có công nghệ tương đồng, phục vụ hoặc phái sinh từ ngành, nghề kinh doanh đã được xác lập từ mục đích đầu tư thành lập và chiến lược phát triển doanh nghiệp;
    đ) Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh bổ sung theo quy định của pháp luật;
    e) Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
    3. Việc chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp được thực hiện khi cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cho phép. Việc thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản của doanh nghiệp gắn liền với quyền sử dụng đất phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
    4. Tiến hành quản lý nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các quy định của pháp luật có liên quan.
    5. Chấp hành quyết định của chủ sở hữu về việc điều chuyển phần vốn hoặc tài sản phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở doanh nghiệp khác trong trường hợp cần thiết.
    6. Mọi hoạt động liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ hoặc nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Nội vụ về hợp tác quốc tế.
     

    Chương 2. THÀNH LẬP MỚI, TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP TRỰC TIẾP PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH

     

    Điều 5. Thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh

    1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ là người đề nghị thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Căn cứ vào nhu cầu phát triển và tiêu chí xác định doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này, người đề nghị thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh xây dựng Đề án thành lập mới doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
    Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.
    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập mới.
    2. Hồ sơ đề nghị thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh gồm:
    a) Tờ trình đề nghị thành lập doanh nghiệp;
    b) Đề án thành lập mới doanh nghiệp quy định tại khoản 3 của Điều này;
    c) Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
    3. Đề án thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
    a) Sự cần thiết thành lập doanh nghiệp; khả năng đáp ứng điều kiện, tiêu chí xác định doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 3 Nghị định này; mục tiêu, định hướng phát triển của doanh nghiệp trong vòng 05 năm tới;
    b) Danh mục sản phẩm, dịch vụ hoặc nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh do doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hoặc thực hiện; các ngành, nghề kinh doanh khác (nếu có); tình hình thị trường, nhu cầu và triển vọng thị trường về từng loại sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng; khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp;
    c) Tên doanh nghiệp dự kiến thành lập;
    d) Địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp và diện tích đất sử dụng;
    đ) Khả năng khai thác các nguồn lực về lao động; khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và các điều kiện cần thiết khác để doanh nghiệp hoạt động sau khi thành lập;
    e) Quy mô vốn điều lệ; dự kiến tổng vốn đầu tư; nguồn vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước; nguồn và hình thức huy động số vốn còn lại (nếu có); nhu cầu và biện pháp tạo vốn lưu động đối với doanh nghiệp;
    g) Sự phù hợp của việc thành lập doanh nghiệp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế;
    h) Dự kiến mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp và thời hạn hoạt động;
    i) Đối với doanh nghiệp cần tiến hành đầu tư xây dựng khi thành lập mới thì Đề án thành lập mới phải bao gồm cả dự án đầu tư thành lập mới. Nội dung dự án đầu tư gắn với thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
    4. Nội dung Điều lệ của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
    Điều 6. Đăng ký kinh doanh
    1. Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được đăng ký hoạt động dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
    2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập mới và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
    Đối với hồ sơ thành lập mới, doanh nghiệp nộp kèm bản sao Quyết định thành lập mới doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
    3. Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được đăng ký ngành, nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật và theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành, nghề đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh.
    4. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh đăng ký thay đổi vốn điều lệ sau khi thực hiện điều chuyển tài sản của Nhà nước phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh sang đơn vị khác theo quyết định của chủ sở hữu.
    Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được đăng ký giảm vốn điều lệ phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn. Chủ sở hữu liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong trường hợp điều chuyển phần vốn hoặc tài sản phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp.
    Trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
    Điều 7. Công nhận, công nhận lại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
    1. Định kỳ 03 năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ rà soát, đối chiếu hoạt động của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do mình quản lý với các quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định này để xem xét việc công nhận doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
    2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
    Riêng đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đã được công nhận là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo tiêu chí quy định tại Điều 3 Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, quyết định công nhận là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh phù hợp với quy định tại Nghị định này.
    Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính danh sách doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh do mình quản lý.
    3. Những cơ sở chủ yếu để công nhận, công nhận lại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh bao gồm:
    a) Danh mục sản phẩm, dịch vụ và nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh mà doanh nghiệp thực hiện trong vòng 03 năm tính đến thời điểm xem xét;
    b) Báo cáo về tình hình sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ hoặc nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch trong vòng 03 năm tính đến thời điểm xem xét;
    c) Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp; mục tiêu, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong vòng 03 năm tới;
    d) Những giải trình khác về các vấn đề liên quan đến việc công nhận doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
    Điều 8. Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
    1. Căn cứ vào quy mô và đặc thù hoạt động, chủ sở hữu doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quyết định áp dụng cơ cấu tổ chức quản lý theo mô hình Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên hoặc theo mô hình Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Kiểm soát viên.
    Đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoạt động trong các ngành, lĩnh vực đặc biệt, cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
    2. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc). Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đảm bảo các điều kiện:
    a) Người được đề nghị kiêm nhiệm phải có sức khỏe và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đối với cả hai 2 chức danh này;
    b) Phải quy định cụ thể và tách bạch trong thực thi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và của Tổng giám đốc (Giám đốc);
    c) Người được đề nghị kiêm nhiệm phải chịu trách nhiệm đối với chức năng, nhiệm vụ và vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty.
    3. Quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành và theo quy định tại Điều lệ công ty.
    4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các chức danh quản lý quan trọng khác, các chức danh liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc đảm bảo bí mật quốc gia trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ.
    5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh quản lý của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh căn cứ vào quy định của pháp luật.
    Điều 9. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
    Việc tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện theo quy định hiện hành về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
     

    Chương 3. ĐẶT HÀNG, GIAO KẾ HOẠCH, GIAO NHIỆM VỤ VÀ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TRỰC TIẾP PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH

     
    Điều 10. Đặt hàng, giao kế hoạch hoặc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
    1. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc giao nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc dự toán chi của ngân sách Trung ương.
    2. Cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch, giá hoặc phí sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật.
    Điều 11. Hỗ trợ đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
    1. Ngoài những quy định chung về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được áp dụng chính sách của Nhà nước đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt quy định tại Điều 8 Nghị định số 46/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng.
    2. Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm: các khoản chi cho công tác quốc phòng, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân.
    3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều này.
     

    Chương 4. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     
    Điều 12. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
    1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2010.
    2. Trong vòng một năm từ ngày Nghị định này có hiệu lực, căn cứ các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ thực hiện rà soát các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do mình quản lý (bao gồm cả doanh nghiệp đã được công nhận là công ty quốc phòng, an ninh theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích) để xem xét công nhận doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Việc xem xét, công nhận doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
    Những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không đáp ứng điều kiện để công nhận là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện sắp xếp lại theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành và theo Đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    3. Việc chuyển đổi các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo hình thức công ty mẹ - công ty con, Tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc theo các loại hình doanh nghiệp khác thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
    4. Việc sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật.
    5. Những nội dung khác về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh không được quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
    6. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện đối với các doanh nghiệp trực thuộc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
    7. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.  
     

     

    Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b).
    TM. CHÍNH PHỦ
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Tấn Dũng
     
     

    PHỤ LỤC

    DANH MỤC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ VÀ NHIỆM VỤ TRỰC TIẾP PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH
    (Ban hành kèm theo Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ)
     
    1. Sản xuất, kinh doanh thuốc nổ, vật liệu nổ quân sự.
    2. Sản xuất hóa chất và vật tư hóa chất chuyên dụng phục vụ quốc phòng.
    3. Sản xuất chất phóng xạ.
    4. Sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài; trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh.
    5. Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật mật mã; trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng cơ yếu.
    6. Nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, vật tư, vật liệu và quân trang đặc chủng, chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
    7. Sản xuất, cung cấp các sản phẩm viễn thông quân sự, xăng dầu đặc chủng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; khai thác khoáng sản trên địa bàn chiến lược.
    8. Sản xuất và in tài liệu nghiệp vụ, sách báo chính trị, quân sự chuyên dùng có yêu cầu bảo mật của nhà nước.
    9. Thiết kế, thi công, sửa chữa công trình chiến đấu, công trình nghiệp vụ, chuyên dùng, công trình hạ tầng an ninh mật mã có nội dung bí mật phục vụ quốc phòng, an ninh.
    10. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xuất, nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quân sự và chuyên ngành mật mã.
    11. Quản lý, cung cấp dịch vụ cảng biển quân sự, điều hành bay quân sự phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
    12. Quản lý, bảo trì kho xăng dầu, cảng biển, cảng hàng không và bãi tập kết trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
    13. Thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động trên các địa bàn chiến lược quan trọng tại: biên giới, hải đảo, vùng biển và các địa bàn khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
    14. Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ./. 
     
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 93/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh
    Ban hành: 15/10/2015 Hiệu lực: 01/12/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    02
    Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 29/11/2005 Hiệu lực: 01/07/2006 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    03
    Luật Tổ chức Chính phủ
    Ban hành: 25/12/2001 Hiệu lực: 25/12/2001 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Nghị định 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích
    Ban hành: 11/03/2005 Hiệu lực: 04/04/2005 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Nghị định 46/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
    Ban hành: 13/05/2009 Hiệu lực: 27/06/2009 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
    Ban hành: 15/04/2010 Hiệu lực: 01/06/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Thông tư 244/2011/TT-BQP của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp quân đội chi trả tiền lương tháng và kinh phí đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nghỉ chuẩn bị hưu
    Ban hành: 31/12/2011 Hiệu lực: 25/02/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Nghị định 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích
    Ban hành: 16/10/2013 Hiệu lực: 29/11/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Quyết định 1878/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2014
    Ban hành: 24/12/2014 Hiệu lực: 24/12/2014 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Nghị định 41/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ Luật lao động về Danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công
    Ban hành: 08/05/2013 Hiệu lực: 23/06/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản liên quan khác
    11
    Quyết định 2010/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc công bố kết quả hệ thống văn hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết ngày 31/12/2015
    Ban hành: 30/12/2015 Hiệu lực: 30/12/2015 Tình trạng: Còn Hiệu lực
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản thay thế (01)
  • Văn bản đang xem

    Nghị định 104/2010/NĐ-CP tổ chức, quản lý và hoạt động Công ty TNHH một thành viên

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ
    Số hiệu:104/2010/NĐ-CP
    Loại văn bản:Nghị định
    Ngày ban hành:11/10/2010
    Hiệu lực:01/12/2010
    Lĩnh vực:An ninh trật tự, Doanh nghiệp
    Ngày công báo:22/10/2010
    Số công báo:601 & 602 - 10/2010
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:01/12/2015
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X