Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | 77&78 - 01/2008 |
Số hiệu: | 12/2008/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | 28/01/2008 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 17/01/2008 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 12/02/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự, Ngoại giao, Giao thông, Hàng hải, An ninh quốc gia |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 12/2008/QĐ-TTg NGÀY 17 THÁNG 01 NĂM 2008
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC CHỐNG CƯỚP BIỂN VÀ CƯỚP CÓ VŨ TRANG CHỐNG LẠI TÀU, THUYỀN TẠI CHÂU Á
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện Hiệp định hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC KHU VỰC CHỐNG CƯỚP BIỂN VÀ CƯỚP CÓ VŨ TRANG CHỐNG LẠI TÀU, THUYỀN TẠI CHÂU Á
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2008
của Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định việc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và quy định công tác phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trong triển khai, thực hiện Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á (dưới đây gọi tắt là Hiệp định) ở bên ngoài lãnh hải của Việt Nam.
Điều 2. Các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, các đơn vị, các tổ chức và cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện Hiệp định.
Điều 3. Nội dung công tác phối hợp quản lý nhà nước và công tác phối hợp hoạt động của các lực lượng tham gia, thực hiện Hiệp định cụ thể như sau:
1. Trao đổi thông tin, tài liệu và xử lý tin báo liên quan đến Hiệp định.
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các nội dung của Hiệp định và Quy chế này.
3. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản liên quan theo thẩm quyền.
4. Thực hiện dẫn độ và tương trợ tư pháp liên quan đến Hiệp định.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giữa các lực lượng
1. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước liên quan đến việc thực hiện Hiệp định.
2. Hoạt động phối hợp giữa các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giữa các lực lượng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của từng lực lượng và phù hợp với các quy định của Hiệp định.
3. Việc trao đổi thông tin phải bảo đảm đúng đối tượng và chế độ bảo mật theo quy định của Hiệp định.
4. Việc thực hiện hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế liên quan và các điều khoản của Hiệp định.
Điều 5. Cơ quan thường trực
Cục Cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan thường trực, đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia thực hiện Hiệp định, đồng thời là cơ quan đầu mối trong việc hợp tác với Trung tâm chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Hiệp định có nhiệm vụ thu thập, phân tích và đánh giá thông tin do các bên ký kết chuyển tới kể cả các thông tin khác (nếu có) liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền; quản lý và duy trì việc lưu chuyển nhanh chóng các thông tin liên quan đến các vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền giữa các bên ký kết; cung cấp các cảnh báo cho hoạt động vận tải biển, tàu đánh cá Việt Nam và các bên ký kết nếu có cơ sở pháp lý về các khu vực có nguy cơ xảy ra cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
Chương 2.
NỘI DUNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP, THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC KHU VỰC CHỐNG CƯỚP BIỂN VÀ CƯỚP CÓ VŨ TRANG CHỐNG LẠI TÀU,
THUYỀN TẠI CHÂU Á
Mục A
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
Điều 6. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm
1. Tổ chức, xây dựng Cơ quan thường trực đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc hợp tác với Trung tâm chia sẻ thông tin theo quy định của Hiệp định.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Chỉ đạo Quân chủng Hải quân trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia chống cướp biển và cướp có vũ trang xảy ra trên biển; tham mưu cho Bộ Quốc phòng huy động lực lượng chống các vụ cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á và thông báo kết quả cho các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham gia thực hiện nhiệm vụ.
4. Chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân tham mưu cho Bộ Quốc phòng sử dụng lực lượng sẵn sàng phối hợp chống các vụ cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
5. Chỉ đạo Sở Chỉ huy xử lý và thông báo thông tin cho Cục Cảnh sát biển để thông báo cho Trung tâm chia sẻ thông tin theo quy định của Hiệp định.
6. Chỉ đạo Cục Cảnh sát biển tổ chức Cơ quan thường trực bảo đảm giữ vững thông tin liên lạc với Trung tâm chia sẻ thông tin; với Bộ Quốc phòng; với các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thường xuyên thu thập, xử lý và thông báo các tin tức liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang; tham mưu cho Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng xử lý các vụ cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
7. Chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện Hiệp định.
8. Chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định và Quy chế này cho các địa phương.
Điều 7. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm
1. Thông báo kịp thời về Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng; Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân; Cục Cảnh sát biển những thông tin về cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á do các quốc gia là thành viên của Hiệp định chuyển tới qua đường ngoại giao.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quyền phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng giải quyết các vụ cướp biển và cướp có vũ trang do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện thuộc các vùng biển Việt Nam.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Hiệp định và Quy chế này.
4. Tham gia xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới Hiệp định.
Điều 8. Bộ Công an có trách nhiệm
1. Thông báo kịp thời về Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và Cục Cảnh sát biển các thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc quyền thu thập các thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan khác thực hiện Hiệp định.
3. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố theo pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thực hiện công tác dẫn độ và tương trợ tư pháp theo quy định của Hiệp định.
4. Tổ chức giáo dục, tuyên truyền về nội dung Hiệp định và Quy chế này cho tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
5. Tham gia xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới Hiệp định.
Điều 9. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm
1. Chi đạo Cục Hàng hải Việt Nam thu thập các thông tin và thông báo kịp thời về Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Cảnh sát biển những thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
2. Tổ chức giáo dục, tuyên truyền về nội dung Hiệp định và Quy chế này cho các công ty vận tải biển.
3. Tham gia xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện Hiệp định.
Điều 10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
1. Chỉ đạo cơ quan chức năng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương thu thập và thông báo kịp thời về Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Cảnh sát biển những thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
2. Tổ chức giáo dục, tuyên truyền nội dung Hiệp định và Quy chế này cho ngư dân.
3. Tham gia xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Hiệp định.
Điều 11. Bộ Tư pháp có trách nhiệm
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tham gia hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp theo quy định của Hiệp định.
2. Tổ chức giáo dục, tuyên truyền về nội dung Hiệp định và Quy chế này cho các công ty vận tải biển.
3. Tham gia xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Hiệp định.
Điều 12. Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển có trách nhiệm
1. Hướng dẫn các cá nhân, tổ chức cung cấp các thông tin và thông báo kịp thời cho Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và Cục Cảnh sát biển những thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển và các lực lượng liên quan trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của Hiệp định.
3. Tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định và Quy chế này cho các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
Mục B
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH
Điều 13. Trách nhiệm của các lực lượng tham gia thực hiện chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền
1. Lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền là: Quân chủng Hải quân, Cục Cảnh sát biển, Quân chủng Phòng không - Không quân.
2. Quân chủng Hải quân chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển hiệp đồng với Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng được trưng dụng thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
3. Các Quân khu ven biển và Bộ đội Biên phòng trong phạm vi quản lý của mình chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với lực lượng Hải quân và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong nhiệm vụ chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
4. Tàu, thuyền thuộc các Bộ, ngành, địa phương hoạt động trên biển khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu hoặc có hành vi cướp biển và cướp có vũ trang phải thông báo ngay về Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Cảnh sát biển và cơ quan chủ quản để kịp thời xử lý.
5. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an và Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ các vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền do lực lượng của Bộ Quốc phòng bàn giao để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
Điều 14. Chế độ chỉ huy, điều hành các lực lượng
1. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân chỉ huy điều hành lực lượng trực tiếp chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
2. Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là các cơ quan trực tiếp chỉ huy, điều hành lực lượng của mình làm nhiệm vụ phối hợp, thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
3. Các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi nhận được những thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á cần thông báo ngay về Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và Cục Cảnh sát biển, bảo đảm cho Cục Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối trong việc hợp tác với Trung tâm chia sẻ thông tin theo quy định của Hiệp định.
4. Các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu thành lập hệ thống thông tin đường dây nóng, bảo đảm truyền tải nhanh chóng, chính xác những thông tin liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Củng cố, kiện toàn cơ quan thường trực
Giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Cục Cảnh sát biển củng cố kiện toàn Cơ quan thường trực và xây dựng dự án Trung tâm chia sẻ thông tin.
Điều 16. Kinh phí bảo đảm công tác phối hợp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước; phối hợp hoạt động giữa các lực lượng do các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển lập dự toán chi ngân sách hàng năm và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Giao Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
01 | Văn bản căn cứ |
Quyết định 12/2008/QĐ-TTg Quy chế phối hợp thực hiện Hiệp định hợp tác chống cướp biển tại châu Á
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 12/2008/QĐ-TTg |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 17/01/2008 |
Hiệu lực: | 12/02/2008 |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự, Ngoại giao, Giao thông, Hàng hải, An ninh quốc gia |
Ngày công báo: | 28/01/2008 |
Số công báo: | 77&78 - 01/2008 |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!