ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN ------- Số: 14/2013/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Bình Thuận, ngày 02 tháng 04 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.
------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của Trung tâm theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh và Nghị định số 61/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng;
Căn cứ Thông tư số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Liên Bộ: Tài chính-Lao động, Thương binh & Xã hội về quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng;
Thực hiện Công văn số 294/HĐND-CTHĐ ngày 22/03/2013 của Thường trực HĐND tỉnh về các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Liên Sở: Lao động Thương binh và Xã hội-Tài chính tại Tờ trình số 01/TTr-SLĐTBXH-STC ngày 8 tháng 01 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm đóng góp và chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 84/2008/QĐ-UBND ngày 03/10/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc quy định trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma túy, người bán dâm.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: - Bộ Tài chính; - Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Thường trực Tỉnh ủy; - Thường trực HĐND tỉnh; - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; - Các thành viên UBND tỉnh; - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; - Các Ban HĐND tỉnh; - Trung tâm Công báo tỉnh; - Báo Bình Thuận; - Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; - Như Điều 3; - Lưu VT, VXDL, TH. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Lê Tiến Phương |
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày 02/4/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định trách nhiệm đóng góp và chế độ miễn, giảm các khoản đóng góp đối với người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) và người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại Trung tâm.
2. Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP; CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM; QUẢN LÝ, PHÂN PHỐI NGUỒN THU
Điều 3. Các khoản đóng góp
1. Người bị áp dụng biện pháp bắt buộc đưa vào Trung tâm phải đóng góp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định với mức tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày.
2. Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm phải đóng góp các khoản sau:
a) Tiền ăn: 30.000 đồng/ngày.
b) Tiền xét nghiệm tìm chất ma túy, các xét nghiệm khác: 100.000 đồng/người.
c) Tiền thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác: 1.000.000 đồng/người/năm; trường hợp đối tượng có sức khỏe yếu phải tăng cường thêm các biện pháp y tế khác hoặc bồi dưỡng theo chế độ của Trung tâm thì có thể thu thêm theo thực tế phát sinh theo thỏa thuận giữa đối tượng, gia đình và Trung tâm.
d) Tiền sinh hoạt văn thể: 200.000 đồng/người/năm.
đ) Tiền điện, nước, vệ sinh: 840.000 đồng/người/năm.
e) Tiền học văn hóa, học nghề: Theo mức học phí do UBND tỉnh quy định cho Trường Cao Đẳng nghề Bình Thuận. g) Tiền đóng góp xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; trang thiết bị: 80.000 đồng/người/năm.
h) Chi phí quản lý, phục vụ: 3.000.000 đồng/người/năm.
3. Người nghiện ma túy cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng có trách nhiệm đóng góp các khoản chi phí trong thời gian cai nghiện, gồm:
a) Chi phí khám sức khỏe; xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị cắt cơn: 250.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.
b) Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện: 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.
c) Tiền ăn trong thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở điều trị cắt cơn: 40.000 đồng/người/ngày.
Điều 4. Chế độ miễn, giảm
1. Người bị áp dụng biện pháp bắt buộc đưa vào Trung tâm:
a) Miễn đóng góp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định đối với các trường hợp sau đây:
- Người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
- Người chưa thành niên;
- Người bị nhiễm HIV/AIDS;
- Người không có nơi cư trú nhất định mà bản thân không có điều kiện đóng góp hoặc không xác định được thân nhân của người đó.
b) Giảm 50% mức đóng góp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định đối với người thuộc hộ cận nghèo.
2. Người nghiện ma túy có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận tự nguyện chữa trị cai nghiện tại Trung tâm:
a) Miễn đóng góp tiền thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác trong thời gian chấp hành quyết định đối với các trường hợp sau đây:
- Người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
- Người chưa thành niên;
- Người bị nhiễm HIV/AIDS;
b) Giảm 50% mức đóng góp tiền thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác trong thời gian cai nghiện tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo.
d) Thủ tục miễn, giảm và thẩm quyền giải quyết chế độ miễn, giảm trong quy định.
e) Đối với các trường hợp gặp khó khăn không đủ điều kiện đóng góp, Trung tâm có trách nhiệm báo cáo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính xem xét từng trường hợp cụ thể trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ.
3. Người nghiện ma túy cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng:
a) Miễn 100% tiền ăn theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Quyết định này đối với người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật.
b) Giảm 50% tiền ăn theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Quyết định này đối với người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng thuộc hộ cận nghèo.
c) Thủ tục miễn, giảm và thẩm quyền giải quyết chế độ miễn, giảm trong quy định.
Điều 5. Quản lý, phân phối nguồn thu
1. Chứng từ thu do cơ quan thuế thống nhất phát hành. 2. Sử dụng nguồn thu: 100% số tiền thu từ đối tượng được để lại đơn vị để chi các khoản chi phí của người cai nghiện trong thời gian cai nghiện theo quyết định phát sinh theo quy định hiện hành.
3. Quản lý và phân phối nguồn thu:
a) Đối với Trung tâm: Quản lý và phân phối nguồn thu thực hiện theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Đối với cơ sở điều trị cắt cơn giải độc tại cộng đồng: Lập dự toán, quản lý, phân phối và quyết toán nguồn thu thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện:
Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ miễn, giảm tiền ăn, chi phí cai nghiện, chữa trị cho các đối tượng theo quy định này được bố trí từ nguồn:
- Chi đảm bảo xã hội trong dự toán chi ngân sách được UBND tỉnh giao hàng năm cho Trung tâm.
- Thu lao động sản xuất hàng năm của Trung tâm.
- Nguồn đóng góp của các đối tượng chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm theo quy định.
2. Đối với cơ sở cắt cơn, giải độc tại cộng đồng:
Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ miễn, giảm đối với người nghiện ma túy cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng được bố trí trong dự toán chi bảo đảm xã hội của ngân sách xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. UBND xã, phường, thị trấn căn cứ chế độ miễn, giảm theo quy định, số đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng lập dự toán cùng với dự toán ngân sách xã, phường, thị trấn hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 7. Các nội dung khác không nêu trong Quyết định này thực hiện theo Thông tư số 27/2012/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Liên Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội về quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh, các đơn vị kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính) để xem xét, giải quyết./.