UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** Số: 183/2006/QĐ-UBND | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 12 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
SỐ 183/2006/QĐ-UBND CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 104/2003/QĐ-UB NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 2003 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ QUẢN LÝ NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, SINH SỐNG NƠI CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội;
Căn cứ Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư số 10/2002/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 5323/LĐ-TBXH ngày 11 tháng 9 năm 2006 và của Sở Tư pháp tại Công văn số 4027/STP-VB ngày 18 tháng 12 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 104/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, như sau:
1. Sửa đổi Điều 3:
Điều 3. Các biện pháp xử lý:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung những người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng (sau đây gọi tắt là người lang thang) đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý trong thời hạn không quá 15 ngày để phân loại hồ sơ ban đầu, tùy thuộc hoàn cảnh từng người để giải quyết như sau:
1. Đưa về địa phương nơi cư trú đối với người xác định được địa chỉ cư trú.
2. Đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Người tâm thần, người già cô đơn, người tàn tật, người chưa thành niên, người trong độ tuổi lao động nhưng không đủ sức khỏe và khả năng lao động, không còn thân nhân, không nơi nương tựa hoặc bị ngược đãi;
b) Trẻ em còn cha mẹ nhưng bị lạm dụng sức lao động hoặc bị xúi giục, ép buộc làm những việc trái pháp luật.
3. Giới thiệu việc làm và vận động những người còn trong độ tuổi lao động đến làm việc tại các cơ sở sản xuất của thành phố hoặc tại các vùng kinh tế mới để ổn định cuộc sống.
2. Sửa đổi Điều 5:
Điều 5. Tiếp nhận và quản lý người lang thang trong thời gian lập hồ sơ ban đầu:
1. Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận ban đầu và quản lý đối với người lang thang quy định tại Điều 1 Quyết định này; lập hồ sơ phân loại đối với người theo quy định tại Điều 3 Quyết định này và chuyển hồ sơ tiếp nhận ban đầu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để quyết định theo thẩm quyền.
2. Thời gian xử lý hồ sơ tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội không quá 15 ngày (mười lăm) ngày, kể từ ngày đưa người lang thang vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
3. Sửa đổi Điều 6:
Điều 6. Hồ sơ tiếp nhận người vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội:
Khi tiếp nhận người, Trung tâm Hỗ trợ xã hội phải tiến hành lập hồ sơ cá nhân của từng người, bao gồm:
1. Lý lịch tự khai của người lang thang (theo mẫu, có dán ảnh).
2. Các giấy tờ tùy thân hoặc danh chỉ bản của cơ quan Công an cấp (nếu không có giấy tờ tùy thân).
3. Hồ sơ bệnh án, kết luận giám định của cơ quan Y tế quận - huyện (nếu có).
4. Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tiếp nhận người vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
4. Sửa đổi Điều 10:
Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Tổ chức, phối hợp với ngành Công an, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn trong việc tập trung người lang thang;
b) Quyết định tiếp nhận người lang thang vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để lập hồ sơ phân loại;
c) Tổ chức đưa người lang thang về địa phương nơi cư trú và giới thiệu việc làm cho người còn trong độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều 3 Quyết định này;
d) Quyết định tiếp nhận người được quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định này vào các Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo, tổ chức chăm sóc sức khỏe, dạy văn hóa, dạy nghề cho người lang thang trong thời gian quản lý tập trung; người lang thang còn trong độ tuổi lao động, tình nguyện đến làm việc tại các cơ sở sản xuất hoặc tại các vùng kinh tế mới để ổn định cuộc sống;
e) Chủ trì, phối hợp với ngành Công an, Ủy ban nhân dân quận - huyện, chính quyền các tỉnh, thành phố khác để quản lý có hiệu quả những người lang thang;
g) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về các chính sách, chế độ cụ thể tại Điều 8 Quyết định này;
h) Xây dựng và mở rộng nhà lưu trú tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hỗ trợ cho người từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố Hồ Chí Minh khi gặp khó khăn, cơ nhỡ.
2. Công an thành phố:
a) Chỉ đạo và hướng dẫn Công an quận - huyện, phường - xã, thị trấn trong việc phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung người lang thang;
b) Lập danh chỉ bản của người lang thang khi đưa vào tập trung, quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong trường hợp người lang thang không có giấy tờ tùy thân;
c) Chỉ đạo, tổ chức việc điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn.
3. Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tiếp nhận, tổ chức sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề có hiệu quả đối với người lang thang còn trong độ tuổi lao động, tình nguyện đến làm việc tại các cơ sở sản xuất hoặc tại các vùng kinh tế mới để ổn định cuộc sống;
b) Phối hợp với Công an thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để ngăn chặn các trường hợp ăn xin, bán hàng rong, đeo bám du khách và hành vi gây rối làm phiền khách du lịch và các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường.
4. Sở Tài chính:
a) Cấp kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cho các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý người lang thang theo quy định tại Điều 3 Quyết định này;
b) Đảm bảo chính sách, chế độ quy định đối với người lang thang trong suốt thời gian tập trung quản lý theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và các văn bản pháp luật có liên quan.
5. Sở Nội vụ:
Đảm bảo đủ chỉ tiêu biên chế, nhân sự cho các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý người lang thang theo quy định của Nhà nước.
6. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn:
a) Tổ chức, chỉ đạo các ngành có liên quan thuộc thẩm quyền của mình trong việc tập trung người lang thang trên địa bàn để quản lý theo quy định của pháp luật và Quyết định này;
b) Có biện pháp giúp đỡ về nghề nghiệp, việc làm để ổn định đời sống cho những người lang thang có nơi cư trú tại quận - huyện, phường - xã, thị trấn.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng:
a) Có kế hoạch thông tin, tuyên truyền thường xuyên và liên tục về mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố vào năm 2010 của Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần VIII;
b) Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền trực tiếp với người lang thang xin ăn trên đường phố; vận động người dân có lòng hảo tâm làm việc thiện nên gửi tiền hoặc hiện vật đến các quỹ từ thiện của các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng xã hội;
c) Gắn mục tiêu giải quyết người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng với cuộc vận động xây dựng khu phố - ấp văn hóa; gia đình văn hóa của thành phố.
5. Sửa đổi cụm từ “Ban tổ chức chính quyền thành phố” thành “Sở Nội vụ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Điều 3, 4, 5, 6, khoản 2 và 3 Điều 7 và Điều 10 Quyết định số 104/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Lê Hoàng Quân |