Cơ quan ban hành: | Bộ Quốc phòng | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 99/2010/TT-BQP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Phùng Quang Thanh |
Ngày ban hành: | 19/07/2010 | Hết hiệu lực: | 04/04/2019 |
Áp dụng: | 04/08/2010 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự |
BỘ QUỐC PHÒNG Số: 99/2010/TT-BQP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2010 |
THÔNG TƯ
Về trang bị, đăng ký và quản lý vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
của lực lượng dân quân tự vệ
____________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng.
THÔNG TƯ:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về trang bị, đăng ký và quản lý vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ theo Điều 31 Luật dân quân tự vệ; khoản 2, Điều 25 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh các Binh đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
2. Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh); Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp huyện).
3. Ban chỉ huy quân sự xã phường, thị trấn (gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp xã), Ban chỉ huy quân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương), Ban chỉ huy quân sự cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở).
4. Các đơn vị dân quân tự vệ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vũ khí: Bao gồm vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo.
2. Đạn: Vật thể mang phần tử sát thương hoặc công dụng đặc biệt, nạp vào hỏa khí hay đặt lên thiết bị để bắn (phóng) đến mục tiêu.
3. Vật liệu nổ: Bao gồm các loại thuốc nổ và phụ kiện gây nổ (kíp, ngòi nổ, dây nổ), các loại mìn, lựu đạn dùng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
4. Công cụ hỗ trợ: Gồm các loại súng bắn hơi cay, hơi ngạt, hơi độc, hơi gây mê; đạn nhựa, đạn cao su, đạn điện, đạn hóa chất đánh dấu; súng bắn từ trường, lade; pháo hiệu; các loại bình xịt hơi cay, hơi ngạt, hơi độc, hơi gây mê; các loại lựu đạn khói, cay, quả nổ; áo giáp, lá chắn, mũ, áo chống đạn, khóa số 8, găng tay điện, găng tay bắt dao; các loại dùi cui; các loại roi, gậy (điện, cao su, gỗ, kim loại).
5. Trang bị: Cấp phát các loại vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cá nhân, đơn vị dân quân tự vệ theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Điều 4. Nguyên tắc đăng ký, quản lý, trang bị và sử dụng vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ
1. Nguồn vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ bao gồm vũ khí quân dụng, đạn, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng cấp; vũ khí tự tạo, công cụ hỗ trợ được mua sắm hoặc sản xuất; vũ khí, vật liệu nổ thu được của địch.
2. Vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ là tài sản của Nhà nước, giao cho lực lượng dân quân tự vệ trực tiếp quản lý và sử dụng. Do vậy, phải được đăng ký, quản lý, bảo quản chặt chẽ; sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Người chỉ huy có thẩm quyền quyết định trang bị và cấp giấy phép sử dụng vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến từng đơn vị, cá nhân thuộc lực lượng dân quân tự vệ.
3. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu sửa chữa, cải tiến các loại vũ khí quân dụng đã hết hạn sử dụng nhưng còn sử dụng được thành vũ khí trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ; các địa phương nghiên cứu cải tiến, sáng chế, sản xuất, mua sắm các loại vũ khí tự tạo, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ để huấn luyện, hoạt động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
4. Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ phải duy trì các chế độ quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng, bảo quản vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vũ khí, đạn, công cụ hỗ trợ trang bị cho dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ thường xuyên phải quản lý tập trung tại trụ sở hoặc nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và phải cất giữ trong tủ sắt. Vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ dự trữ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ được cất giữ tại kho vũ khí, đạn thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
Chương 2.
TRANG BỊ VŨ KHÍ, ĐẠN, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ
CHO LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ
Điều 5. Trang bị vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên
1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức ở nội địa
a) Trang bị súng trường, tiểu liên 05 khẩu, mỗi khẩu súng 10 viên đạn nhọn và công cụ hỗ trợ;
b) Xã tổ chức tiểu đội dân quân thường trực trang bị cho lực lượng này 03 khẩu, mỗi khẩu súng 10 viên đạn nhọn;
c) Số đạn được trang bị theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều này được lắp vào hộp tiếp đạn để trong bao đựng đạn, không lắp trực tiếp vào súng;
d) Các đơn vị tự vệ chưa trang bị súng, đạn.
2. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức ở biên giới đất liền, đảo
a) Xã không tổ chức tiểu đội dân quân thường trực được trang bị 12 khẩu súng trường, tiểu liên, trong đó trung đội dân quân cơ động 09 khẩu, lực lượng dân quân tại chỗ 03 khẩu, mỗi khẩu súng 10 viên đạn nhọn và công cụ hỗ trợ;
b) Xã tổ chức tiểu đội dân quân thường trực trong trung đội cơ động được trang bị súng trường, tiểu liên từ 16 đến 18 khẩu, trong đó trung đội dân quân cơ động 06 khẩu, tiểu đội dân quân thường trực từ 07 đến 09 khẩu, dân quân tại chỗ 03 khẩu súng trường, mỗi khẩu súng 10 viên đạn nhọn và công cụ hỗ trợ;
c) Số đạn được trang bị theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 2 Điều này được lắp vào hộp tiếp đạn để trong bao đựng đạn, không lắp trực tiếp vào súng;
d) Các đơn vị tự vệ chưa trang bị súng, đạn.
3. Vũ khí trang bị được để trong tủ sắt, đặt tại trụ sở hoặc nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã và quản lý theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
4. Dân quân tự vệ biển, chỉ trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ khi huấn luyện, hoạt động trong vùng nội thủy hoặc làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo mệnh lệnh của Tư lệnh quân khu. Tư lệnh quân chủng Hải quân. Sau khi hoàn thành huấn luyện, đợt hoạt động thì thu lại bảo quản tại kho vũ khí Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
5. Dân quân tự vệ công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế chưa trang bị súng, đạn, công cụ hỗ trợ.
6. Dân quân tự vệ phòng không
a) Đại đội pháo phòng không 37mm-1 (hoặc 23mm) được trang bị 04 khẩu pháo phòng không 37mm-1 (hoặc 23mm), 0,5 cơ số đạn; đồng bộ, phụ tùng trang bị theo pháo;
b) Trung đội súng máy phòng không 14,5mm hoặc 12,7mm được trang bị 02 khẩu súng máy phòng không 14,5mm hoặc 12,7mm, 0,5 cơ số đạn; đồng bộ, phụ tùng trang bị theo súng;
c) Số vũ khí này được cất giữ tại kho vũ khí Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện theo phân cấp; chỉ trang bị các loại pháo phòng không, súng máy phòng không khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập theo quyết định của Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh binh đoàn; kết thúc huấn luyện, diễn tập tổ chức bảo quản, đưa vào cất giữ theo quy định.
7. Dân quân tự vệ pháo binh
a) Đại đội pháo 105mm hoặc 85mm hoặc 76,2mm được trang bị 04 khẩu pháo 105mm hoặc 85mm hoặc 76,2mm; 0,5 cơ số đạn; đồng bộ, phụ tùng trang bị theo pháo;
b) Trung đội súng cối 82mm hoặc pháo ĐKZ 82mm được trang bị 02 khẩu súng cối 82mm hoặc pháo ĐKZ 82 mm; 0,5 cơ số đạn; đồng bộ, phụ tùng trang bị theo súng, pháo;
c) Khẩu đội súng cối 60mm được trang bị 01 khẩu súng cối 60mm; 0,5 cơ số đạn; đồng bộ, phụ tùng trang bị theo súng;
d) Số vũ khí này được cất giữ tại kho vũ khí của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện; chỉ trang bị khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập theo quyết định của Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội,Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh binh đoàn.
8. Căn cứ tình hình cụ thể, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Điều 6. Trang bị vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường
1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức ở nội địa
a) Trang bị vũ khí, đạn và công cụ hỗ trợ như điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 5 Thông tư này;
b) Trang bị súng trường, tiểu liên cho các đơn vị tự vệ cơ động: Cấp tiểu đội 01 khẩu, cấp trung đội 03 khẩu, cấp đại đội 09 khẩu; mỗi khẩu súng 10 viên đạn nhọn và công cụ hỗ trợ; đạn được lắp vào hộp tiếp đạn để trong bao đựng đạn, không lắp trực tiếp vào súng.
2. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức ở biên giới đất liền, đảo, được trang bị như điểm a, điểm b, điểm c, khoản 2 Điều 5 và điểm b, khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
3. Dân quân tự vệ biển, Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, quyết định việc trang bị vũ khí, đạn, công cụ hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập hoặc hoạt động giữ gìn an ninh trật tự trên biển.
4. Dân quân tự vệ công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế chưa trang bị vũ khí, đạn, công cụ hỗ trợ.
5. Dân quân tự vệ phòng không, trang bị theo quy định tại khoản 6, Điều 5 Thông tư này.
6. Dân quân tự vệ pháo binh, trang bị theo quy định tại khoản 7, Điều 5 Thông tư này.
7. Căn cứ tình hình cụ thể, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Điều 7. Trang bị vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao
1. Ban chỉ huy quân sự cấp xã
a) Trung đội dân quân cơ động được trang bị từ 10 đến 12 khẩu súng trường, tiểu liên, mỗi khẩu súng trường 20 viên đạn nhọn, súng tiểu liên 30 viên đạn nhọn và công cụ hỗ trợ;
b) Thôn đội được trang bị từ 01 đến 03 khẩu súng trường, mỗi khẩu súng 10 viên đạn nhọn và công cụ hỗ trợ;
c) Xã có tiểu đội dân quân thường trực được trang bị theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 Thông tư này;
d) Số đạn trang bị theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1 Điều này được lắp vào hộp tiếp đạn để trong bao đựng đạn, không lắp trực tiếp vào súng;
2. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, đơn vị tự vệ
a) Các đơn vị tự vệ làm nhiệm vụ cơ động được trang bị súng trường, tiểu liên: Đại đội từ 12 đến 15 khẩu, trung đội từ 03 đến 05 khẩu, tiểu đội từ 01 đến 02 khẩu; mỗi khẩu súng trường 20 viên đạn nhọn, súng tiểu liên 30 viên đạn nhọn;
b) Các đơn vị tự vệ tại chỗ, được trang bị súng trường, tiểu liên: như điểm b, khoản 1, Điều 6 Thông tư này.
3. Dân quân tự vệ phòng không
a) Cấp tỉnh: Trang bị 02 khẩu pháo phòng không cho 01 đại đội, triển khai tại trận địa sẵn sàng chiến đấu; 0,20 cơ số đạn, đạn được bảo quản trong hòm, hộp;
b) Cấp huyện: Trang bị súng máy phòng không 14,5mm hoặc 12,7mm cho 01 khẩu đội, triển khai tại trận địa sẵn sàng chiến đấu; 0,20 cơ số đạn, đạn được bảo quản trong hòm, hộp;
c) Trang bị mỗi khẩu đội 01 khẩu súng trường hoặc tiểu liên; súng trường 20 viên đạn nhọn, tiểu liên 30 viên đạn nhọn; đạn được lắp vào hộp tiếp đạn để trong bao đựng đạn, không lắp trực tiếp vào súng.
4. Dân quân tự vệ pháo binh
a) Cấp tỉnh: Trang bị 02 khẩu pháo cho 01 đại đội triển khai tại trận địa sẵn sàng chiến đấu;
b) Cấp huyện: Trang bị súng Cối 82mm hoặc pháo ĐKZ 82mm cho 01 khẩu đội sẵn sàng chiến đấu;
c) Cấp xã: Chưa trang bị súng cối 60mm;
d) Trang bị mỗi khẩu đội 01 khẩu súng trường hoặc tiểu liên; súng trường 20 viên đạn nhọn, tiểu liên 30 viên đạn nhọn; đạn được lắp vào hộp tiếp đạn để trong bao đựng đạn, không lắp trực tiếp vào súng.
5. Tư lệnh các quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh các Binh đoàn quy định việc trang bị vũ khí, đạn cho dân quân tự vệ trinh sát, công binh, thông tin, phòng hóa, y tế và lực lượng phục vụ chiến đấu; lựu đạn, thuốc nổ cho toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền.
6. Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định việc trang bị vũ khí, đạn, vật liệu nổ cho dân quân tự vệ biển thuộc quyền.
7. Căn cứ Quyết tâm tác chiến phòng thủ và nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Điều 8. Trang bị vũ khí, đạn, vật liệu nổ trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn bộ
1. Cấp xã
a) Trung đội dân quân cơ động trang bị 15 khẩu súng trường, tiểu liên, mỗi khẩu súng 0,5 cơ số đạn nhọn, trong đó mang theo súng trường 20 viên đạn, súng tiểu liên 30 viên đạn, lắp trong hộp tiếp đạn, để trong bao đạn, số còn lại bảo quản trong hòm, hộp, để tập trung tại tủ súng của Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
b) Thôn đội được trang bị từ 03 đến 05 khẩu súng trường, mỗi khẩu súng trường 20 viên đạn nhọn, lắp trong hộp tiếp đạn, để trong bao đạn, số còn lại bảo quản trong hòm, hộp, để tập trung tại tủ súng của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
2. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, đơn vị tự vệ
a) Các đơn vị tự vệ cơ động được trang bị súng trường, tiểu liên: Cấp đại đội từ 20 đến 30 khẩu, cấp trung đội từ 06 đến 08 khẩu, cấp tiểu đội từ 02 đến 03 khẩu, mỗi khẩu súng 0,25 cơ số đạn nhọn trong đó mang theo súng trường 20 viên đạn, súng tiểu liên 60 viên đạn, lắp trong hộp tiếp đạn, để trong bao đạn, số còn lại bảo quản trong hòm, hộp, để tập trung tại tủ súng của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;
b) Các đơn vị tự vệ tại chỗ được trang bị súng trường, tiểu liên: Cấp đại đội từ 16 đến 18 khẩu, cấp trung đội từ 05 đến 06 khẩu, cấp tiểu đội từ 02 đến 03 khẩu; 0,20 cơ số đạn nhọn, trong đó mang theo súng trường 15 viên đạn, súng tiểu liên 45 viên đạn, lắp trong hộp tiếp đạn, để trong bao đạn, số còn lại bảo quản trong hòm, hộp, để tập trung tại tủ súng của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;
3. Đơn vị dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trên các hướng dự kiến địch trực tiếp tiến công vào địa bàn, ngoài được trang bị vũ khí, đạn, vật liệu nổ như quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này còn được trang bị như sau:
a) Cấp tiểu đội 01 khẩu B40 hoặc B41 và 01 khẩu trung liên, 01 cơ số đạn theo súng;
b) Cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, chỉ huy cấp tiểu đoàn, đại đội, hải đội, hải đoàn được trang bị 01 khẩu súng ngắn và 16 viên đạn.
4. Dân quân tự vệ phòng không
a) Các đơn vị được trang bị súng, pháo phòng không, đạn và đồng bộ, phụ tùng theo súng, pháo triển khai tại trận địa sẵn sàng chiến đấu;
b) Trang bị mỗi khẩu đội 01 khẩu súng tiểu liên hoặc súng trường, 0,5 cơ số đạn theo súng, trong đó súng trường 20 viên đạn nhọn, súng tiểu liên 60 viên đạn nhọn, được lắp trong hộp tiếp đạn, để trong bao đựng đạn, số còn lại bảo quản trong hòm, hộp đựng đạn.
5. Dân quân tự vệ pháo binh
a) Các đơn vị được trang bị các loại súng cối, pháo, đạn và đồng bộ, phụ tùng trang bị theo súng, pháo triển khai tại trận địa sẵn sàng chiến đấu;
b) Trang bị mỗi khẩu đội 01 khẩu súng tiểu liên hoặc 01 khẩu súng trường, 0,5 cơ số đạn nhọn theo súng, trong đó súng trường 20 viên đạn, súng tiểu liên 60 viên đạn, được lắp trong hộp tiếp đạn, để trong bao đựng đạn, số còn lại bảo quản trong hòm, hộp đựng đạn.
6. Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Binh đoàn quy định việc trang bị vũ khí, đạn cho dân quân tự vệ trinh sát, công binh, thông tin, phòng hóa, y tế và lực lượng phục vụ chiến đấu; lựu đạn, thuốc nổ cho toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền.
7. Căn cứ quyết tâm tác chiến phòng thủ và khả năng bảo đảm vũ khí, đạn, vật liệu nổ, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ sung, điều chỉnh vũ khí, đạn, vật liệu nổ để ưu tiên cho các đơn vị dân quân tự vệ làm nhiệm vụ đánh địch trên hướng chủ yếu.
8. Ngoài số vũ khí, đạn, vật liệu nổ được trang bị, các địa phương, cơ sở tổ chức việc sản xuất vũ khí tự tạo, thu vũ khí của địch để trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ.
Điều 9. Phân cấp trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ
1. Tổng Tham mưu trưởng quyết định trang bị vũ khí cho đại đội dân quân tự vệ phòng không, pháo binh thuộc cấp tỉnh.
2. Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định trang bị vũ khí cho tiểu đoàn tự vệ, hải đoàn, hải đội tự vệ, đại đội dân quân tự vệ công binh thuộc cấp tỉnh và dân quân tự vệ biển thuộc quyền.
3. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, quyết định trang bị vũ khí cho đại đội dân quân tự vệ bộ binh, các trung đội dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, công binh, các đơn vị dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ tại chỗ và các phân đội bảo đảm thuộc cấp huyện, cấp xã, cơ quan, tổ chức thuộc quyền; quyết định trang bị súng ngắn cho cán bộ dân quân tự vệ.
4. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng, Chỉ huy trưởng tự vệ các doanh nghiệp thuộc binh đoàn tổ chức cấp phát vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị dân quân tự vệ thuộc quyền theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Chương 3.
ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ VŨ KHÍ, ĐẠN, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ
CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ
Điều 10. Đăng ký vũ khí, đạn, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
1. Tiến hành đăng ký và thống kê vũ khí, đạn, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ đầy đủ, đúng chủng loại, tên gọi, số hiệu, số lượng, cấp chất lượng và sự đồng bộ các loại vũ khí; tình hình thay đổi về vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở các đơn vị dân quân tự vệ.
2. Hằng tháng, hàng quý, hằng năm Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ phải kết sổ đăng ký và thống kê để xác định số liệu gốc cho thời gian tiếp theo. Hằng năm, sau khi tổng kiểm kê, điểm nghiệm thực lực vũ khí trang bị của dân quân tự vệ, các cơ quan, đơn vị phải đối chiếu số liệu thống kê với số liệu gốc, nếu có chênh lệch phải kiểm tra, xác minh nguyên nhân và thuyết minh tăng, giảm.
3. Quá trình tiến hành đăng ký và thống kê vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ phải thực hiện các nguyên tắc, quy định và thủ tục hiện hành; sổ sách đăng ký, thống kê phải theo đúng mẫu biểu, tên gọi, ký hiệu và đơn vị tính theo quy định.
Điều 11. Quản lý vũ khí
1. Bộ Tổng Tham mưu quy định về số lượng, kiểu loại vũ khí, đạn trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ được sử dụng trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, công tác ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên. Trường hợp mở niêm cất để bổ sung trang bị vũ khí, đạn cho lực lượng dân quân tự vệ trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao hơn phải thực hiện theo Chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Vũ khí, đạn trang bị trong biên chế của các đơn vị dân quân tự vệ phải thường xuyên bảo đảm số lượng, chất lượng và đồng bộ, nếu không đồng bộ hoặc có hư hỏng phải khắc phục kịp thời, sử dụng vũ khí phải đúng tính năng, tác dụng của từng loại theo hướng dẫn của cơ quan kỹ thuật, không tùy tiện cải biên hoặc đem thiết bị, khí tài đồng bộ theo trang bị để dùng vào việc khác.
3. Ngoài số vũ khí, đạn trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ thường xuyên, số còn lại phải được cất giữ ở kho vũ khí của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc tủ súng của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở. Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng quy định chế độ lau chùi, bảo quản, niêm cất các loại vũ khí, đạn của lực lượng dân quân tự vệ.
4. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở khi tổ chức huấn luyện, diễn tập phải lập kế hoạch bảo đảm vũ khí, đạn được chỉ huy cấp trên phê chuẩn. Ngoài sử dụng số vũ khí trang bị thường xuyên, nếu còn thiếu thì Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức cấp phát và thu hồi ngay sau khi kết thúc huấn luyện, diễn tập.
5. Việc cấp phát, thu hồi, điều động vũ khí, đạn của lực lượng dân quân tự vệ ở từng cấp được tiến hành theo quyết định của người chỉ huy có thẩm quyền. Chỉ huy từng cấp chỉ có quyền cấp phát, thu hồi, điều động vũ khí đạn trong phạm vi đơn vị mình, không có quyền cấp phát, thu hồi, điều động vũ khí, đạn của đơn vị mình cho đơn vị khác hoặc ra ngoài lực lượng dân quân tự vệ.
6. Khi chuyển giao vũ khí, đạn từ người này sang người khác, từ đơn vị này sang đơn vị khác trong phạm vi từng cấp, từng đơn vị phải tuân thủ nguyên tắc, có biên bản bàn giao, tiếp nhận. Khi bàn giao, tiếp nhận phải tiến hành kiểm kê số lượng, kiểm tra chất lượng từng kiểu loại, đồng bộ theo súng, lý lịch và đăng ký tình trạng kỹ thuật kèm theo, lập biên bản giao nhận thành 04 bản giống nhau (người chỉ huy bên giao và bên nhận, cá nhân, tổ chức bên giao và bên nhận) mỗi người giữ 01 bản; đối với người bàn giao đi khỏi đơn vị không được giữ biên bản bàn giao vũ khí trang bị; khi giao nhận người chỉ huy phải chứng kiến và phải tiến hành đăng ký ngay vào sổ sách của đơn vị.
7. Việc vận chuyển vũ khí, đạn của lực lượng dân quân tự vệ ở từng cấp được tiến hành theo lệnh của người chỉ huy có thẩm quyền; phải có kế hoạch vận chuyển được cấp trên phê chuẩn; tổ chức hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch vận chuyển và các biện pháp bảo đảm kỹ thuật trong vận chuyển; phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trước, trong và sau khi vận chuyển; báo cáo kết quả vận chuyển và giao nhận vũ khí, đạn với người chỉ huy.
Điều 12. Quy định về tủ sáng
1. Vũ khí, đạn, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ thường xuyên phải quản lý tập trung ở tủ súng bằng sắt, đặt ở trụ sở hoặc nơi làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở. Tủ súng phải có 02 khóa, loại khóa cầu ngang; chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở giữ chìa của 01 khóa, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở giữ chìa của khóa còn lại. Trường hợp một trong 2 người đi vắng thì phải bàn giao chìa khóa tủ súng cho chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở hoặc xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện. Nghiêm cấm việc gửi hoặc cho mượn chìa khóa tủ súng.
2. Tổng cục Kỹ thuật hướng dẫn việc sắp xếp vũ khí, đạn, trang bị phụ tùng, đồng bộ súng, công cụ hỗ trợ và quy cách mẫu biểu, sổ sách đăng ký, quản lý vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, kích thước tủ súng, biển tên tủ súng, tem súng trong tủ súng của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
Điều 13. Quy định về giấy phép sử dụng súng
1. Giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do Bộ Tổng tham mưu quy định.
2. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện ký, đóng dấu và cấp giấy phép theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
3. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở trực tiếp quản lý giấy phép sử dụng súng, công cụ hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân trong lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền, phát giấy phép cho từng cá nhân khi tổ chức lực lượng dân quân tự vệ hoạt động theo kế hoạch và thu hồi giấy phép sau khi thực hiện xong nhiệm vụ. Tuyệt đối không giao cho cá nhân quản lý giấy phép sử dụng súng, công cụ hỗ trợ.
Điều 14. Quản lý vật liệu nổ
1. Các loại vật liệu nổ trang bị cho dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và diễn tập được quản lý chặt chẽ, để tập trung tại kho của Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, không trang bị thường xuyên cho các đơn vị dân quân tự vệ.
2. Kho để vật liệu nổ phải bố trí riêng, đúng quy cách theo quy định của Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, thực hiện nghiêm túc chế độ đăng ký, thống kê, kiểm tra, bảo quản, niêm cất.
3. Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Binh đoàn quyết định việc trang bị vật liệu nổ cho lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập.
4. Chấp hành chế độ giao, nhận, vận chuyển, thu hồi, báo cáo tiêu hao, bàn giao vật liệu không nổ, thực hiện tiêu hủy đạn, vật liệu không nổ đúng quy trình kỹ thuật và bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Điều 15. Quản lý công cụ hỗ trợ
1. Các loại công cụ hỗ trợ do trên cấp, do địa phương mua sắm hoặc các đơn vị dân quân tự vệ tự sản xuất đã được thông qua kiểm định của các cơ quan chức năng trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự phải được đăng ký, thống kê vào sổ sách ở từng cấp như vũ khí, đạn.
2. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ quản lý và cấp phát một số công cụ hỗ trợ cầm tay như các loại côn, gậy, dùi cui bằng gỗ, nhựa, cao su, kim loại cho lực lượng thuộc quyền theo kế hoạch hoạt động đã được chỉ huy cấp trên phê chuẩn và phải thu hồi ngay sau khi thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối không giao cho cá nhân quản lý.
3. Các loại công cụ hỗ trợ khác phải được quản lý, bảo quản tập trung tại kho thuộc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và ở tủ súng của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở theo phân cấp; chỉ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ theo lệnh của người chỉ huy có thẩm quyền.
4. Chấp hành chế độ bảo quản, niêm cất, giao nhận, thu hồi, vận chuyển các loại công cụ hỗ trợ theo quy định.
Điều 16. Chế độ kiểm tra
1. Đối với lực lượng dân quân thường trực, chỉ huy phân đội hằng ngày phải kiểm tra vũ khí, đạn, công cụ hỗ trợ của phân đội.
2. Các đơn vị dân quân tự vệ được huy động tập trung thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chỉ huy cấp tiểu đội kiểm tra hằng ngày, cấp trung đội 02 ngày kiểm tra ít nhất 01 tiểu đội; cấp đại đội 01 tuần kiểm tra ít nhất 01 trung đội và 01 tiểu đội; cấp tiểu đoàn mỗi tháng phải kiểm tra ít nhất 01 đại đội và 01 trung đội.
3. Hằng tháng, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan tổ chức ở cơ sở phải tổ chức kiểm tra vũ khí trang bị thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị dân quân tự vệ thuộc cấp mình.
4. Hằng năm, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, các đơn vị dân quân tự vệ phải tiến hành tổng kiểm kê và điểm nghiệm thực lực vũ khí, trang bị kỹ thuật vào 0 giờ ngày 01 tháng 01 và 0 giờ ngày 01 tháng 7. Từ cấp đại đội trở xuống thực hành kiểm kê theo hình thức điểm nghiệm.
5. Hằng tháng, quý, 6 tháng chỉ huy các đơn vị dân quân tự vệ phải báo cáo tình hình quản lý vũ khí, đạn, công cụ hỗ trợ của đơn vị với Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở báo cáo tổng hợp tình hình vũ khí, đạn công cụ hỗ trợ của dân quân tự vệ với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
6. Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, lập báo cáo của người chỉ huy và báo cáo của cơ quan chuyên ngành về vũ khí, đạn, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ lên cấp trên; hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở và các đơn vị dân quân tự vệ lập mẫu biểu thống kê, báo cáo tình hình vũ khí, đạn, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể ngày ký; không đăng Công báo và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; các quy định trước đây về trang bị, đăng ký và quản lý vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tổng Tham mưu chủ trì phối hợp với Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các cơ quan chức năng liên quan giúp Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc trang bị, đăng ký và quản lý vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ.
2. Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh binh đoàn, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về trang bị, đăng ký và quản lý vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ.
3. Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Chỉ huy Vùng Hải quân, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy trưởng đơn vị dân quân tự vệ thường xuyên giáo dục để nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, đạn, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với lực lượng dân quân tự vệ theo đúng quy định, không để xảy ra các vụ việc dân quân tự vệ sử dụng vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sai quy định pháp luật.
4. Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức về xây dựng, sửa chữa, nâng cấp kho chứa vũ khí, đạn, vật liệu nổ; mua sắm, sản xuất vũ khí tự tạo, công cụ hỗ trợ, tủ đựng súng bảo đảm cho lực lượng dân quân tự vệ.
Điều 19. Trách nhiệm thi hành
Bộ Tổng Tham mưu, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong quân đội; Thủ trưởng các cơ quan Bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ảnh về Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG
Phùng Quang Thanh |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | |
05 |
Thông tư 99/2010/TT-BQP trang bị, đăng ký và quản lý vũ khí, đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Quốc phòng |
Số hiệu: | 99/2010/TT-BQP |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 19/07/2010 |
Hiệu lực: | 04/08/2010 |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Phùng Quang Thanh |
Ngày hết hiệu lực: | 04/04/2019 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |