BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM ------- Số: 1856/BHXH-CSXH V/v hướng dẫn một số nội dung về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2015 |
Kính gửi: | - Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; - Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân. |
Căn cứ Công văn số 3617/LĐTBXH-BHXH ngày 30/9/2014, số 3926/LĐTBXH-BHXH ngày 21/10/2014, số 98/LĐTBXH-BHXH ngày 09/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động, BHXH Việt Nam hướng dẫn một số nội dung để BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh), BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân thống nhất thực hiện như sau:
1. Về bổ sung phụ cấp thâm niên nghề để tính lương hưu đối với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995
Đối với các trường hợp đã nghỉ việc hưởng lương hưu trước ngày 01/01/1995 nhưng chưa được cộng phụ cấp thâm niên nghề với lương chính để làm cơ sở tính lương hưu, nay người lao động đề nghị được hưởng phụ cấp thâm niên mà trong hồ sơ hưu trí hoặc hồ sơ gốc do người lao động cung cấp thể hiện đã có khoản phụ cấp thâm niên thì BHXH tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh lại lương hưu theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Mục B hoặc Khoản 1, Mục C, phần Về lương hưu Thông tư số 48/TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội; thời điểm hưởng mức lương hưu mới kể từ ngày ghi trong quyết định hưởng lương hưu, mức phụ cấp thâm niên nghề được hưởng theo quy định của chính sách từng thời kỳ (không bao gồm tiền lãi), trước khi ra quyết định BHXH tỉnh thông báo và giải thích rõ cho người lao động được biết lý do.
Trường hợp hồ sơ hưu trí không thể hiện người lao động đã được hưởng phụ cấp thâm niên và người lao động cũng không cung cấp được hồ sơ gốc khác thể hiện đã được hưởng phụ cấp thâm niên thì chưa có căn cứ giải quyết, BHXH tỉnh trả lời để người lao động được biết.
2. Về tính thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ các chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ
Trường hợp người lao động có thời gian công tác trong quân đội sau đó được cử đi hợp tác lao động, khi trở về nước được cơ quan có thẩm quyền giải quyết phục viên, xuất ngũ về địa phương, một thời gian sau công tác tại xã giữ các chức danh và đóng BHXH theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn mà chưa nhận trợ cấp một lần theo các Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005, số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 và số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì thời gian công tác trong quân đội được cộng với thời gian giữ các chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH theo hướng dẫn tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.
Quy định về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH đối với người lao động thực hiện theo các quy định ban hành trước ngày 01/01/1995, lưu ý thực hiện đúng quy định đối với các trường hợp tự ý nghỉ việc, bỏ việc, bị buộc thôi việc, bị phạt tù giam, gián đoạn thời gian công tác... trước ngày 01/01/1995 (Điểm 18, Khoản 9, Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT- BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc).
BHXH tỉnh căn cứ hồ sơ của người lao động và nội dung nêu trên để xem xét giải quyết đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH kể từ ngày Nghị định số 92/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2010), bổ sung thời gian công tác trong quân đội vào sổ BHXH theo quy định để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH. Trường hợp cán bộ cấp xã đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng hoặc hưởng trợ cấp một lần trước ngày 01/01/2010 thì không áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH để giải quyết lại.
3. Về phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu theo Luật BHXH Việc tính phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước rồi mới nghỉ hưu được quy định tại Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ.
Đối với trường hợp có thời gian công tác trong quân đội, tiếp đó được cử đi hợp tác lao động ở nước ngoài, khi về nước nghỉ việc một thời gian không tham gia đóng BHXH, sau đó được chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước mà thuộc diện được tính cộng phụ cấp thâm niên nghề trong lương hưu theo quy định nêu trên thì mức phụ cấp thâm niên quân đội được tính trên cơ sở mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân tại thời điểm trước khi đi hợp tác lao động ở nước ngoài, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.
Đối với trường hợp đã được giải quyết hưởng lương hưu kể từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2007), chưa được tính phụ cấp thâm niên nghề trong lương hưu theo quy định nêu trên mà người lao động cung cấp hồ sơ gốc xác định có quá trình công tác như trên thì BHXH tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân xem xét, nếu đủ căn cứ pháp lý thì giải quyết; thời điểm hưởng mức lương hưu mới kể từ ngày hưởng lương hưu. Trường hợp hồ sơ chưa đủ căn cứ giải quyết thì BHXH tỉnh trả lời để người lao động được biết.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về BHXH Việt Nam để nghiên cứu hướng dẫn./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (để b/c); - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Tổng Giám đốc (để b/c); - Các Phó Tổng Giám đốc; - Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; - Lưu VT, CSXH (2b). | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC Đỗ Thị Xuân Phương |