BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- Số: 4110/LĐTBXH-BHXH V/v: Thực hiện bảo hiểm xã hội đối với công an cấp xã | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được một số kiến nghị của cử tri đề nghị hướng dẫn việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định: “Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.” Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 đã quy định hai loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã). Bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó bao gồm cả đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 quy định cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì Trưởng Công an là công chức cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể số lượng và chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Căn cứ quy định nêu trên, Trưởng Công an xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Phó trưởng Công an xã và Công an viên mà được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thuộc các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Trường hợp không thuộc các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như vậy, việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên đã được quy định cụ thể tại Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội. Đối với bảo hiểm y tế thì thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm y tế.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng căn cứ quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế và các văn bản quy định chi tiết luật để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Ban Dân nguyện (để báo cáo); - UBVCVĐXH của Quốc hội (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ (để báo cáo); - Bảo hiểm xã hội Việt Nam (để thực hiện); - Các Bộ: Y tế, Công an, Nội vụ (để phối hợp); - Lưu: VT, Vụ BHXH. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Doãn Mậu Diệp |