hieuluat

Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH về quy định, hướng dẫn thi hành bảo hiểm xã hội tự nguyện

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:295&296-04/2016
    Số hiệu:01/2016/TT-BLĐTBXHNgày đăng công báo:22/04/2016
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Phạm Minh Huân
    Ngày ban hành:18/02/2016Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:04/04/2016Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Bảo hiểm
  • BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
    VÀ XÃ HỘI
    -------

    Số: 01/2016/TT-BLĐTBXH

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2016

     

     

    THÔNG TƯ

    QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

    _________

     

    Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

    Căn cứ Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động;

    Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

    Căn cứ Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện;

    Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội,

    Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

     

    Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

    Thông tư này quy định chi Tiết hướng dẫn thực hiện Điều 76 của Luật Bảo hiểm xã hội và một số Điều của Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây được viết là Nghị định số 134/2015/NĐ-CP).

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

    a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;

    b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

    c) Người lao động giúp việc gia đình;

    d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

    đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

    e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

    g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

    h) Người tham gia khác.

    Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

    2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.

     

    Chương II. CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

    Mục 1. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

     

    Điều 3. Mức lương hưu hằng tháng

    1. Mức lương hưu hằng tháng được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    2. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng tính là một năm.

    Ví dụ 1: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 10/2016, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 28 năm 3 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:

    - Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A:

    + Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông A là 28 năm 3 tháng, số tháng lẻ 3 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông A là 28,5 năm.

    + 15 năm đầu tính bằng 45%;

    + Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

    Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A là: 45% + 27% = 72%.

    - Mức lương hưu hằng tháng của ông A là:

    72% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.600.000 đồng/tháng.

    Ví dụ 2: Bà A hưởng lương hưu từ tháng 5/2017, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 26 năm 10 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 3.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của bà A được tính như sau:

    - Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A:

    + Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà A là 26 năm 10 tháng, số tháng lẻ 10 tháng được tính là 01 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của bà A là 27 năm.

    + 15 năm đầu tính bằng 45%;

    + Từ năm thứ 16 đến năm thứ 27 là 12 năm, tính thêm: 12 x 3% = 36%;

    + Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 36% = 81%;

    Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A được tính mức tối đa bằng 75% tương ứng với 25 năm đóng bảo hiểm xã hội.

    - Mức lương hưu hằng tháng của bà A là:

    75% x 3.000.000 đồng/tháng = 2.250.000 đồng/tháng.

    Ngoài mức lương hưu hằng tháng nêu trên, bà A còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cho số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 25 năm. Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính là:

    (27 - 25) x 0,5 tháng x 3.000.000 đồng/tháng = 3.000.000 đồng.

    Ví dụ 3: Ông B hưởng lương hưu từ tháng 6/2019, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 29 năm 7 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 7.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông B được tính như sau:

    - Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B được tính như sau:

    + Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông B là 29 năm 7 tháng, số tháng lẻ 7 tháng được tính là 01 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông B là 30 năm.

    + 17 năm đầu tính bằng 45%;

    + Từ năm thứ 18 đến năm thứ 30 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%;

    Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B là: 45% + 26% = 71%.

    - Mức lương hưu hằng tháng của ông B là:

    71% x 7.000.000 đồng/tháng = 4.970.000 đồng/tháng.

    Ví dụ 4: Bà C hưởng lương hưu từ tháng 02/2018, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 28 năm 01 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 6.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của bà C được tính như sau:

    - Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà C:

    + Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà C là 28 năm 01 tháng, số tháng lẻ 01 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của bà C là 28,5 năm.

    + 15 năm đầu tính bằng 45%;

    + Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

    Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà C là: 45% + 27% = 72%.

    - Mức lương hưu hằng tháng của bà C là:

    72% x 6.000.000 đồng/tháng = 4.320.000 đồng/tháng.

    Điều 4. Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

    1. Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

    2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì Điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

    3. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì Điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

    Ví dụ 5: Bà D có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là 22 năm, trong đó có 20 năm 3 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong 20 năm 3 tháng thì có 16 năm làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0,7. Như vậy, Điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu của bà D là đủ 50 tuổi.

    4. Trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.

    Thời gian tính hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp thời gian tính hưởng lương hưu chưa đủ 20 năm thì mức lương hưu hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp thời gian tính hưởng lương hưu từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội.

    Ví dụ 6: Bà E là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã, có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đủ 55 tuổi, sau đó bà E bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm 2 năm 8 tháng thì có yêu cầu hưởng lương hưu. Như vậy, bà E được hưởng lương hưu với thời gian tính hưởng lương hưu là 17 năm 8 tháng.

    5. Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    Ví dụ 7: Ông E có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15 năm 6 tháng với mức bình quân tiền lương tháng là 5.100.000 đồng/tháng; có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 10 năm 9 tháng với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (đã được Điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng) là 774.000.000 đồng. Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông E là:

    [5.100.000 x (15 x 12 + 6)] + 774.000.000

    =

    5.468.571 đồng/tháng

    (15 x 12 + 6) + (10 x 12 + 9)

    Điều 5. Thời Điểm hưởng lương hưu

    1. Thời Điểm hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 76 của Luật Bảo hiểm xã hội và Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

    a) Thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 của tháng 01 năm liền kề sau năm mà người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu.

    Ví dụ 8: Bà D ở Ví dụ 5 sinh ngày 01/12/1967, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 22 năm từ tháng 7/1995 đến tháng 6/2017. Thời Điểm hưởng lương hưu của bà D được tính từ ngày 01/01/2018.

    b) Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh của người tham gia bảo hiểm xã hội (chỉ có năm sinh) thì thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    c) Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP mà vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.

    Ví dụ 9: Ông G sinh ngày 21/8/1957, tính đến hết tháng 8/2017 có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ông G vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết tháng 12/2017. Trong tháng 12/2017, ông G có yêu cầu hưởng lương hưu. Thời Điểm hưởng lương hưu của ông G được tính từ ngày 01/01/2018.

    Ví dụ 10: Bà E ở Ví dụ 6 tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết tháng 02/2018 thì dừng đóng và đến tháng 7/2018 có yêu cầu hưởng lương hưu. Thời Điểm hưởng lương hưu của bà E được tính từ ngày 01/3/2018, bà E được truy lĩnh tiền lương hưu của những tháng chưa nhận nhưng không bao gồm tiền lãi.

    2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư này để đủ Điều kiện hưởng lương hưu thì thời Điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

    Ví dụ 11: Tháng 8/2016, bà G đủ 55 tuổi và có 17 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Bà G có nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Ngay trong tháng 8/2016 bà G đóng đủ số tiền cho những năm thiếu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Như vậy, thời Điểm hưởng lương hưu của bà G được tính từ ngày 01/9/2016.

    Ví dụ 12: Ông H tính đến hết tháng 3/2017 đủ 60 tuổi và có 18 năm 5 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Ông H có nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Cho đến tháng 6/2018 ông H mới đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Như vậy, thời Điểm hưởng lương hưu của ông H được tính từ ngày 01/7/2018.

    Điều 6. Bảo hiểm xã hội một lần

    1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội, Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động và Điều 7 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần:

    a) Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội, Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.

    b) Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia bảo hiểm xã hội có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm (12 tháng) được tính bằng 22% của tổng các mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần được Điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    c) Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

    Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cả trước và sau ngày 01 tháng 01 năm 2014 mà thời gian đóng trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

    Ví dụ 13: Bà H có 10 năm 8 tháng đóng bảo hiểm xã hội với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 4.500.000 đồng/tháng. Tháng 8/2016 bà có đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Quá trình đóng bảo hiểm xã hội của bà H như sau:

    - Từ tháng 01/2003 đến tháng 8/2009: Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (6 năm 8 tháng).

    - Từ tháng 9/2009 đến tháng 8/2013: Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (4 năm).

    Tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà H được tính tròn là 11 năm. Do vậy, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của bà H được tính như sau:

    1,5 tháng/năm x 11 năm x 4.500.000 đồng/tháng = 74.250.000 đồng.

    Ví dụ 14: Ông K có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 9 năm 5 tháng (trong đó 5 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2014) với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông K được tính như sau:

    - Ông K có 5 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; 02 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính bảo hiểm xã hội một lần của ông K được tính là 5 năm trước năm 2014 và 4 năm 5 tháng đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 4,5 năm).

    - Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông K được tính như sau:

    (1,5 tháng/năm x 5 năm + 2 tháng/năm x 4,5 năm) x 5.000.000 đồng/tháng = 82.500.000 đồng.

    d) Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản này, sau đó trừ đi số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

    Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ của từng tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức hỗ trợ của từng tháng được tính theo công thức sau:

    Số tiền Nhà nước hỗ trợ tháng i

    =

    0,22

    x

    Chuẩn nghèo khu vực nông thôn tại tháng i

    x

    Tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước tại tháng i

     

    Ví dụ 15: Ông K ở Ví dụ 14, trong tổng số 9 năm 5 tháng đóng bảo hiểm xã hội có 01 năm 3 tháng (15 tháng) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng (giả định Nhà nước hỗ trợ dựa trên mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng/tháng và tỷ lệ hỗ trợ đối với ông K là 10%). Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông K được tính như sau:

    - Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ cho ông K là:

    (0,22 x 700.000 đồng/tháng x 10%) x 15 tháng = 231.000 đồng

    - Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông K là:

    82.500.000 đồng - 231.000 đồng = 82.269.000 đồng.

     

    Mục 2. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

     

    Điều 7. Chế độ tử tuất đối với thân nhân của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chết mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

    1. Thời gian tính hưởng chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

    2. Trợ cấp mai táng:

    a) Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    b) Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời Điểm người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đang hưởng lương hưu chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

    3. Trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    4. Trợ cấp tuất một lần

    a) Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà thân nhân không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP hoặc thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP nhưng thân nhân có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

    b) Mức trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 81 của Luật Bảo hiểm xã hội.

    c) Khi tính trợ cấp tuất một lần đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

    Trường hợp tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần.

    Ví dụ 16: Ông M bị ốm chết, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 6/2007 đến tháng 11/2017 với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 6.500.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông M được tính như sau:

    - Ông M có 6 năm 07 tháng đóng bảo hiểm xã hội ở giai đoạn trước ngày 01/01/2014 và có 3 năm 11 tháng đóng bảo hiểm xã hội ở giai đoạn từ ngày 01/01/2014 trở đi.

    - Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông M được tính như sau (6 năm đóng trước năm 2014 và 4,5 năm đóng từ năm 2014 trở đi):

    (1,5 tháng/năm x 6 năm + 2 tháng/năm x 4,5 năm) x 6.500.000 đồng/tháng = 117.000.000 đồng.

    d) Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu chết được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 của Luật Bảo hiểm xã hội; thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu hiện hưởng.

    Ví dụ 17: Ông N tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trước đó đã có 15 năm 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hưởng lương hưu từ tháng 6/2024, tháng 7/2024 ông N chết với mức lương hưu đang hưởng trước khi chết là 6.500.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông N được tính như sau:

    48 tháng x 6.500.000 đồng/tháng = 312.000.000 đồng

    Ví dụ 18: Ông P hưởng lương hưu từ tháng 01/2029, tháng 5/2030 ông P chết (hưởng lương hưu được 16 tháng) với mức lương hưu đang hưởng trước khi chết là 5.950.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông P được tính như sau:

    [48 tháng - (16 tháng - 2 tháng) x 0,5] x 5.950.000 đồng/tháng = 243.950.000 đồng

    Ví dụ 19: Bà N hưởng lương hưu từ tháng 6/2020 với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (trước đó không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc), tháng 7/2028 bà N chết (hưởng lương hưu được 96 tháng) với mức lương hưu đang hưởng trước khi chết là 5.000.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của bà N được tính như sau:

    [48 tháng - (96 tháng - 2 tháng) x 0,5] x 5.000.000 đồng/tháng = 5.000.000 đồng.

    Khi đó, thân nhân của bà N được nhận mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu hiện hưởng là:

    3 tháng x 5.000.000 đồng/tháng = 15.000.000 đồng.

     

    Chương III. QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

     

    Điều 8. Phương thức đóng

    1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    2. Riêng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ Điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu.

    Ví dụ 20: Ông Q tính đến tháng 8/2016 đủ 60 tuổi và có 8 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ông Q có nguyện vọng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và lựa chọn phương thức đóng 2 năm một lần cho giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2018. Tháng 9/2018 ông Q có đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội và đóng một lần cho 10 năm còn thiếu. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2018, ông Q 62 tuổi 01 tháng và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Thời Điểm tính hưởng lương hưu của ông Q kể từ tháng 10/2018.

    Ví dụ 21: Bà Q tính đến tháng 3/2017 đủ 55 tuổi và có 15 năm 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Bà Q có nguyện vọng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và lựa chọn phương thức đóng 6 tháng một lần. Đến tháng 9/2017 bà Q 55 tuổi 6 tháng và có 16 năm 3 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Do có Khoản tiền Tiết kiệm, tháng 10/2017 bà Q lựa chọn phương thức đóng một lần cho 3 năm 9 tháng còn thiếu và đóng ngay trong tháng này. Như vậy, tính đến hết tháng 10/2017, bà Q 55 tuổi 7 tháng và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Thời Điểm tính hưởng lương hưu của bà Q kể từ tháng 11/2017.

    Điều 9. Mức đóng

    1. Mức đóng hằng tháng quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

    Mdt =  22%  x  Mtnt

    Trong đó:

    - Mdt: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng.

    - Mtnt: mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

    Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)

    Trong đó:

    - CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

    - m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.

    Mức thu nhập tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

    Từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 12 năm 2020 mức đóng hằng tháng thấp nhất là 154.000 đồng/tháng; từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 4 năm 2016 mức đóng hằng tháng cao nhất là 5.060.000 đồng/tháng, từ tháng 5 năm 2016 trở đi mức đóng hằng tháng cao nhất là 5.324.000 đồng/tháng cho tới khi Chính phủ quy định mức lương cơ sở mới.

    Ví dụ 22: Bà P đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 5/2016 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 4.000.000 đồng/tháng, phương thức đóng hằng tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của bà P sẽ là 22% x 4.000.000 đồng/tháng = 880.000 đồng/tháng.

    2. Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    Ví dụ 23: Bà P ở Ví dụ 22, đến tháng 9/2016 bà P đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn với mức thu nhập tháng lựa chọn là 4.000.000 đồng/tháng nhưng theo phương thức đóng 6 tháng một lần. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 6 tháng của bà P sẽ là 6 tháng x 880.000 đồng/tháng = 5.280.000 đồng.

    3. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được xác định theo công thức sau:

    Trong đó:

    - T1: Mức đóng một lần cho n năm về sau (đồng).

    - Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

    - r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

    - n: Số năm đóng trước do người tham gia bảo hiểm xã hội chọn, nhận một trong các giá trị từ 2 đến 5.

    - i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến (n×12).

    Ví dụ 24: Ông S đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 9/2016 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 3.000.000 đồng/tháng, phương thức đóng một lần cho 2 năm về sau. Giả định lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm 2015 là 0,628%/tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 2 năm (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2018) của ông S sẽ là:

    = 14.753.539 đồng

    4. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được xác định theo công thức sau:

    Trong đó:

    - T2: Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu (đồng).

    - Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

    - r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

    - t: Số tháng còn thiếu, nhận một trong các giá trị từ 1 đến 120.

    - i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến t.

    Ví dụ 25: Bà Q ở Ví dụ 21, tháng 10/2017 lựa chọn phương thức đóng một lần cho 3 năm 9 tháng còn thiếu với mức thu nhập tháng lựa chọn là 3.000.000 đồng/tháng. Giả định lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm 2016 là 0,826%/tháng và mức thu nhập tháng bà Q lựa chọn cao hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời Điểm tháng 10/2017. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 3 năm 9 tháng (45 tháng) còn thiếu của bà Q sẽ là:

    = 36.091.122 đồng

    5. Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc thân nhân của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được xác định bằng tổng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có), được xác định theo công thức sau:

    Trong đó:

    - HT: Số tiền hoàn trả (đồng).

    - Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

    - T: Số tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

    - r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%).

    - n: Số năm đã đóng trước do người tham gia bảo hiểm xã hội chọn, nhận một trong các giá trị từ 2 đến 5.

    - t: Số tháng còn lại của phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng.

    - i: Tham số tự nhiên có giá trị từ (n×12-t+1) đến (n×12).

    Ví dụ 26: Ông S ở Ví dụ 24, tại thời Điểm tháng 9/2016 đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 2 năm về sau (từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2018). Tuy nhiên, từ tháng 01/2018, ông S tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số tiền hoàn trả cho ông S được xác định bằng tổng số tiền đã đóng cho các tháng từ tháng 01/2018 đến tháng 8/2018 và trừ đi số tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (giả định là 123.200 đồng) là:

    =  4.550.504 đồng

    Điều 10. Thay đổi phương thức đóng, mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    Ví dụ 27: Ông T tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 8/2016 và đăng ký với tổ chức bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng hằng quý, mức thu nhập tháng lựa chọn là 4.500.000 đồng/tháng. Sau đó ông T có nguyện vọng được chuyển phương thức đóng sang 6 tháng một lần và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng. Thì việc thay đổi trên được thực hiện sớm nhất là từ tháng 11/2016.

    Điều 11. Thời Điểm đóng

    1. Thời Điểm đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    2. Thời Điểm đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

    3. Mức đóng bù cho số tháng chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được xác định theo công thức sau:

    T3 = Mđ x (1+r)t

    Trong đó:

    - T3: Mức đóng bù cho số tháng chậm đóng;

    - Mđ: Mức đóng hằng tháng; mức đóng 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng một lần theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

    - t: Số tháng chậm đóng;

    - r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng);

    Ví dụ 28: Ông T ở Ví dụ 27 đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức 6 tháng một lần với mức đóng là:

    Mđ = 5.000.000 đồng/tháng x 22% x 6 tháng = 6.600.000 đồng.

    Tuy nhiên, ông T không thực hiện đóng trong Khoảng thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 02/2017. Đến tháng 6/2017, ông T tới cơ quan bảo hiểm xã hội đề nghị đóng bù cho 6 tháng chưa đóng. Số tháng chậm đóng từ tháng 03/2017 đến tháng 6/2017 là 4 tháng. Giả định lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm 2016 là 0,826%. Mức đóng bù của ông T là:

    6.600.000 đồng x (1 + 0,00826)4   =  6.820.781 đồng

    Điều 12. Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    1. Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

    a) Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng được tính bằng công thức sau:

    Mhtt = k × 22% × CN

    Trong đó:

    - k: là tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%), cụ thể: k = 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k = 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k = 10% với các đối tượng khác.

    - CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

    Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 là 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo; và 15.400 đồng/tháng đối với các đối tượng khác.

    b) Mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đóng theo phương thức 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau được tính bằng công thức sau:

    Mht = n × k × 22% × CN

    Trong đó:

    - n: số tháng được hỗ trợ tương ứng với các phương thức đóng 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau.

    - k: là tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%), cụ thể: k= 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k= 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k= 10% với các đối tượng khác.

    - CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

    c) Mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu:

    Trong đó:

    - k: là tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%);

    - CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

    - r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

    - t: Số tháng còn thiếu, nhận một trong các giá trị từ 1 đến 120.

    - i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến t.

    Số tiền hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng năm đóng.

    Ví dụ 29: Bà T thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 6/2018 với mức thu nhập tháng lựa chọn là 800.000 đồng/tháng, phương thức đóng 12 tháng một lần. Giả định mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời Điểm tháng 6/2018 là 700.000 đồng/tháng. Số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của bà T cho thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 5/2019 sẽ là:

    (22% x 800.000 đồng/tháng - 25% x 22% x 700.000 đồng/tháng) x 12 tháng = 1.650.000 đồng.

    - Từ tháng 01/2019 bà T không còn thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, tuy nhiên do đã đóng đến hết tháng 5/2019 nên không Điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

    - Từ tháng 6/2019, bà T chuyển sang phương thức đóng hằng tháng vẫn với mức thu nhập tháng lựa chọn là 800.000 đồng/tháng (giả định mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời Điểm tháng 6/2019 vẫn là 700.000 đồng/tháng). Số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của bà T từ tháng 6/2019 sẽ là:

    22% x 800.000 đồng/tháng - 10% x 22% x 700.000 đồng/tháng = 160.600 đồng/tháng.

    - Trường hợp bà T tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện liên tục từ tháng 6/2018 đến hết tháng 5/2028 thì thời gian dừng hỗ trợ tiền đóng đối với bà T từ tháng 6/2028.

    2. Hoàn trả tiền hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội của Nhà nước

    a) Số tiền Nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng đối với người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP (trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội) và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hoàn trả một phần số tiền đã đóng quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được hoàn trả cho ngân sách Nhà nước.

    b) Số tiền hoàn trả bằng số tiền Nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

     

    Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 13. Hiệu lực thi hành

    1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 4 năm 2016.

    2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

    3. Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

    Điều 14. Tổ chức thực hiện

    1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

    2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.

    3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời nghiên cứu, giải quyết./.

     

    Nơi nhận:
    - Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
    - Hội Nông dân Việt Nam;
    - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
    - Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
    - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - Công báo;
    - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
    - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
    - Bộ LĐTBXH: Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Bảo trợ xã hội; Cổng Thông tin điện tử;
    - Lưu: VT, BHXH (20).

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Phạm Minh Huân

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 106/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 20/12/2012 Hiệu lực: 01/03/2013 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động
    Ban hành: 22/06/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Luật Bảo hiểm xã hội của Quốc hội, số 58/2014/QH13
    Ban hành: 20/11/2014 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
    04
    Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện
    Ban hành: 29/12/2015 Hiệu lực: 15/02/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản được hướng dẫn
    05
    Công văn 3432/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
    Ban hành: 08/09/2016 Hiệu lực: 08/09/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Quyết định 1895/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố các Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 06/12/2017 Hiệu lực: 06/12/2017 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Quyết định 929/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
    Ban hành: 26/07/2018 Hiệu lực: 01/07/2018 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Quyết định 1904/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo hiểm xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 28/12/2018 Hiệu lực: 28/12/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    09
    Công văn 930/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL của Bộ Tư pháp về việc ban hành Hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2019
    Ban hành: 20/03/2019 Hiệu lực: 20/03/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    10
    Quyết định 746/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 25/5/2019
    Ban hành: 30/05/2019 Hiệu lực: 30/05/2019 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    11
    Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
    Ban hành: 07/07/2021 Hiệu lực: 01/09/2021 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản dẫn chiếu
    12
    Công văn 1880/BHXH-CSXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội
    Ban hành: 21/06/2023 Hiệu lực: 21/06/2023 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH về quy định, hướng dẫn thi hành bảo hiểm xã hội tự nguyện

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Số hiệu:01/2016/TT-BLĐTBXH
    Loại văn bản:Thông tư
    Ngày ban hành:18/02/2016
    Hiệu lực:04/04/2016
    Lĩnh vực:Bảo hiểm
    Ngày công báo:22/04/2016
    Số công báo:295&296-04/2016
    Người ký:Phạm Minh Huân
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu (8)
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH về quy định, hướng dẫn thi hành bảo hiểm xã hội tự nguyện (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH về quy định, hướng dẫn thi hành bảo hiểm xã hội tự nguyện (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X