ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM ------- Số: 35/2016/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nam, ngày 08 tháng 9 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH NGÀNH ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH HÀ NAM
-----------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về ngành đào tạo chuyên môn phù hợp với chức danh công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Bộ Nội vụ; - Cục kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp; - TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; - Như Điều 3; - Lưu: VT, NC. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Nguyễn Xuân Đông |
QUY ĐỊNH
VỀ NGÀNH ĐÀO TẠO CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định về ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Áp dụng đối với các chức danh công chức cấp xã thuộc tỉnh Hà Nam.
b) Đối với các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuyển dụng, đào tạo công chức cấp xã.
Điều 2. Nguyên tắc xác định ngành đào tạo phù hợp các chức danh công chức cấp xã
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của vị trí việc làm và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh công chức cấp xã.
2. Căn cứ trình độ, chuyên ngành đào tạo ghi trên bằng tốt nghiệp để xác định ngành đào tạo phù hợp các chức danh công chức cấp xã.
Chương II
QUY ĐỊNH CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ PHÙ HỢP VỚI CÁC CHỨC DANH CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Điều 3. Ngành đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ:
1. Chức danh công chức: Văn phòng - Thống kê, gồm: (Văn phòng - Tôn giáo; Thống kê - Thi đua Khen thưởng), gồm các ngành đào tạo: Văn thư, lưu trữ; hành chính; quản lý hành chính nhà nước; luật; văn phòng; thống kê; kế toán; công nghệ thông tin (tin học); quản trị văn phòng.
2. Chức danh công chức: Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường
a) Công chức Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường ở phường, thị trấn, gồm các ngành đào tạo: Tài nguyên - Môi trường; Đô thị - Công thương nghiệp - Xây dựng - Giao thông: Địa chính, trắc địa, quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị, kiến trúc, giao thông, tài nguyên và môi trường.
b) Công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường ở xã, gồm các ngành đào tạo: Tài nguyên - Môi trường; Nông nghiệp - Công thương nghiệp - Xây dựng - Giao thông: Địa chính, trắc địa, quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị, kiến trúc, giao thông, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, phát triển nông thôn, thủy lợi.
3. Chức danh công chức Tài chính - Kế toán, gồm các ngành đào tạo: Tài chính - kế toán, kế toán, kiểm toán, tài chính - ngân hàng, kế toán - tin học.
4. Chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch, gồm: (Công chức: làm nhiệm vụ Tư pháp - Hộ tịch; làm nhiệm vụ Phó Trưởng Công an xã, thị trấn; làm nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn)
a) Chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch, gồm ngành đào tạo: Ngành Luật.
b) Chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch làm nhiệm vụ Phó Trưởng Công an xã, thị trấn, gồm các ngành đào tạo: Cảnh sát, quản lý trật tự xã hội, nghiệp vụ công an nhân dân, các ngành công an do các trường, học viện thuộc Bộ Công an đào tạo.
c) Chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch làm nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn, gồm các ngành đào tạo: Quân sự cơ sở, các ngành quân sự do các trường, học viện thuộc Bộ Quốc phòng đào tạo.
5. Chức danh công chức Văn hóa - Xã hội, gồm: (Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội xã, phường, thị trấn)
a) Chức danh công chức Văn hóa - Xã hội làm nhiệm vụ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, gồm các ngành đào tạo: Quản lý văn hóa, văn hóa - thông tin, thể thao, du lịch.
b) Chức danh công chức Văn hóa - Xã hội làm nhiệm vụ Lao động, Thương binh và Xã hội, gồm các ngành đào tạo: Lao động, xã hội học, tiền lương, bảo hiểm, công tác xã hội, chính sách xã hội, bảo trợ xã hội.
6. Chức danh công chức Trưởng Công an xã, thị trấn, gồm các ngành đào tạo: Cảnh sát, quản lý trật tự xã hội, nghiệp vụ công an nhân dân, quản lý nhà nước về an ninh, các ngành công an do các trường, học viện thuộc Bộ Công an đào tạo.
7. Chức danh công chức Chỉ huy Trưởng quân sự xã, phường, thị trấn, gồm các ngành đào tạo: Quân sự cơ sở, các ngành quân sự do các trường, học viện thuộc Bộ Quốc phòng đào tạo.
Điều 4. Các cơ quan đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ quy định về trình độ và ngành được đào tạo phù hợp với các chức danh công chức để làm căn cứ tổ chức thi tuyển, xét tuyển, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng công chức theo vị trí việc làm; thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đối với công chức cấp xã.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai, theo dõi và kiểm tra, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Quy định này.
2. Tổ chức cho công chức đi đào tạo, bồi dưỡng về chính trị và quản lý nhà nước theo đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để đạt chuẩn theo quy định.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Tổ chức triển khai thực hiện Quy định này đảm bảo yêu cầu tuyển dụng, quy hoạch cán bộ, bố trí sử dụng hợp lý để công chức phát huy năng lực thực hiện công vụ đạt hiệu quả cao.
2. Hàng năm, rà soát, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và đăng ký cơ quan có thẩm quyền để cử công chức xã, phường, thị trấn đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị và quản lý nhà nước để đạt chuẩn theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để nghiên cứu, giải quyết./.