3 chính sách về giáo dục hiệu lực tháng 02/2024 bao gồm những chính sách nào, HieuLuat sẽ thông tin trong nội dung bài viết dưới đây. Cùng theo dõi để biết thêm chi tiết.
Không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS
Học sinh đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư Thông tư 31/2023 của Bộ giáo dục Đào tạo thì được công nhận tốt nghiệp:
(1) Không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.
Nếu học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(2) Đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.
(3) Có đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Theo quy định mới tại Thông tư 31/2024 thì bằng tốt nghiệp THCS không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như quy định hiện hành tại Quyết định 11/2006/QĐ-BGDĐT.
Quy định mới tại Thông tư 31 là địa phương, nhà trường được tổ chức xét tốt nghiệp THCS 2 lần/năm (so với trước đây là chỉ xét tốt nghiệp 1 lần trong năm).
Theo đó, lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
Thông tư 31 chính thức có hiệu lực từ 15/2/2024.
Một số chính sách về giáo dục sẽ có hiệu lực tháng 02/2024.
Các trường được tự chọn sách giáo khoa
Khoản 1 Điều 4 Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 Hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học thì mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.
Theo quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT thì:
“Điều 4. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa
1. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (sau đây gọi chung là Hội đồng) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trục thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Như vậy, từ năm học 2024 - 2025 các trường được tự chọn sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy thay vì UBND cấp tỉnh lựa chọn như hiện hành.
Không đào tạo từ xa ngành sức khoẻ, giáo viên
Theo khoản 1 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 12/2, quy định về đào tạo từ xa với bậc đại học. Theo đó:
“1. Hình thức đào tạo từ xa là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa Mạng máy tính và viễn thông, Thư tín, Phát thanh - Truyền hình.
Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt học liệu đào tạo từ xa trước khi thực hiện đào tạo từ xa theo quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học. Hằng năm, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật học liệu đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và kỹ thuật.
Khoản 2 Điều 5 Quy chế cũng quy định không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Điều 6 Quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định đình chỉ hoạt động đào tạo từ xa nếu không đáp ứng được một trong các yêu cầu tối thiểu theo quy định. Thời gian đình chỉ từ 6 tháng đến một năm.
Bên cạnh đó, các trường chỉ được đào tạo từ xa với ngành được cấp phép và tuyển sinh được tối thiểu 03 khóa chính quy.
Trên đây là thông tin về 3 chính sách về giáo dục hiệu lực tháng 02/2024. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.