hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 12/06/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cần biết: 5+ thay đổi quan trọng liên quan đến BHYT từ 01/7/2024

Để đảm bảo quyền lợi của mình trong khám – chữa bệnh, người dân cần nắm rõ 5 thay đổi quan trọng liên quan đến BHYT từ 01/7/2024 dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Thứ nhất, thay đổi mức đóng BHYT
  • Thứ hai, thay đổi chi phí cho một lần khám chữa bệnh để được thanh toán 100%
  • Thứ ba, thay đổi liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên
  • Thứ tư, thêm đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT
  • Thứ năm, thẻ BHYT được tích hợp vào thẻ Căn cước

Thứ nhất, thay đổi mức đóng BHYT

(Đối với hộ gia đình và học sinh, sinh viên)

Hiện nay theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức đóng BHYT đối với hộ gia đình và học sinh, sinh viên như sau:

- Học sinh, sinh viên:

Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh, sinh viên là 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70% và ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%,

- Hộ gia đình:

+ Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;

+ Người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

+ Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Có nghĩa hiện hành, mức đóng BHYT đối với hộ gia đình cũng như học sinh, sinh viên là căn cứ theo mức lương cơ sở. Tuy nhiên, từ 01/7/2024, theo Nghị quyết 104/2023/QH15 sẽ thực hiện cải cách tiền lương trên tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Lúc này sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở. Do vậy, mức đóng BHXH sẽ thay đổi từ thời điểm này. Hiểu Luật sẽ cập nhật thông tin cụ thể khi có văn bản quy định về mức đóng bảo hiểm y tế từ tháng 07 tới.

thay đổi quan trọng liên quan đến BHYT từ 01/7/2024Sẽ có 5 thay đổi quan trọng liên quan đến BHYT từ 01/7/2024.

Thứ hai, thay đổi chi phí cho một lần khám chữa bệnh để được thanh toán 100%

Căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh nếu có chi phí khám chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho 01 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì được BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Hiện nay, mức lương cơ sở được áp dụng theo Nghị định 24/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 270.000 đồng) thì người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí. Có nghĩa khi chi phí của 01 lần khám, chữa bệnh thấp hơn 270 nghìn đồng thì người bệnh không phải thực hiện cùng chi trả.

Theo Nghị quyết 27, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ chế độ tiền lương tính theo mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 sẽ thay đổi về chi phí cho một lần khám chữa bệnh để được bảo hiểm thanh toán 100%.

Thứ ba, thay đổi liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến)

- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám chữa bệnh tại cùng cơ sở khám chữa bệnh đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh.

- Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.

Hiện nay, 06 tháng lương cơ sở là là 10.800.000 đồng.

Lưu ý: Số tiền cùng chi trả là số tiền người tham gia bảo hiểm y tế phải đóng.

Ví dụ: Tiền khám bệnh, chữa bệnh là 10 triệu đồng, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 80% (8 triệu đồng) thì số tiền cùng chi trả là 2 triệu đồng (20%). Hiện nay, khi số tiền cùng chi trả này vượt quá 10,8 triệu đồng thì người bệnh không phải trả khoản vượt quá.

Như vậy, khi bãi bỏ lương cơ sở thì số tiền cùng chi trả trong trường hợp này cũng sẽ có sự thay đổi.

Thứ tư, thêm đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT

Từ 01/7/2024 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 có hiệu lực sẽ có thêm đối tượng là người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật này.

Theo đó, đối tượng này được hưởng tiền hỗ trợ tiền đóng BHYT và BHXH tự nguyện theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. 

Bên cạnh đó, tại Điều 24 Luật này còn quy định khi người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương… khi thực hiện nhiệm vụ mà đã tham BHYT và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm.

Đối với người chưa tham gia BHYT nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Thứ năm, thẻ BHYT được tích hợp vào thẻ Căn cước

Từ 01/7/2024 Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, thời điểm này trong trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước sẽ được cấp thẻ Căn cước (tên gọi mới) chứ không còn là thẻ CCCD như hiện hành.

Theo Điều 22 Luật này từ ngày 01/7/2024 công dân được đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi hoặc cấp lại thẻ căn cước.

Những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…

Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Như vậy, từ 01/7/2024 thẻ BHYT người dân được tích hợp vào thẻ Căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, khi đó có thể sử dụng thẻ căn cước để khám, chữa bệnh, cũng như thực hiện các thủ tục về BHYT. 

Thứ sáu, thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi được cấp liên thông cùng thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú

Theo đó, người yêu cầu thực hiện 3 thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổitruy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VNeID, lựa chọn mục “Dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử” để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định.

Điều 5 Nghị định 63/2024 quy định hồ sơ sơ thực hiện 3 thủ tục trên gồm:

- Tờ khai điện tử

- Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh.

Nếu không có giấy chứng sinh thì đính kèm các thành phần hồ sơ thay thế theo quy định pháp luật về Hộ tịch.

- Trường hợp đăng ký thường trú cho trẻ em khác nơi thường trú của cha, mẹ (nếu được cha, mẹ đồng ý) thì đính kèm các thành phần hồ sơ theo quy định pháp luật về cư trú.

Các thành phần hồ sơ nêu trên là bản giấy thì phải thực hiện số hóa.

Thời gian giải quyết nhóm thủ tục hành chính liên thông nêu trên không quá 03 ngày làm việc kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp phải xác minh thì không quá 05 ngày làm việc.

Trên đây là thông tin về 5 thay đổi quan trọng liên quan đến BHYT từ 01/7/2024.

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Có thể bạn quan tâm

X