Nhiều khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất được bổ sung tại Luật Đất đai sửa đổi. Cụ thể, khi bị thu hồi đất thì người dân được hỗ trợ ra sao?
Bổ sung nhiều khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất
Điều 108 Luật Đất đai sửa đổi quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
Thứ nhất, người dân bị thu hồi đất được hỗ trợ ổn định đời sống;
Thứ hai được hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh;
Thứ ba được hỗ trợ di dời vật nuôi;
Thứ tư được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm;
Thứ năm được hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 111 của Luật này. Cụ thể:
“8. Trường hợp người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở và được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư nhưng tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu.
Thứ sáu, được hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời theo quy định.
Ngoài việc hỗ trợ nêu trên thì, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:
- Biện pháp
- Mức hỗ trợ khác
Nhằm bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng dự án cụ thể.
Theo đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Luật Đất đai mới đã bổ sung thêm một số khoản hỗ trợ khi người dân bị thu hồi đất.
Theo Điều 83 Luật Đất đai 2013, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất được quy định như sau: - Hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người sử dụng đất - Hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho người sử dụng đất - Hỗ trợ tái định cư - Các khoản hỗ trợ khác tùy theo từng trường hợp |
Quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề khi bị thu hồi đất
Vấn đề này, Điều 109 Luật Đất đai 2024 mới quy định:
Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương với các đối tượng:
- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, được công nhận quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền;
- Cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền;
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) từ các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó…
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương.
Người được hỗ trợ theo quy định trên còn được hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được:
- Vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh
- Và được hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ được quy định như sau:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi đất.
UBND cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện.