Dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định rõ các trường hợp không được dự tuyển nhà giáo. Cụ thể đó là những trường hợp nào, cùng tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Các trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật về điều kiện đăng ký dự tuyển thì người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký dự tuyển nhà giáo:
- Có đơn đăng ký dự tuyển;
- Có lý lịch rõ ràng;
- Đáp ứng yêu cầu của chuẩn nhà giáo;
- Đáp ứng các điều kiện đặc thù theo yêu cầu của vị trí việc làm nhưng không được trái các nguyên tắc tuyển dụng theo quy định.
Đồng thời khoản 2 Điều luật này cũng quy định những người không được đăng ký dự tuyển:
Thứ nhất là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Thứ hai là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;
Và thứ ba là người đã có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng được quy định bổ sung những trường hợp không được đăng ký dự tuyển (nếu có) nhưng không trái với các quy định của Luật Nhà giáo.
Hiện nay, căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức 2010 (Được sửa đổi bởi điểm a khoản 12 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về các trường hợp sẽ không thể đăng ký dự tuyển viên chức:
Một là mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Hai là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
Sẽ có 3 trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo?
Phương thức tuyển dụng nhà giáo theo Luật Nhà giáo
Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật quy định việc tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.
Về thẩm quyền tuyển dụng như sau:
- Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.
- Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác: do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.
Hiện nay, Điều 23 Luật Viên chức 2010 quy định về phương thức tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Về nguyên tắc tuyển dụng, Điều 19 dự thảo Luật nêu rõ các nguyên tắc như sau:
Một là bảo đảm công khai, công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai là bảo đảm tính cạnh tranh.
Ba là tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chức danh nhà giáo.
Bốn là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Và năm là ưu tiên tuyển dụng:
+ Người có tài năng
+ Người có công với cách mạng
+ Người dân tộc thiểu số
+ Người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu
+ Các đối tượng chính sách khác.
Trên đây là thông tin về Các trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo.
Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp