Bước sang tháng 12/2021, sẽ có nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực cũng như các mốc thời gian người dân cần lưu ý vì có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Hạn cuối được giảm 50% lệ phí làm CCCD gắn chip
Theo quy định tại Thông tư 47/2021 của Bộ Tài chính, từ ngày 01/7 - hết ngày 31/12/2021, lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC. Cụ thể:
- Lệ phí chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD là 15.000 đồng/thẻ CCCD.
- Lệ phí đổi thẻ CCCD bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân yêu cầu là 25.000 đồng/thẻ CCCD.
- Lệ phí cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam là 35.000 đồng/thẻ CCCD.
Sau đó, từ ngày 01/01/2022 trở đi, mức thu lệ phí CCCD gắn chíp được thực hiện theo Thông tư 59/2019.
Ngoài việc được giảm 50% còn có các lý do người dân nên đi làm CCCD trong năm nay.
Từ 01/01/2022, người dân không còn được giảm 50% khi làm CCCD gắn chip. Ảnh minh họa.
Hạn cuối nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ Quyết định 28/2021, với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc người đang tham gia nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ ở thời điểm ngày 30-11 thì ngày 20/12/2021 là hạn cuối nộp hồ sơ nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116.
Cũng theo quy định tại quyết định này thì ngày 31/12 là hạn cuối để cơ quan bảo hiểm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.
Ngày 31/12 cũng là thời điểm cuối để xét hưởng các chính sách hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc và chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
>> Chưa nhận được hỗ trợ Nghị quyết 116, phải làm sao?
Hạn cuối đăng ký xe qua nhiều đời chủ, thiếu giấy tờ
Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021. (Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA)
Có nghĩa, sau ngày 31/12/2021, xe đã qua nhiều đời chủ, mà không có hoặc thiếu giấy tờ mua bán sẽ không còn được đăng ký, sang tên.
Theo Điều 19 Thông tư này, hồ sơ đề đăng ký, sang tên gồm:
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để xuất trình;
- Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu)
- Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định;
- Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (trong trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe).
Và nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký xe nơi cư trú.
Về thời hạn giải quyết, cơ quan quản lý hồ sơ phải đăng ký, cấp biển số (với ô tô sang tên trong cùng tỉnh, mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú sau 30 ngày, nếu không tranh chấp, khiếu kiện.
Hạn cuối đổi sang biển số màu vàng
Cũng theo Thông tư 58/2020 của Bộ Công an, tại Điều 25, xe hoạt động kinh doanh vận tải được cấp biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số dùng lần lượt 01 trong 20 chữ cái: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.
Điều 26 Thông tư này cũng quy định:
2. Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021.
Theo đó, hạn cuối để xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải đi đổi biển vàng ngày 31/12/2021. Sau thời gian này, nếu xe kinh doanh vận tải chưa đổi sang biển màu vàng sẽ bị phạt.
Từ 01/01/2022, xe không đổi sang biển vàng sẽ bị phạt. Ảnh minh họa.
Thời hạn đổi thẻ ATM sang thẻ gắn chip
Theo Thông tư 22/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 31/12/2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Điều đó đồng nghĩa với việc, từ ngày 31/12 tới đây, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là thẻ gắn chip, thay thế cho loại thẻ từ trước đây.
Cũng trong nội dung này Thông tư này, từ ngày 31/3/2021, các ngân hàng đã dừng phát hành thẻ từ ATM, chỉ phát hành dạng thẻ chip.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước hôm 30/11 đã thông báo sau 31/12 năm nay, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ từ để giao dịch tại ATM và POS bình thường.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng đảm bảo giao dịch của chủ thẻ từ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi. Và việc ban hành các quy định về thẻ chip nội địa nhằm khuyến khích khách hàng chuyển đổi sử dụng thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo quyền lợi bảo mật và an toàn.
Ngoài các thời điểm trong tháng 12 người dân cần lưu ý vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình, thì tháng 12 cũng là thời điểm nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực:
Siết chặt quy định về việc cá nhân vận động quyên góp từ thiện
Nghị định 93 năm 2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11/12/2021 quy định:
Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, khi vận động từ thiện phải:
- Thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú, công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận và thời gian phân phối.
- Đặc biệt, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện.
- Mặt khác, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu có yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, cá nhân không được phép nhận thêm tiền ủng hộ.
Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước
Tại Nghị định 103/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/12/2021 thì mức thu lệ phí trước bạ từ 01/12/2021 - hết 31/5/2022 lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước:
Bằng 50% mức thu được quy định tại Nghị định 20/2019 và các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ.
Và từ tháng 06/2022, mức thu sẽ được áp dụng lại theo quy định tại Nghị định 20/2019.
Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học
Từ 10/12/2021, Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 16, Nghị định 101/2017/NĐ-CP nội dung bồi dưỡng cán bộ, viên chức gồm:
1. Lý luận chính trị.
2. Kiến thức quốc phòng và an ninh.
3. Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước.
4. Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế.
5. Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Tuy nhiên tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức gồm: Lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Như vậy, từ 10/12, cán bộ, viên chức không phải bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Nghị định 89/2021/NĐ-CP là cơ sở để các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới.
Quy định mới về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với công chức, viên chức
Cũng tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP, từ ngày 10/12/2021, quy định về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
- Học viện Hành chính Quốc gia; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được giao thực hiện.
- Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng.
- Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công viên chức; cán bộ, công chức cấp xã sử dụng trên phạm vi toàn quốc. (Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng và mẫu chứng chỉ)
Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định 101/2017 hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định 89/2021.
11 thông tin được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Từ 09/12/2021, Quyết định 31/2021/QĐ-TTg về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ có hiệu lực. Theo đó, 11 thông tin được cung cấp trên Cổng Dich vụ công là các thông tin về:
- Thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quyết định công bố thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan.
- Thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, về tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
- Tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
- Đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
- Báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công khác.
- Địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ.
- Nghĩa vụ tài chính và thanh toán nghĩa vụ tài chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Thông tin về dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
- Thông tin về điều khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Các thông tin khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Giao diện Cổng Dịch vụ Công quốc gia. Ảnh chụp màn hình.
Tiêu chuẩn với người đi học nước ngoài bằng nguồn NSNN
Ngày 01/12/2021, Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có hiệu lực.
Nghị định quy định công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn:
- Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt
- Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
- Đối với trường hợp có nơi công tác phải được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý đi học
- Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng, đồng thời đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu…
- Trường hợp là Đảng viên, phải đáp ứng các quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công viên chức, quy định của Đảng
Nghị định 86/2021/NĐ-CP bãi bỏ Quyết định 05/2013/QĐ-TTg.
Bổ sung thêm mức thu phí dự thi thăng hạng viên chức hạng IV
Thông tư 92/2021/TT-BTC quy định về phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2021.
Nội dung Thông tư bổ sung mức thu phí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV, cụ thể:
- Dưới 100 thí sinh thì mức thu là 700.000 đồng/thí sinh/lần.
- Từ 100 - 500 thí sinh: mức thu là 600.000 đồng/thí sinh/lần.
- Từ 500 thí sinh trở lên: mức thu 500.000 đồng/thí sinh/lần.
Với các trường hợp còn lại: Mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức được giữ nguyên so với hiện hành.
Cũng từ hôm nay, Công an xã có thêm quyền hạn là được xác minh sơ bộ tin tố giác tội phạm (theo khoản 1 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/12/2021)
Trên đây là thông tin về chính sách mới có hiệu lực tháng 12/2021. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.