Năm 2022, nhiều chính sách mới được ban hành có ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Dưới đây là những chính sách được ban hành trong thời gian gần đây.
- 1. Thí điểm thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
- 2. Lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản
- 3. Phát triển thị trường BĐS và nhà ở cho người thu nhập thấp
- 4. Hà Nội: Nhà đầu tư vi phạm không được tham gia đầu tư dự án mới
- 5. Hà Nội: cải cách thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất
1. Thí điểm thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Tại Quyết định 23/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 18/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 55/2022/QH15.
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác bảo đảm nguyên tắc, điều kiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai. Tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Hồ sơ gồm:
- Bản chính văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
- Bản chính báo cáo đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kèm theo văn bản thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án
- Bản chính báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng, kết quả điều tra rừng khu vực đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, loài cây trồng.
Nếu hồ sơ qua môi trường điện tử thì hình thức hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng.
UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thẩm định nội dung trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2. Lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản
Đó là nội dung tại văn bản 1435/QĐ-TTg, theo đó Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc thành lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.
Theo quyết định, Tổ công tác sẽ gồm 8 thành viên và có nhiệm vụ:
- Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trực thuộc trung ương.
Đồng thời, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới triển khai thực hiện các dự án bất động sản.
Tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền Thủ tướng; đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan; cũng như tham mưu, kiến nghị các cấp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.
- Yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu về các dự án bất động sản đang triển khai nhưng khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, kiến nghị giải pháp giải quyết.
Bên cạnh đó, tổ công tác cũng được mời lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương có liên quan, hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu tổ công tác chịu trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu.
Quyết định 1435/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/11/2022.
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy và cắt giảm lao động. Có doanh nghiệp thiếu vốn phải vay với lãi suất cao. Có doanh nghiệp phải bán bớt tài sản… |
3. Phát triển thị trường BĐS và nhà ở cho người thu nhập thấp
Đó chính là mục tiêu được đề ra tại Quyết định 853/QĐ-BXD. Cụ thể như sau:
- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Thông báo số 242/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
- Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ và thị trường bất động sản.
Kế hoạch tại Quyết định 853 cũng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như:
Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị; hướng dẫn quy trình, thủ tục chung để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp; hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản…
4. Hà Nội: Nhà đầu tư vi phạm không được tham gia đầu tư dự án mới
Ngày 15/11, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 296/KH-UBND về khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn.
Theo nội dung Kế hoạch có 05 nội dung cần khắc phụ như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật.
Thứ hai, kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn.
Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh…
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra công tác quản lý nhà nước, hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, công tác phòng cháy, chữa cháy để kịp thời phát hiện, công bố công khai và kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm...
Và thứ năm là kịp thời tham mưu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về nhà ở...
Thành phố yêu cầu kiên quyết không cho phép nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) được tham gia đầu tư dự án mới…
5. Hà Nội: cải cách thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất
Công văn 3195/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành ngày 28/9/2022.
Nội dung Công văn cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính và công tác đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một trong những nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan:
- Chấn chỉnh, bố trí hợp lý công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
- Không để tình trạng quá tải hay kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ dẫn đến việc phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân.
- Rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ thủ tục liên quan đến các giao dịch về đất đai không hợp lý, kéo dài thời gian, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, đồng thời rà soát các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp Giấy chứng nhận và làm rõ nguyên nhân để có kế hoạch, biện pháp giải quyết dứt điểm…
6. Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai từ tháng 12/2022
Ngày 14/11/2022 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết 150/NQ-CP ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Mục đích của kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến năm 2023 hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể kế hoạch như sau:
- Tháng 11/2022: Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
- Tháng 12/2022 - 01/2023: đăng tải dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Tháng 01 - 02/2023: Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Kế hoạch của Quốc hội.
Trước ngày 10/3/2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của người dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Chính phủ và gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 01/4/2023.
Trước đó, tại Nghị quyết 18-NQ/TW cũng đã đặt ra giải pháp đáng chú ý liên quan đến thị trường bất động sản là bỏ khung giá đất, xây dựng cơ chế và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường hay quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở…
Tại Nghị định 44/2022/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải cung cấp thông tin, dữ liệu về dự án về tình hình giao dịch bất động sản của dự án một cách công khai (Điều 18)
Trên đây là những chính sách mới liên quan đến bất động sản, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.