hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 23/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai

Điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai bao gồm những gì? Nếu được áp dụng, người có đất bị thu hồi có lợi không? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau của HieuLuat.

 

8 điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai (điểm nổi bật)

Quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư theo Dự thảo Luật Đất đai được quy định từ Điều 77 tới Điều 110.

Một số điểm mới nổi bật trong dự thảo sửa đổi lần này gồm:

Thứ nhất, bổ sung trường hợp thu hồi đất (Điều 77, Điều 78 Dự thảo)

Tương tự Luật Đất đai hiện hành, Dự thảo cũng quy định có 4 căn cứ Nhà nước thu hồi đất.

Tuy nhiên, các trường hợp thu hồi đất cụ thể đối với từng căn cứ được bổ sung thêm so với Luật hiện hành, cụ thể:

Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

  • Bổ sung trường hợp làm nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân;

  • Bổ sung trường hợp thu hồi đất làm cơ sở khám chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân;

Thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia công cộng

  • Mở rộng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia công cộng như:

  • Dự án công trình đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư/hoặc dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư,...;

  • Dự án lấn biển, xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn;

  • Dự án khu dân cư nông thôn sử dụng đất không phải là đất ở;

  • Dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung;

  • ….

  • Ngoài ra, Dự thảo cũng thay đổi cách xác định các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, vì lợi ích quốc gia, công cộng theo hướng liệt kê, loại trừ;

Thu hồi đất do có vi phạm pháp luật về đất đai

  • Bổ sung trường hợp đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất;

  • Bổ sung đất sản xuất nông nghiệp không sử dụng trong 36 tháng liên tục và đã bị xử phạt hành chính mà không đưa vào sử dụng cũng bị thu hồi;

  • Thay đổi về quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai trong các dự án đầu tư sử dụng đất;

Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người

  • Bổ sung trường hợp chấm dứt dự án đầu tư mà không được chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất;

Thứ hai, bổ sung hình thức bồi thường về đất khi thu hồi đất

Khoản 3 Điều 89 Dự thảo có quy định về hình thức bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất của người sử dụng gồm:

Hình thức bồi thường giống với Luật hiện hành:

  • Bồi thường về đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi;

  • Bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể (nếu không có đất để bồi thường);

Mở rộng hình thức bồi thường so với Luật hiện hành:

  • Bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi/hoặc nhà ở (áp dụng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất có nhu cầu địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở);

  • Mở rộng hình thức bồi thường về đất là căn cứ để Nhà nước và người có đất bị thu hồi có nhiều lựa chọn và linh hoạt trong việc áp dụng hình thức bồi thường phù hợp với địa phương của mình;

8 điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai8 điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai

Thứ ba, cụ thể các tiêu chí khu tái định cư vào luật

Đây là điều khoản mới được đưa vào Luật tại Dự thảo.

Theo đó, tại Điều 106, Dự thảo đã quy định một số tiêu chí của khu tái định cư gồm:

  • Tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phải phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền;

  • Tiêu chí về lựa chọn địa điểm tái định cư;

Việc quy định cụ thể về các tiêu chí khu tái định cư có thể được đánh giá giải quyết vướng mắc đang tồn tại hiện nay là người có đất phải di dời không chịu di dời do điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tại khu tái định cư không được đảm bảo.

  • Nói cách khác, các yếu tố cơ bản như điện, đường, trường, trạm đã không được chú trọng khi xây dựng các khu tái định cư của người dân, dẫn đến tình trạng người phải di dời khi thu hồi đất không thực hiện di dời theo đúng quy định;

Thứ tư, thay đổi quy định về hình thức thu hồi đất

Theo Dự thảo, tại Điều 128 (thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư) và Chương VI (trường hợp Nhà nước thu hồi đất), đã phân định rõ ràng 2 hình thức thu hồi/lấy lại quyền sử dụng đất là:

  • Nhà nước thu hồi đất;

  • Và tổ chức, doanh nghiệp có năng lực thực hiện dự án đầu tư thực hiện thỏa thuận về quyền sử dụng đất để có đất thực hiện dự án;

Tương ứng với từng hình thức thu hồi đất là những quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ mà người có đất được quyền thực hiện hoặc buộc phải tuân thủ.

Điều này cũng có nghĩa rằng, quy định về thẩm quyền thu hồi đất đối với từng loại dự án, cách thức thực hiện, mức bồi thường khi thu hồi đã được Dự thảo quy định chi tiết, cụ thể.

Thứ năm, thay đổi về thẩm quyền thực hiện thu hồi đất (khoản 1, 2 Điều 82 Dự thảo)

Điều 82 Dự thảo đã thay đổi thẩm quyền thu hồi đất từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Ủy ban nhân dân cấp huyện trong 2 trường hợp:

  • Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

  • Khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của cấp tỉnh và của cấp huyện;

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện được trao quyền nhiều hơn đối với vấn đề thu hồi đất trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

Điều này được kỳ vọng có thể giải quyết được gọn gàng hơn những vấn đề có thể phát sinh (ví dụ khiếu kiện, khiếu nại, đề nghị, …) ngay tại cấp huyện.

Thứ sáu, bổ sung quy định về giá đất tính tiền bồi thường

Điều 89, Điều 155 Dự thảo quy định, giá đất tính tiền bồi thường được áp dụng là giá đất cụ thể của loại đất bị thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

  • So với Luật hiện hành (Điều 74 Luật Đất đai), thời điểm phê duyệt giá đền bù bồi thường đã được thay đổi từ thời điểm quyết định thu hồi thành thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư;

  • Thay đổi thời điểm quyết định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường cũng có thể làm thay đổi số tiền bồi thường mà người có đất bị thu hồi được nhận;

Tuy vậy, phương pháp, cách tính giá cụ thể trong trường hợp đã bỏ khung giá đất cũng là vấn đề cần được nghiên cứu, làm rõ hơn.

Giá đất bồi thường là giá cụ thể xác định tại thời điểm phê duyệt phương án đền bù bồi thườngGiá đất bồi thường là giá cụ thể xác định tại thời điểm phê duyệt phương án đền bù bồi thường

Thứ bảy, bổ sung quy định về vấn đề người có đất bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được đền bù về đất (khoản 2 Điều 94 Dự thảo)

  • Điểm giống so với quy định hiện hành (Nghị định 47/2014/NĐ-CP): Đối với trường hợp người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất, nếu không có chỗ ở nào khác thì được bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất;

  • Điểm mới: Dự thảo quy định những đối tượng này được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định pháp luật;

Đây là quy định có thể gỡ rối cho hiện trạng làm sao để đảm bảo chỗ ở cho người có đất bị thu hồi mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định tại Dự thảo.

Thứ tám, kiến nghị nên định lượng quy định về bồi thường phải được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo người dân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ (khoản 2 Điều 89 Dự thảo)

Khoản 2 Điều 89 Dự thảo quy định về một trong những nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

2. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tuy vậy, Luật chưa đưa ra các tiêu chí đánh giá, định lượng về vấn đề như thế nào được coi là điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Do đó, việc đánh giá chính xác việc bồi thường có đúng nguyên tắc này hay không còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất và cần phải thảo luận, nghiên cứu thêm để làm rõ.

Một số ý kiến đóng góp dự thảo cho rằng, cần cụ thể hóa hơn nữa về các tiêu chí được coi là bằng hoặc hơn, ví dụ như:

  • Thu nhập bình quân;

  • Diện tích chỗ ở bình quân/đầu người;

  • Về các dịch vụ y tế, giáo dục, khu vui chơi, khu thương mại, dịch vụ,...;

Trên đây là 8 điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai (điểm nổi bật) đã nhận được nhiều đóng góp của người dân.

Nếu các Điều luật này được thông qua, áp dụng vào cuộc sống, chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích đối với người có đất bị thu hồi, cụ thể như chúng tôi nêu dưới đây.

Lợi ích hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất có được nếu Dự thảo được thông qua

Nếu những điểm mới trong Dự thảo mà chúng tôi vừa tổng hợp và nêu trên được Quốc hội thông qua thì có thể mang lại một số lợi ích rất đáng chú ý đối với người có đất bị thu hồi, đặc biệt là cá nhân, hộ gia đình.

Cụ thể, những lợi ích này bao gồm:

Tăng quyền tự quyết vào các vấn đề đền bù, bồi thường:

  • Dự thảo đã quy định cụ thể 2 hình thức thu hồi đất (Nhà nước thu hồi hoặc có sự thỏa thuận giữa tổ chức và người có đất), do vậy, người có đất bị thu hồi có căn cứ rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của mình;

  • Ngoài ra, đối chiếu theo từng trường hợp, mức bồi thường có sự khác biệt, do vậy, tự bản thân người có đất cũng sẽ có những tính toán, yêu cầu cụ thể;

Minh bạch, khách quan trong quy trình thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư (Điều 85 Dự thảo):

  • Dự thảo đã quy định chi tiết hơn các bước thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng/để phát triển kinh tế - vì lợi ích quốc gia công cộng so với Luật hiện hành, đây là căn cứ để người có đất, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện theo đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình;

  • Sự minh bạch, khách quan còn thể hiện ở chính quy trình thu hồi đất khi cần phải có buổi họp, thảo luận, lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi cùng các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan liên quan đến vấn đề thu hồi đất;

  • Theo đó, đây là quy trình bắt buộc phải được thực hiện và Dự thảo cũng đã quy định chi tiết về cách thức tiến hành;

Dự thảo quy định rõ hơn về các hình thức thu hồi đấtDự thảo quy định rõ hơn về các hình thức thu hồi đất

Điều kiện, mức đền bù tiệm cận đến sự công bằng:

  • Theo Dự thảo, việc xác định giá đất đền bù bồi thường phải là giá cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư: Đây là sự khác biệt rất rõ bởi khi không còn khung giá đất, việc định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường sẽ gần như được thực hiện theo giá thị trường đối với từng loại đất bị thu hồi;

  • Dự thảo cũng quy định, việc thu hồi chỉ được tiến hành nếu như Nhà nước đảm bảo được thu nhập, điều kiện sống phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ: Tuy chưa có định lượng cụ thể cho vấn đề này, song, đây cũng là quy định hướng tới bảo toàn lợi ích, tạo sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi;

Như vậy, từ những điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai, có thể nhận thấy, người có đất bị thu hồi sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn.

Do đây mới chỉ là dự thảo, nên vẫn cần được thảo luận, cân nhắc, xem xét cẩn thận từ cơ quan lập pháp và nếu được thi hành thì cũng cần thời gian để đánh giá tác động trực tiếp.

Trên đây là những thông tin về điểm mới về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự thảo Luật Đất đai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được giải đáp kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X