Điểm mới về chuyển mục đích sử dụng ban hành cuối năm nay theo Dự thảo Luật Đất đai được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau của HieuLuat nhé.
5 điểm mới về chuyển mục đích sử dụng ban hành cuối năm nay
Căn cứ Dự thảo Luật Đất đai, có 5 điểm mới nổi bật trong vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáng lưu tâm như sau:
Một là, quy định về các khu vực chuyển mục đích sử dụng đất
Khoản 7 Điều 63 Dự thảo Luật Đất đai quy định về các khu vực chuyển mục đích cũng như điều kiện cụ thể để chuyển mục đích sử dụng tại các khu vực này:
Khu vực quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất;
Khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất;
Khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất;
Hai là, quy định rõ về chỉ tiêu các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
Điểm b khoản 4 Điều 64 Dự thảo quy định việc xác định chỉ tiêu một số đất cần chuyển mục đích sử dụng thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại kỳ kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện:
Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung;
…
Điểm mới về chuyển mục đích sử dụng ban hành cuối năm nay theo Dự thảo Luật Đất đai
Ba là, tương tự, trong nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định cụ thể diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng thuộc trường hợp phải xin phép đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính
So với quy định hiện hành, có thể nói, dự thảo Luật Đất đai mới đã quy định cụ thể hơn điều kiện về diện tích đất tối đa được phép chuyển mục đích sử dụng đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính được lập theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện;
Đây cũng là căn cứ rõ ràng, chính xác để người sử dụng đất cũng như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định việc có được chuyển mục đích sử dụng đất hay không;
Bốn là, thay đổi về căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
So với quy định hiện hành (Điều 52 Luật Đất đai 2013), khoản 2 Điều 116 Dự thảo quy định siết chặt hơn căn cứ để được chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt (căn cứ này được giữ nguyên);
Phải có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Nếu là chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ/rừng đặc dụng thì còn phải đảm bảo điều kiện, tiêu chí sử dụng theo quy định của Chính phủ;
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở thì phải đảm bảo quy định tại khoản 3 Điều 116 Dự thảo:
…
3. Hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hạn mức do Chính phủ quy định.
Năm là, thêm trường hợp chuyển mục đích sử dụng phải xin phép cơ quan có thẩm quyền
Khoản 1 Điều 121 Dự thảo quy định thêm trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền là:
Chuyển từ các loại đất khác thành đất chăn nuôi tập trung (đất chăn nuôi tập trung cũng là một trong những loại đất mới được quy định trong cơ cấu các loại đất theo Dự thảo);
Chuyển từ đất phi nông nghiệp được giao không thu tiền sang đất phi nông nghiệp được giao có thu tiền/hoặc đất phi nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất;
Ngoài ra, Dự thảo mới cũng có quy định mới, ngoài các trường hợp chuyển mục đích phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì người sử dụng đất phải tiến hành đăng ký biến động đất đai (quy định hiện hành liệt kê các trường hợp phải đăng ký biến động).
Như vậy, 5 điểm mới về chuyển mục đích sử dụng ban hành cuối năm nay (điểm mới nổi bật) đã được chúng tôi tổng hợp như trên.
Việc áp dụng những thay đổi trong quy định về chuyển mục đích sử dụng đất sẽ có tác động trực tiếp đến người sử dụng đất, cụ thể những tác động này như thế nào được chúng tôi trình bày ở phần dưới.
Tác động trực tiếp đến người sử dụng đất khi áp dụng quy định mới về chuyển mục đích sử dụng đất
Những tác động trực tiếp có thể phát sinh khi áp dụng những quy định về chuyển mục đích sử dụng đất đối với người sử dụng đất nói chung, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nói riêng như sau.
Điểm tích cực:
Có thể kiểm tra chính xác điều kiện về diện tích được phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không cần phải mất nhiều thời gian như trước (vì có thể kiểm tra thông qua kỳ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm);
Có căn cứ pháp lý rõ ràng để xác định thuộc trường hợp có phải xin phép hoặc chỉ cần đăng ký biến động, tránh trường hợp như hiện tại, có khi chuyển mục đích sử dụng không thuộc trường hợp phải xin phép và cũng không thuộc trường hợp phải đăng ký biến động;
Quy định chi tiết, rõ ràng, thống nhất về điều kiện được phép chuyển mục đích là căn cứ để việc sử dụng đất được tiến hành hiệu quả hơn;
Điểm hạn chế:
Siết chặt điều kiện để được chuyển mục đích sử dụng đất;
Tăng trường hợp chuyển mục đích phải xin phép cơ quan có thẩm quyền;
Nếu thủ tục hành chính không được cải cách, điều chỉnh theo hướng nhanh gọn, sẽ khiến người sử dụng đất tốn rất nhiều thời gian để thực hiện;
Như vậy, với những điểm mới về chuyển mục đích sử dụng ban hành cuối năm nay (dự kiến), có thể sẽ giúp việc sử dụng đất đạt được hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thay đổi tích cực thì vẫn còn có thể tồn tại một vài hạn chế khiến quá trình sử dụng đất của người sử dụng gặp nhiều bất lợi.
Do đó, thông qua lần đóng góp ý kiến của người dân, hi vọng cơ quan lập pháp sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.
Trên đây là những thông tin vấn đề điểm mới về chuyển mục đích sử dụng ban hành cuối năm nay, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được giải đáp kịp thời.