hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 22/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Toàn bộ điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai

Điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai có những gì đáng chú ý? Việc quy định mới về hộ gia đình sử dụng đất theo Dự thảo có thể mang lại những kết quả tích cực nào? Cùng HieuLuat phân tích, dự đoán trong bài viết sau đây.

Toàn bộ điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai

Hộ gia đình sử dụng đất là một trong những đối tượng sử dụng đất có nhiều đặc điểm pháp lý phức tạp, đặc biệt là khi quyền sử dụng đất của đối tượng này tham gia giao dịch hoặc nằm trong các tranh chấp đất đai/tranh chấp liên quan đến đất đai.

Để giải quyết tình trạng vướng mắc pháp lý còn tồn đọng này, Dự thảo Luật Đất đai đã có nhiều quy định như chúng tôi liệt kê dưới đây:

Một là, định nghĩa lại đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình

Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định chi tiết về đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình như sau:

2. Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình).

  • So với Luật hiện hành, hộ gia đình sử dụng đất không cần phải là những người cùng sinh sống tại thời điểm được giao, cho thuê, công nhận, nhân chuyển quyền sử dụng đất;

  • Mà người sử dụng đất của hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đồng thời phải có quyền sử dụng đất chung trước thời ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

  • Điều này cũng có thể được hiểu rằng, có thể sau khi Dự thảo Luật Đất đai mới có hiệu lực thi hành, sẽ không phát sinh thêm đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình;

  • Đây cũng là cách lý giải hợp lý khi trong điều khoản giải thích từ ngữ của Dự thảo đã không đề cập đến khái niệm hộ gia đình sử dụng đất như Luật Đất đai đang có hiệu lực;

Hai là, ghi thông tin của người sử dụng đất là hộ gia đình trên Giấy chứng nhận

Khoản 5 Điều 143 Dự thảo Luật Đất đai quy định nguyên tắc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình như sau:

  • Cấp 1 giấy chứng nhận ghi tên toàn bộ thành viên của hộ gia đình và trao cho người đại diện;

  • Nếu các thành viên trong hộ gia đình có nhu cầu thì cấp 1 giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình và trao cho người đại diện;

  • Đặc biệt, việc xác định thành viên của hộ gia đình sử dụng đất sẽ do chính các thành viên của hộ gia đình thỏa thuận, chịu trách nhiệm trước pháp luật (Dự thảo chưa quy định cách thức thỏa thuận này);

Điều này cũng có nghĩa rằng, các thành viên của hộ gia đình sử dụng đất được trao quyền xác định về quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình thông qua việc xác định các thành viên có quyền đối với thửa đất được cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình.

Ba là, hộ gia đình sử dụng đất cũng được khuyến khích thực hiện chính sách tập trung đất để sản xuất nông nghiệp (Điều 185 Dự thảo)

  • Việc tập trung sản xuất đất nông nghiệp có thể được thực hiện thông qua hình thức dồn điền, đổi thửa/hoặc thuê quyền sử dụng đất/hoặc hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất;

  • Đây cũng là điểm mới trong xây dựng Dự thảo Luật Đất đai về chế độ sử dụng các loại đất, trong đó có đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình;

Toàn bộ điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai đáng chú ýToàn bộ điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai đáng chú ý

Bốn là, thay đổi cách tính thời hạn sử dụng đất của hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp trước thời điểm có hiệu lực của Luật này (theo Dự thảo Luật Đất đai)

  • Theo đó, khoản 4 Điều 234 Dự thảo quy định, nếu hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp trước thời điểm Luật này có hiệu lực (khi Dự thảo được thông qua, có hiệu lực) mà chưa được cấp giấy chứng nhận thì thời hạn sử dụng đất được tính lại từ thời điểm Luật này có hiệu lực;

  • Quy định này giúp kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cũng là Điều luật mang lại lợi ích cho người sử dụng;

Năm là, quy định về việc xử lý một số vấn đề pháp lý về hộ gia đình sử dụng đất (Điều 235 Dự thảo)

Dự thảo giành 1 Điều để quy định về cách thức xử lý vướng mắc, tồn đọng đối với trường hợp Giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, gồm cụ thể các vấn đề sau đây:

  • Vấn đề về thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình về những người có quyền, nghĩa vụ đối với đất của hộ gia đình sử dụng đất;

  • Vấn đề về lập biên bản có công chứng/chứng thực để xác định thành viên có quyền đối với đất cấp cho hộ gia đình trong các giao dịch dân sự: Đây là yêu cầu bắt buộc của các thành viên hộ gia đình tại thời điểm phát sinh quyền sử dụng đất;

  • Căn cứ vào việc thỏa thuận thành viên hộ gia đình có quyền đối với thửa đất đã cấp thông qua văn bản đã được công chứng/chứng thực, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết các thủ tục liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất;

  • Phải ghi tên cụ thể thành viên của hộ gia đình vào quyết định giao/cho thuê đất khi thực hiện phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho hộ gia đình;

Như vậy, chúng tôi đã liệt kê 5 điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai nhận được nhiều ý kiến đóng góp như trên.

Đây cũng là những điểm có thể ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cũng như làm thay đổi toàn bộ những thủ tục, trình tự giải quyết các vấn đề liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất.

Dự đoán những tác động khi quy định mới về hộ gia đình sử dụng đất được áp dụng

Như chúng tôi đã trình bày, một số điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai nêu trên về hộ gia đình sử dụng đất hoặc đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính các thành viên của hộ gia đình, ví dụ:

  • Điểm tích cực là các thành viên của hộ gia đình sử dụng đất có căn cứ rõ ràng để xác định quyền, lợi ích hợp pháp của mình đối với đất đứng tên hộ gia đình và cũng là căn cứ để truy cứu trách nhiệm pháp lý khi đưa thửa đất đứng tên hộ gia đình tham gia giao dịch;

  • Pháp luật tôn trọng và quy định quyền thỏa thuận, xác định về thành viên có quyền sử dụng đất của hộ gia đình nhằm giảm thiểu tranh chấp xoay quanh việc xác định người có quyền sử dụng đất hộ gia đình;

  • Tuy nhiên, pháp luật có thể sẽ phải quy định rõ hơn về cách thức thỏa thuận, xác định để các giao dịch được thực hiện dễ dàng hơn, tránh trường hợp có sự cố tình giấu diếm hoặc bỏ bớt thành viên tham gia thỏa thuận;

  • Tương tự như quy định hiện tại, nếu một trong những thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất không đồng ý với các vấn đề liên quan đến đất của hộ gia đình thì sẽ rất khó khăn trong việc xử lý;

Dự đoán những tác động khi áp dụng quy định mới về hộ gia đình sử dụng đấtDự đoán những tác động khi áp dụng quy định mới về hộ gia đình sử dụng đất

Đối với việc quản lý: Sẽ dễ dàng hơn trong công tác xác định, giải quyết các thủ tục hành chính, các tranh chấp liên quan đến đất hộ gia đình;

Đối với các giao dịch/hoặc các tranh chấp liên quan đến đất hộ gia đình: Các bên trong giao dịch có căn cứ để xác nhận chủ thể được phép giao dịch/thẩm quyền tham gia các giao dịch, hoặc xử lý các tranh chấp liên quan đến đất của hộ gia đình;

Như vậy, những điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai dự đoán mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với các bên trong quan hệ đất đai.

Bởi đây chỉ là những dự đoán nên có thể sẽ còn phải chờ đến khi Luật Đất đai chính thức được thông qua, có hiệu lực và áp dụng trên thực tế mới có thể đánh giá được kết quả của những quy định này.

Trên đây là những thông tin vấn đề điểm mới về đất của hộ gia đình tại dự thảo Luật Đất đai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được giải đáp kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X