Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo Thông tư về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Thông tư này dự kiến sẽ thay thế một số Thông tư đã ban hành trước đó của Bộ Công an, bao gồm Thông tư 65/2020.
CSGT không phải chào người có hành vi thiếu văn hóa
Theo Điều 17 Dự thảo, sau khi dừng phương tiện, CSGT phải thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định.
Tiếp đó, CSGT thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 17 của Dự thảo:
2. Thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát).
Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 65/2020 của Bộ Công an quy định:
Điều 18. Tiến hành kiểm soát
…2. Thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị...” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.
Như vậy, Dự thảo Thông tư mới đã bổ sung trường hợp CSGT không phải chào theo Điều lệnh công an đối với những người có hành vi thiếu văn hóa hoặc cản trở chống đối việc kiểm tra, kiểm sát.
Ngoài ra, một số điểm nổi bật đối với CSGT khi làm nhiệm vụ vẫn được giữ nguyên so với quy định cũ như dưới đây:
CSGT vẫn được mặc thường phục bắn tốc độ
Theo quy định tại Điều 11 của Dự thảo thì CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ công an.
Phải mặc thêm áo phản quang ở bên ngoài khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày nếu thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.
Trong trường hợp CSGT kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì được bố trí bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị giám sát tình hình trật tự ATGT, đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phát hiện ra hành vi vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy dự thảo nêu rõ rằng, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an cấp huyện trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Như vậy CSGT mặc thường phục được phép bắn tốc độ nhưng không được lập biên bản vi phạm hành chính mà phải gửi kết quả hình ảnh bắn tốc độ có đầy đủ số liệu cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điểm b Điều 11 của Dự thảo cũng tương đồng với Điều 11 Nghị định 65/2020 của Bộ Công an.
4 trường hợp CSGT được dừng xe để kiểm soát
Theo khoản 1 Điều 15 của Dự thảo thì CSGT sẽ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ theo chuyên đề đã phê duyệt.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể về thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Về nội dung này cũng tương tự với quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông từ 65/2020 của Bộ Công an.
Trên đây là thông tin về điểm mới với CSGT khi làm nhiệm vụ xử lý vi phạm, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.