Quốc hội chính thức lùi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do đó người dân không cần gấp rút đi làm Sổ đỏ trong năm 2023 như thời gian trước.
Có tới 453/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết sáng 22/11 vừa qua đã tán thành việc lùi thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này.
Mục đích của việc lùi thông qua dự án Luật Đất đai là để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu cũng như chỉnh lý, rà soát để bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội.
Dự kiến, theo chương trình thì Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp sáng 29/11.
Tuy nhiên, thự tế dự thảo luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để ra được phương án chính sách tối ưu.
Do đó, cần thêm thời gian cho việc rà soát, hoàn thiện toàn diện dự thảo luật để bảo đảm tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội sau khi thống nhất với Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội.
Trước đó, theo dự kiến thì dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được thông qua vào cuối năm 2023 với nhiều quy định mới tác động đến việc làm Sổ đỏ nên nhiều người dân đã đổ xô đi làm loại giấy này.
Người dân không cần vội đi làm sổ đỏ trong năm 2023.
Bởi, lý do thứ nhất theo quy định tại Điều 154, dự thảo Luật Đất đai (bản dự thảo ý kiến tháng 03/2023):
Điều 154. Bảng giá đất
1. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm.
Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của Hội đồng thẩm định bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành.
2. Bảng giá đất được xây dựng theo vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Có thể thấy, nội dung Điều luật này của dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về khung giá đất. Theo đó, các địa phương sẽ tự ban hành bảng giá đất định kỳ hàng năm thay vì 05 năm như quy định hiện hành.
Bảng giá đất các địa phương tự ban hành cũng không cần đáp ứng quy định không thấp hơn cũng không cao hơn khung giá đất như hiện nay.
Ngoài ra, cũng theo khoản 2 điều luật này của dự thảo thì bảng giá đất được xây dựng theo vị trí. Với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Việc các địa phương tự ban hành bảng giá đất và bảng giá được xây dựng theo vị trí có thể khiến giá đất tăng cao, các chi phí liên quan đến thủ tục làm Sổ đỏ theo đó cũng tăng lên.
Do đó để tiết kiệm chi phí về sử dụng đất, lệ phí trước bạ…, nhiều người dân đã thực hiện thủ tục làm Sổ đỏ trong năm 2023, trước khi dự thảo Luật sửa đổi có hiệu lực.
Thực tế, nội dung tờ trình dự án Luật Đất đai sửa đổi của Chính phủ đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025. Có nghĩa, nếu dự thảo Luật được thông qua thì bảng giá đất hiện hành vẫn được áp dụng đến hết năm 2025. Sau đó, từ năm 2026 mới áp dụng bảng giá đất do các địa phương ban hành. |
Lý do thứ hai mà người dân đi làm Sổ đỏ trong năm 2023 chính là vì điều kiện cấp Sổ cho đất không có giấy tờ tại dự thảo Luật được quy định nghiêm ngặt, khắt khe hơn.
Theo đó, khoản 2 Điều 137 dự thảo Luật sửa đổi quy định:
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 135 của Luật này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì được công nhận quyền sử dụng đất nếu có các điều kiện như sau:
a) Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai;
b) Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Hiện nay, các trường hợp đất lấn, chiếm do khai hoang, di cư…mà không có giấy tờ vẫn có cơ hội được cấp Sổ đỏ, tuy nhiên theo nội dung dự thảo quy định thì loại đất này không còn cơ hội cấp Sổ đỏ nữa.
Thực tế, việc sở hữu loại đất lấn, chiếm do khai hoang, du canh,… khá phổ biến nên nhiều người lo ngại đất mình sở hữu không còn đáp ứng được điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất nên đã thực hiện làm Sổ đỏ trước khi Luật được thông qua.
Người đang sử dụng đất có nguồn gốc từ đất lấn, chiếm chỉ được ghi nhận là người sử dụng đất tại thời điểm đăng ký và được tạm thời quản lý đất đai cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý, theo nội dung dự thảo Luật sửa đổi.
Như vậy, với việc Quốc hội hoãn thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, người dân không cần vội vàng đi làm Sổ đỏ trong năm nay.
Trên đây là thông tin về vấn đề không cần gấp rút đi làm Sổ đỏ trong năm 2023. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.