Việc lăn vân tay Căn cước công dân vẫn được thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi có quy định sẽ không in dấu vân tay trên thẻ CCCD khiến nhiều người hiểu rằng khi đi làm CCCD sẽ không cần lăn vân tay nữa, thực hư điều này thế nào?
Không còn phải lấy vân tay khi đi làm Căn cước?
Tại Điều 16 Dự thảo Luật quy định những thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm:
- Thông tin công dân theo quy định tại Điều 10 của Luật này.
- Đặc điểm nhân dạng.
- Thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói và các thông tin sinh trắc học khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định)…
Như vậy, một trong những thông tin phải có trong Cơ sở dữ liệu căn cước là thông tin sinh trắc học, trong đó bao gồm cả dấu vân tay.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 24 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân đủ 14 tuổi có bước cán bộ tiếp nhận thu nhận thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người đến làm thủ tục.
Tại khoản 2 Điều 32 Dự thảo Luật quy định về trình tự thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử, cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
Như vậy, có thể thấy, công dân khi đến làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đều được cán bộ làm thủ tục thu nhận dấu vân tay. Đây cũng là thông tin sinh trắc phải có trong Cơ sở dữ liệu căn cước của mỗi công dân.
Nhiều người lầm tưởng rằng sắp tới không còn phải lấy cân tay khi đi làm căn cước.
Không cần lăn vân tay trên Căn cước công dân?
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi cũng đã quy định nội dung in trên thẻ CCCD có nhiều sự thay đổi so với hiện hành. Cụ thể:
Theo quy định hiện nay tại Luật CCCD 2014:
Mặt trước thẻ CCCD có :
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc;
- Dòng chữ “Căn cước công dân”;
- Ảnh, số thẻ CCCD, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú;
- Ngày, tháng, năm hết hạn.
Mặt sau thẻ có:
- Bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;
- Vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ;
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ‘
- Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ
- và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Còn theo Dự thảo, nội dung thể hiện trên thẻ CCCD gồm:
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;
- Dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh khuôn mặt;
Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh; giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh;
- Quốc tịch;
- Nơi cư trú;
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn;
- Dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”.
Như vậy, mẫu thẻ CCCD mới theo đề xuất ngoài lược bỏ phần vân tay in trên thẻ còn có một số thay đổi khác như:
- Số CCCD đổi thành mã số định danh cá nhân (dãy số 12 chữ số như hiện hành).
- Quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh;
- Nơi thường trú đổi thành nơi cư trú…
Như vậy, theo nội dung của Dự thảo thì người dân vẫn phải lấy vân tay khi đi làm CCCD, vân tay được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu Căn cước chứ không phải lăn trực tiếp trên thẻ Căn cước như trước.
HieuLuat vừa thông tin về việc lăn vân tay căn cước công dân. Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.