hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 20/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nghị định 12/2022: Nhiều vi phạm về lao động bị tăng mức phạt

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Mục lục bài viết
  • Tăng 20 lần mức phạt doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày đèn đỏ
  • Thêm nhiều mức phạt liên quan đến giúp việc gia đình
  • Kỷ luật người lao động bằng cách phạt tiền, bị phạt đến 40 triệu đồng
  • Phạt nặng doanh nghiệp từ 1.000 lao động nữ không có phòng vắt sữa
  • Sử dụng lao động chưa thành niên chưa được cha, mẹ đồng ý, phạt đến 25 triệu đồng

Tăng 20 lần mức phạt doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày đèn đỏ

Khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với người sử dụng lao động có hành vi:

“d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.

Như vậy, kể từ ngày 17/01/2022, doanh nghiệp không cho người lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh (trừ trương hợp 02 bên thỏa thuận khác) thì bị phạt đến 20 triệu đồng.

Mức phạt này tăng gấp 20 lần trước đây, bởi tại điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020, mức phạt với hành vi này chỉ từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.
 

Thêm nhiều mức phạt liên quan đến giúp việc gia đình

Theo Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn việc sử dụng lao động hoặc chấm dứt việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định;

b) Đã bị xử phạt cảnh cáo đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nhưng lại tiếp tục vi phạm.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đây là những quy định xử phạt mới liên quan đến giúp việc gia đình. Trước đây, Nghị định 28/2020 chưa từng có quy định này.
 

Kỷ luật người lao động bằng cách phạt tiền, bị phạt đến 40 triệu đồng

Nghị định 12 quy định:

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
...

Như vậy, dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động có thể bị phạt đến 40 triệu đồng, trong khi theo quy định cũ chỉ phạt 10 - 15 triệu đồng.

nghi dinh 12/2022
 

Phạt nặng doanh nghiệp từ 1.000 lao động nữ không có phòng vắt sữa

Theo Điều 28 Nghị định 12:

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...

k) Không cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con;

l) Không lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên.

Như vậy, doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên bắt buộc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc, nếu không sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng.
 

Sử dụng lao động chưa thành niên chưa được cha, mẹ đồng ý, phạt đến 25 triệu đồng

Nghị định 12 quy định, phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng (trước đây là 10 - 15 triệu đồng) đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Sử dụng lao động chưa thành niên (trước đây chỉ quy định người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi) mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;

- Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;

- Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động;

- Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

- Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.
 

Không công khai quy chế thưởng Tết, phạt đến 10 triệu đồng

Điều 17 Nghị định 12 quy định những vi phạm quy định về tiền lương có mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng (quy định cũ là 02 - 05 triệu đồng) đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;

- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;

- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;

- Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;

- Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau (quy định mới).

Như vậy, không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng bao gồm cả quy chế thưởng Tết bị phạt đến 10 triệu đồng.
 

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phạt đến 30 triệu đồng

Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định thực hiện hợp đồng nêu rõ:

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định cũ chỉ yêu cầu hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý kỷ luật lao động theo hình thức được quy định trong nội quy lao động 

Trên đây là một số mức phạt mới về các vi phạm liên quan đến lao động theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 17/01/2022. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với tổng đài  19006199 của chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X