hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 23/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nóng: Từ 01/4/2022, giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000đồng/lít xăng

Chiều 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Chính phủ.

Quốc hội "chốt" giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Theo đó, Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức đề nghị của Chính phủ. Mức điều chỉnh áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 579 về Biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày nêu rõ: Điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau:

- Xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít;

- Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít;

- Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg;

- Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít;

- Nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.

Tờ trình nêu rõ, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.

Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường này sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát...

giam thue bao ve moi truong doi voi xang dau
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về giảm thuế với xăng dầu (Ảnh minh họa)

Ý nghĩa của việc giảm, thuế xăng dầu với người dân?

Từ đầu năm 2022 đến nay, trước ảnh hưởng của căng thẳng Nga - Ukraina, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao.

Vì thế, ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường để "kìm" giá xăng, dầu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Và ngày 23/3/2022, Nghị quyết này đã chính thức được thông qua.

Với người dân, đây là một tin vui lớn. Việc giảm giá xăng, dầu sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) tương ứng là 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.Từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần chia sẻ một phần lợi ích của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp; góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân...

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

X