hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 22/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thay đổi quy định về xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những điểm gì mới? Vấn đề này tác động trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất ra sao? Cùng HieuLuat tổng hợp và dự đoán trong bài viết sau đây.

 

Những điểm thay đổi khi xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Dự thảo Luật Đất đai

Thứ nhất, quy định về người được lấy ý kiến

Ngoài các cơ quan, tổ chức được chỉ định rõ, còn có đối tượng được lấy ý kiến là các cá nhân khác liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 68 Dự thảo).

  • Việc quy định lấy ý kiến của cá nhân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điểm không mới nhưng cần được làm rõ hơn nếu như quy định là cá nhân có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

  • Ví dụ như cá nhân này là ai? Là người dân hay là chuyên gia? Nếu là chuyên gia thì họ có vai trò như thế nào khi được lấy ý kiến?...;

  • Cũng theo quy định tại Điều 68 của Dự thảo, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ quốc gia đến cấp huyện đều được lấy ý kiến của những đối tượng như cơ quan Nhà nước, Ủy ban nhân dân, cộng đồng dân cư…;

  • Và nếu đã lấy ý kiến thì việc tổng hợp ý kiến, thảo luận, quyết định thực hiện theo ý kiến đã được lấy ý kiến được tiến hành như thế nào: Đây cũng là điểm mà nhiều ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cho rằng nên được quy định rõ trong Luật;

Thứ hai, hạn chế tối đa điều chỉnh, thay đổi quy hoạch

Hạn chế hoặc cấm điều chỉnh, thay đổi quy hoạch là ý kiến được gửi đóng góp trong lần thay đổi Luật này bởi lẽ các lý do sau đây:

  • Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đang được lập theo chu kỳ hàng năm (kể cả theo quy định Luật Đất đai hiện hành hoặc Dự thảo), nhưng quy hoạch thì được lập và sử dụng trong thời hạn 10 năm, điều này cũng có nghĩa rằng quy hoạch nên là cái mốc để từ đó kế hoạch được triển khai thông suốt, nhất quán;

  • Nhiều ý kiến đóng góp nêu bật rằng, quy hoạch đã mang tính cục bộ, chỉ khi nó được ổn định, không bị thay đổi thì mới có thể có được những tính toán sử dụng hợp lý, phù hợp;

  • Chính việc quy định điều chỉnh theo định kỳ rà soát quy hoạch như hiện nay dẫn đến tình trạng quy hoạch bị bóp méo, bị biến dạng hoặc gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của xã hội;

  • Việc hạn chế điều chỉnh, thay đổi, thậm chí là cấm điều chỉnh như đối với quy hoạch sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất an ninh quốc phòng... cũng là căn cứ để thực hiện các mục tiêu xã hội được tốt và ổn định;

  • Hạn chế điều chỉnh, thay đổi quy hoạch sử dụng đất cũng là cách giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước;

Thứ ba, thay đổi quy định về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Điều 61 Dự thảo quy định thống nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm:

  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện;

  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng;

  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh;

So với Luật hiện hành (khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi bổ sung 37 Điều liên quan đến quy hoạch 2018), hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm có:

Quy hoạch sử dụng đất

Kế hoạch sử dụng đất

  • Quy hoạch sử dụng đất quốc gia;

  • Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

  • Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng;

  • Quy hoạch sử dụng đất an ninh;

  • Kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

  • Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

  • Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện;

  • Kế hoạch sử dụng đất quốc phòng;

  • Kế hoạch sử dụng đất an ninh;

Sự đồng bộ trong việc lập, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chắc chắn sẽ giúp cho quá trình xây dựng được thống nhất, nhất quán, liền mạch hơn.

Một số điểm mới về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Dự thảoMột số điểm mới về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Dự thảo

Thứ tư, buộc phải có bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ kế hoạch sử dụng đất và cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện buộc phải lập bản đồ quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và lập cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

  • Là quy định mới so với Luật hiện hành, điều khoản này cũng sẽ là căn cứ để người sử dụng đất có nhu cầu khai thác thông tin về đất đai có thể nhanh chóng thực hiện tại cơ quan quản lý có thẩm quyền;

Thứ năm, phải xác định chỉ tiêu các loại đất theo nhu cầu sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất

  • Một trong những thay đổi của Dự thảo là quy định về việc phải xác định rõ chỉ tiêu sử dụng các loại đất của cấp trong phạm vi quản lý của mình khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện;

  • Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia cần xác định diện tích một số loại đất đặc biệt (đất trồng lúa, đất rừng sản xuất…)/hoặc một số vùng đặc biệt (khu vực quản lý nghiêm ngặt về chuyển mục đích sử dụng đất…) trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

  • Chỉ tiêu sử dụng đất là căn cứ để xem xét đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các đối tượng, khu vực, từ đó có tư liệu để điều chỉnh, hủy bỏ, thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo trình tự luật định;

Như vậy, trên đây là 5 điểm thay đổi tiêu biểu trong xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân.

Những thay đổi này nếu được thông qua sẽ có tác động ra sao tới người sử dụng đất, câu hỏi này sẽ được chúng tôi phân tích, dự đoán như phần dưới đây.

Những tác động tới người sử dụng đất khi điều khoản về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được áp dụng

Dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền lập, công bố, người sử dụng đất có thể lựa chọn, quyết định đầu tư, xây dựng, sử dụng đất phù hợp.

Một số tác động trực tiếp đối với người sử dụng đất nếu các điều khoản về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được thông qua như sau:

Một là, tăng quyền dân chủ của công dân đối với quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

  • Việc lấy ý kiến đóng góp của người dân, tổng hợp và có sự điều chỉnh theo sự đóng góp trước khi ban hành/quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính dân chủ, công bằng;

  • Dựa trên sự đóng góp ý kiến của người sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền cũng có căn cứ để xác định chính sách điều chỉnh của mình là chính xác, phù hợp hay chưa, từ đó có những quyết định đúng đắn, phù hợp, đảm bảo cân bằng tối ưu quyền lợi của các bên trong quan hệ đất đai;

Có thể xin cung cấp thông tin về quy hoạch đất tại cơ quan có thẩm quyềnCó thể xin cung cấp thông tin về quy hoạch đất tại cơ quan có thẩm quyền

Hai là, minh bạch và dễ dàng kiểm tra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

  • Với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện phải được lập bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu, người dân có thể dễ dàng được tìm kiếm, tra cứu thông tin dữ liệu theo quy định;

  • Dựa trên thông tin được tiếp cận, người sử dụng đất có thể quyết định việc sử dụng đất phù hợp với nhu cầu sử dụng đất và đúng pháp luật;

  • Thông tin về quy hoạch, kế hoạch được công bố, được xây dựng thành hệ thống rõ ràng, thống nhất mang lại tính minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý cũng như quá trình sử dụng đất của người sử dụng đất;

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, những điều chỉnh, thay đổi, bổ sung về vấn đề xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất mang lại nhiều điểm tích cực, nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng đất.

Tuy nhiên, đây vẫn là dự thảo, do đó, cần phải chờ Quốc hội thông qua, thi hành trên thực tế để đánh giá mức độ phù hợp của điều luật với cuộc sống.

Trên đây là thông tin về vấn đề những thay đổi liên quan đến quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được giải đáp kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X