Rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống 7 ngày thay vì 10 ngày như hiện nay là một trong những nội dung nổi bật đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu.
Rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống 7 ngày
Theo đó, tại khoản 3 Điều 1 của Dự thảo có nêu rõ:
3. Thời gian điều hành/công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào ngày Thứ Năm hàng tuần.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu cho phù hợp.
Như vậy, có thể thấy, thời gian điều hành giữa 2 kỳ theo Dự thảo là sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày (như hiện hành) xuống còn 7 ngày và được quy định vào 1 ngày cố định trong tuần.
Cụ thể ngày cố định là thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ. Nếu thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 - mùng 3 Tết Âm lịch thì kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 Âm lịch.
Đây là điều khác biệt so với hiện hành. Tại Nghị định 95 quy định không điều hành giá xăng dầu trong kỳ nghỉ lễ, và nếu kỳ điều hành xăng dầu trùng vào dịp Tết Nguyên đán kỳ sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo.
Việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ tránh trường hợp giá có biến động lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định nếu giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp.
Với phương án về thời gian điều hành nêu trên thì giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới.
Về nhược điểm, Bộ Công Thương cho rằng thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam thường mất khoảng 10-15 ngày nên khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp do thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn cũng ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Sẽ rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống 7 ngày so với 10 ngày như hiện nay?
Bộ Tài chính sẽ chủ trì điều hành giá xăng dầu?
Tại nội dung dự thảo nêu rõ trách nhiệm điều hành giá xăng dầu tại khoản 6 Điều 1. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu nhằm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Tài chính cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở được thực hiện sau khi có sự thống nhất với Bộ Công Thương. Tuy nhiên khi có ý kiến khác nhau, Bộ Tài chính quyết định và chịu trách nhiệm. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều này cũng khác biệt so với quy định cũ tại Nghị định 95/2021 là “khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Dự thảo Tờ trình Bộ Công Thương lý giải việc muốn Bộ Tài chính chủ trì điều hành giá xăng dầu là muốn nhằm tập trung quản lý giá về một đầu mối, đồng thời việc này phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Trên đây là thông tin về việc rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống 7 ngày, nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.