UBND không còn thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo Dự thảo Luật Đất đai, có đúng không? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây của HieuLuat.
Hiểu thế nào là tranh chấp đất đai theo dự thảo mới?
Khoản 50 Điều 3 của Dự thảo quy định, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
So với quy định hiện hành, định nghĩa về nội dung này được giữ nguyên.
Cụ thể, các tranh chấp phát sinh về ranh giới, mốc giới, người có quyền đối với thửa đất… đều là tranh chấp đất đai.
Theo Dự thảo, các bên được khuyến khích tự thực hiện hòa giải hoặc hòa giải thông qua hòa giải tại cơ sở (Luật Hòa giải tại cơ sở số 35/2013/QH13).
Trường hợp không thể tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải tại cơ sở thì lựa chọn nơi hòa giải như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất (giống với Luật Đất đai hiện hành);
Tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền (điểm mới): Áp dụng theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14;
Sau khi tiến hành hòa giải, Dự thảo cũng nêu cách thức xử lý tiếp theo:
Công nhận hòa giải thành tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền;
Hoặc khởi kiện theo quy định;
Lưu ý:
Dự thảo cũng có quy định về thẩm quyền tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai.
Quy định về tranh chấp từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai là quy định mới so với Luật Đất đai hiện hành;
Tuy nhiên, Dự thảo không mô tả/định nghĩa hiểu như thế nào là các hoạt động thương mại liên quan đến đất đai;
Như vậy, các bên thực hiện giải quyết tranh chấp nếu không thể hòa giải được.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo Dự thảo Luật mới có sự thay đổi như chúng tôi trình bày dưới đây.
UBND không còn thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo Dự thảo?
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo Dự thảo được quy định tại Điều 225:
Điều 225. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
2. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.
Theo đó, Dự thảo đã loại bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh so với Luật Đất đai đang có hiệu lực thi hành (khoản 3 Điều 203).
…
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Việc thay đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai từ Ủy ban nhân dân sang Tòa án nhân dân theo Dự thảo đã mang lại nhiều ý kiến đóng góp như:
Quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết có thể đảm bảo tính thống nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp;
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, liệu có khi nào việc trao quyền giải quyết toàn bộ tranh chấp đất đai cho Tòa án sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại các Tòa hay không: Điều này cần phải được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện;
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, nên loại bỏ bước hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã để làm cơ sở khởi kiện bởi sự rườm rà, rắc rối xoay quanh thủ tục này. Cụ thể như:
Trình độ chuyên môn của những người tham gia hòa giải không đồng nhất, dẫn đến ý kiến, tham vấn có thể không chuẩn xác hoặc có sự phiến diện, không công bằng;
Thời hạn giải quyết lâu (ít nhất là 45 ngày, kể từ ngày nhận yêu cầu) có thể dẫn đến nhiều thiệt hại khác cho các bên, trong nhiều trường hợp, sự việc phát sinh tại thời điểm hòa giải và thời điểm gửi đơn có sự khác nhau rõ rệt;
Hoặc bị Tòa án trả lại hồ sơ khởi kiện do chưa đủ căn cứ khởi kiện vì lý do biên bản hòa giải lập chưa đúng hình thức/nội dung bị thiếu, trình tự, thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không đúng quy định;
Cũng có quan điểm cho rằng, Ủy ban nhân dân là cơ quan đang nắm giữ hồ sơ, giấy tờ về đất đai, thực hiện quản lý về đất đai nên là cơ quan hiểu rõ nhất về tình hình sử dụng đất tại địa phương, giao cho Ủy ban giải quyết sẽ có thể thấu đáo, rút ngắn thời gian hơn so với tòa;
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, Ủy ban nhân dân không thể là bên vừa công nhận quyền, vừa giải quyết vấn đề liên quan đến quyền do mình đã công nhận được, như vậy không thể đảm bảo tính khách quan;
Có thể nói, dù là ý kiến nào thì cũng có những lý lẽ thuyết phục, hợp lý.
Tuy nhiên, Dự thảo cũng đã quy định loại bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh.
Cùng HieuLuat chờ đợi phiên thảo luận, đánh giá của Quốc hội trước khi thông qua trong kỳ họp tới đây về vấn đề này.
Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật những quy định mới nhất về việc giải quyết tranh chấp đất đai - là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân trong các bài viết tiếp theo.
Trên đây là những thông tin về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại dự thảo Luật Đất đai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được giải đáp kịp thời.