Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung thêm các hành vi được coi là trốn đóng BHXH bắt buộc và các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội
Thêm hành vi được coi là trốn đóng BHXH bắt buộc
Điều 43 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất các hành vi sau đây được xem là hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc:
Thứ nhất, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 dự thảo Luật. Theo đó trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan BHXH.
Thứ hai, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 dự thảo Luật mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định.
Cụ thể khoản 6 Điều luật này quy định thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:
- Ngày thứ 10 của tháng tiếp theo với phương thức đóng hằng tháng;
- Ngày cuối cùng của chu kỳ đóng với phương thức đóng 03 tháng một lần;
- Ngày cuối cùng của tháng thứ 04 của chu kỳ đóng với phương thức đóng 06 tháng một lần;
- Ngày cuối cùng của tháng thứ 07 của chu kỳ đóng với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Và thứ ba là người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Theo quy định hiện hành tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Bổ sung thêm biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội
Ngoài đề xuất hành vi được coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn bổ sung thêm các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội tại Điều 44.
Cụ thể, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc như nêu ở nội dung trên nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì bên cạnh phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng.
Bên cạnh đó, đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên thì cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn.
Trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh.
Sau khi thực hiện quy định nêu trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tổ chức Công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án.
Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Hiện nay trốn đóng BHXH bắt buộc sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt hành chính sẽ bị phạt tiền từ phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
- Về xử lý hình sự, căn cứ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cá nhân có hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng – 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giảm giữ đến 7 năm tù giam tùy theo mức độ, hành vi vi phạm.
Hình phạt bổ sung với người phạm tội trốn đóng BHXH bắt buộc có thể là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động có thẻ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng tùy theo trường hợp vi phạm.
HieuLuat vừa đưa các thông tin về đề xuất hành vi được coi là trốn đóng BHXH bắt buộc; nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.