Trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán từ ngày 01/7/2024 là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong cộng đồng ngành kế toán. Cùng tìm hiểu đó là những trường hợp nào?
Các trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán từ 01/7/2024
Căn cứ Điều 12 Thông tư 296/2016/TT-BTC, sửa đổi tại Thông tư 23/2024/TT-BTC, các trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán bao gồm:
Các trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán từ ngày 01/7/2024
- Kế toán viên có vi phạm về kiến thức chuyên môn, quy định chuẩn mực kế toán, đạo đức nghề nghiệp kế toán có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng/có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng.
- Không chấp hành quy định về kiểm tra/thanh tra về hoạt động hành nghề của kế toán theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Không thực hiện trách nhiệm của hành nghề kế toán theo Điều 67 của Luật Kế toán 2015.
- Kế toán viên không đáp ứng đầy đủ về số giờ phải thực hiện cập nhật kiến thức theo hàng năm khi hành nghề theo quy định của Bộ Tài chính.
- Kế toán viên vi phạm các quy định về trách nhiệm của mình, cụ thể như sau:
+ Sử dụng GCN đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã bị hết hạn/ hết hiệu lực/ không còn giá trị trong khi hành nghề, thực hiện các nghiệp vụ kế toán;
+ Không tuân thủ quy định về việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ tài chính theo định kỳ/ đột xuất về các hoạt động hành nghề của mình.
+ Không chấp hành các quy định của Bộ Tài chính về việc thanh tra/kiểm tra về các vấn đề liên quan đến việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
- Các trường hợp bị đình chỉ hành nghề khác theo quy định của pháp luật.
Chú ý:
- Trong thời gian bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán, các kế toán viên không được phép tiếp tục thực hiện các dịch vụ như làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác liên quan đến công tác kế toán.
- Sau khi kết thúc thời gian đình chỉ, nếu kế toán viên đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định và vẫn giữ được Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, họ có thể tiếp tục thực hiện công việc kế toán.
- Bộ Tài chính sẽ cập nhật tên của các kế toán viên đã được tái hành nghề vào danh sách công khai của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán ngay sau khi kết thúc thời gian đình chỉ.
Nguyên tắc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Nguyên tắc đăng ký hành nghề kế toán được căn cứ trên Điều 5 của Thông tư số 296/2016/TT-BTC:
Nguyên tắc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
- Nơi đăng ký hành nghề: Kế toán viên phải đăng ký hành nghề thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi họ có hợp đồng lao động làm toàn thời gian.
- Trách nhiệm về thông tin của kế toán viên:
+ Kế toán viên chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của thông tin khai báo trong hồ sơ đăng ký hành nghề.
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp/hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, cũng như các tổ chức/cá nhân có liên quan xác nhận thông tin, chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực/xác thực, chính xác của thông tin đã xác nhận.
- Văn bằng, chứng chỉ liên quan đến nghiệp vụ kế toán phải bằng tiếng Việt. Nếu văn bằng chứng chỉ là tiếng nước ngoài, thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng/ chứng thực theo quy định.
Có thể thấy, các nguyên tắc trên nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác và trung thực trong quá trình đăng ký hành nghề kế toán. Việc quy định rõ ràng nơi đăng ký và trách nhiệm về thông tin giúp quản lý hiệu quả hoạt động hành nghề và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ kế toán.
Hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán gồm có những gì?
Theo quy định của Điều 3 Thông tư 296/2016/TT-BTC, được sửa đổi bởi Thông tư 23/2024/TT-BTC, từ ngày 01/7/2024, hồ sơ đăng ký hành nghề kế toán sẽ bao gồm các hồ sơ tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán theo mẫu quy định.
- Bản sao hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán/ hộ kinh doanh dịch vụ kế toán (nếu không thuộc đối tượng không cần phải có hợp đồng lao động theo pháp luật về lao động).
- Bản sao chứng chỉ kế toán viên/ kiểm toán viên. Nếu chứng chỉ đã được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác, Bộ Tài chính sẽ sử dụng thông tin từ các hệ thống này.
- Giấy xác nhận về thời gian thực tế của người đăng ký đã thực hiện các công tác tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc các tài liệu tương đương chứng minh cho nội dung này.
- Hai (02) ảnh màu cỡ 3x4cm, chụp trên nền trắng không quá sáu (06) tháng tính từ ngày nộp hồ sơ.
- Bản sao Quyết định thôi việc/ Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi làm việc trước khi đăng ký hành nghề (nếu có).
- Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của người nước ngoài (trừ trường hợp không cần giấy phép lao động).
- Tài liệu chứng minh việc cập nhật kiến thức tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán (đối với trường hợp cần cập nhật kiến thức).
- Tài liệu chứng minh việc nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, trừ trường hợp đã nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Trên đây là nội dung gửi đến bạn đọc về các trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán từ ngày 01/7/2024.
Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số 19006192 để được hỗ trợ