hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 10/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Trường hợp nào cán bộ bị miễn nhiệm, từ chức?

Từ ngày 03/11/2021, Quy định 41-QĐ/TW 2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có hiệu lực. Trường hợp nào cán bộ bị miễn nhiệm, từ chức theo quy định này?

Trường hợp nào cán bộ được miễn nhiệm?

Theo Quy định 41:

Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Theo Điều 5 Quy định này, nếu cán bộ thuộc một trong các trường hợp sau sẽ xem xét miễn nhiệm cán bộ đó:

- Bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.

- Bị kỷ luật với hình thức khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

-  Tại kỳ lấy phiếu theo quy định có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp.

- Có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

- Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

- Vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

truong hop can bo bi mien nhiem 
Có đến 6 trường hợp cán bộ bị miễn nhiệm (Ảnh minh họa)

Trường hợp nào cán bộ được xem xét cho từ chức?

Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm, đồng thời, được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Cũng theo Quy định 41, trong những trường hợp sau mà cán bộ xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét cho cán bộ từ chức:

- Cán  bộ hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Cán bộ để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

- Cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

- Vì lý do chính đáng khác của cá nhân cán bộ đó.

Ngoài ra, có thể xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi người này để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Nếu thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị xem xét cho miễn nhiệm, từ chức:

- Để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

- Dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

- Để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Nếu sau khi từ chức mà cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp. Trong quá trình công tác này, nếu được đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Trên đây là các trường hợp cán bộ bị miễn nhiệm, từ chức từ ngày 03/11/2021. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Độ tuổi bổ nhiệm cán bộ lần đầu và thời hạn giữ chức vụ thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X