ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- Số: 03/CT-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ ĐỔI MỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI
CÔNG TÁC DÂN VẬN TRÊN ĐỊA BÀN THỦ ĐÔ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Công tác dân vận của chính quyền nhà nước là một trong những nội dung quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hơn 10 năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền ở Thủ đô đã từng bước coi trọng công tác dân vận, hưởng ứng chủ trương “Năm dân vận của chính quyền”, phong trào thi đua” Dân vận khéo”, tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, công tác dân vận của các cấp chính quyền trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó: việc quán triệt các quan điểm của Đảng về công tác dân vận của một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục. Không ít cán bộ, công chức chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí công tác dân vận chính quyền trong thời kỳ mới. Việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác quần chúng, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có lúc chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền Thành phố.
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ; Nghiên cứu, quán triệt và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 15/7/2013 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định 2034-QĐ/TU ngày 11/6/2010 của Ban Thường vụ Thành ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về công tác dân vận, thực hiện phong cách dân vận là: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” trong đội ngũ cán bộ công chức.
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt cải cách hành chính theo hướng trong sạch, minh bạch, hiện đại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của nhân dân; Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở theo Quyết định số 5043/QĐ-UBND ngày 02/11/2012 của UBND thành phố ban hành Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2016. Thực hiện nghiêm các Quy chế dân chủ ở cơ sở.
3. Thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở.
4. Thường xuyên phối hợp với Ban Dân vận của cấp ủy cùng cấp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Pháp luật về dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận của chính quyền; định kỳ tập huấn nghiệp vụ về công tác dân vận chính quyền, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ công chức các cấp. Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
5. Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới, báo Kinh tế đô thị, Cổng giao tiếp điện tử Thành phố, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố xây dựng chuyên đề về công tác dân vận và chính quyền làm công tác dân vận; thông tin kịp thời và tuyên truyền về công tác dân vận chính quyền, biểu dương các cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân vận chính quyền thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
6. Hằng năm, các đơn vị phải tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể; trên cơ sở triển khai thực hiện, tiến hành sơ kết đánh giá kết quả công tác dân vận chính quyền và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm tiếp theo và duy trì thường xuyên chế độ thông tin báo cáo kết quả 6 tháng, 1 năm.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của chỉ thị này; đề xuất hình thức biểu dương khen thưởng đối với những tập thể và cá nhân tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng Kế hoạch cụ thể và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp (qua Sở Nội vụ), báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện./.
Nơi nhận: - Thường trực: TU, HĐND TP; - Chủ tịch UBND TP; - Các PCT UBND TP; - Các Ban Đảng Thành ủy; - VP đoàn ĐBQH&HĐND TP; - MTTQ và các đoàn thể chính trị TP; - Các Sở, ban, ngành; - UBND các quận, huyện, thị xã; (để thực hiện) - VPUB: CVP, PVP, các phòng CV; (để đôn đốc và phối hợp thực hiện) - Lưu: VT, SNV (3 bản) | CHỦ TỊCH Nguyễn Thế Thảo |