ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ---------------------- Số: 08/2011/CT-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 03 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP
NGÀY 24 THÁNG 02 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU TẬP TRUNG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ,
BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC CHỈ TIÊU
KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ NĂM 2011
----------------------------------------
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, các Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2011 về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011 với quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2011 ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã tác động đến tình hình giá cả các nguyên liệu, vật tư chủ yếu… ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và thành phố.
Để thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, khẩn trương Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau:
1. Các ngành; các cấp, các Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng:
1.1. Giao Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan:
a) Triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá, lãi suất, huy động vốn, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối…; xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn hoạt động các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
b) Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, lộ trình giảm lãi suất huy động và cho vay trong hệ thống ngân hàng, ổn định tỷ giá ngoại hối và bảo đảm cung ứng ngoại tệ đủ, kịp thời cho nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng, nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát hiệu quả; góp phần ổn định tình hình sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân.
1.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, Công an thành phố, lực lượng quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
a) Thống kê, rà soát tất cả các điểm thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng trên từng địa bàn, báo cáo tình hình hoạt động thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng trong thời gian qua và xây dựng kế hoạch điều hành, quản lý chặt chẽ tỷ giá ngoại hối, thị trường ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian tới, trước mắt đến hết năm 2011 nhằm bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, đưa các hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng trên địa bàn thành phố đi vào ổn định và đúng theo quy định của Nhà nước.
b) Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về hoạt động thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, kể cả việc đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, thu tài sản đối với đơn vị, cơ sở cố tình vi phạm.
1.3. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc thành phố phải thực hiện nghiêm túc chủ trương tăng cường quản lý ngoại hối của Chính phủ, bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua lại khi có nhu cầu hợp lý, bảo đảm tính thanh khoản ngoại tệ, góp phần bình ổn tỷ giá.
2. Tăng cường công tác quản lý và điều hành có hiệu quả ngân sách thành phố, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách:
2.1. Tập trung huy động và quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách thành phố để đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển:
a) Giao Sở Tài chính chủ trì:
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất; báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện tăng thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố.
- Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 107/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về đơn giá thuê đất trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; sửa đổi, bổ sung Quy định về quy trình và phương pháp thẩm định giá bán bất động sản thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 281/2003/QĐ-UB ngày 01 tháng 12 năm 2003 để tiếp tục đơn giản quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt giá khởi điểm để sớm đưa các khu đất ra đấu giá quyền sử dụng đất.
- Phối hợp với Kho bạc Nhà nước thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả việc thu hồi các khoản nợ tạm ứng ngân sách; có văn bản chỉ đạo các Phòng Tài chính Kế hoạch, Kho bạc Nhà nước các quận - huyện nhằm quán triệt, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Hàng tháng có báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về tiến độ và kết quả thực hiện.
- Phối hợp các ngành chức năng hoàn chỉnh Tờ trình Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Quỹ phát triển đất, Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất thành phố để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án.
- Giao Ban Chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) hướng dẫn và phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục khi thực hiện việc bán tài sản là nhà, đất và chuyển quyền sử dụng đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các dự án cấp bách của quận - huyện và thành phố.
b) Giao Cục Thuế và Hải quan thành phố phối hợp các ngành, các cấp:
- Tập trung triển khai các biện pháp khai thác, quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước; phấn đấu thu ngân sách năm 2011 đạt và vượt tối thiểu 7% so với dự toán ngân sách đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.
- Kiểm tra, rà soát các giải pháp triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tại Công văn số 349/UBND-TM ngày 25 tháng 01 năm 2011, khẩn trương xây dựng ngay các giải pháp đồng bộ triển khai trong ngành thuế; trong đó lưu ý việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; không để phát sinh số nợ thuế khó đòi mới trong năm 2011; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, thông qua trong quý I năm 2011.
2.2. Rà soát lại nhiệm vụ chi ngân sách năm 2011 phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:
a) Giao các lãnh đạo sở - ban - ngành, quận - huyện, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách:
- Thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách được giao theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu đã ban hành, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí. Không sử dụng ngân sách để trang bị mới xe ô-tô, máy điều hòa nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng, phương tiện tài sản có có giá trị lớn; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,...; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách; tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước...
- Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ của trung ương và thành phố; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Giao Sở Tài chính:
- Khẩn trương rà soát lại việc bố trí ngân sách năm 2011, đề xuất giải pháp tiết kiệm chi ngân sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xác định cụ thể các ngành, lĩnh vực cần tập trung thực hành tiết kiệm, số tiết kiệm, lộ trình thực hiện...; trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định trước ngày 15 tháng 3 năm 2011 để gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 3 năm 2011.
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo dõi, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư của các xã thực hiện thí điểm chương trình nông thôn mới; tiến độ triển khai các dự án đầu tư theo chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố.
- Triển khai kế hoạch thanh tra ngân sách năm 2011, tập trung công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu ngân sách và mua sắm, quản lý tài sản công của các cơ quan, đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm”.
2.3. Điều hành chặt chẽ và linh hoạt vốn ngân sách thành phố chi cho đầu tư xây dựng cơ bản:
a) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố thực hiện:
- Không giải quyết tạm ứng kế hoạch vốn năm 2012 từ ngân sách thành phố cho các dự án đầu tư, trừ dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách và quốc phòng an ninh. Không kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trong năm 2011, kiên quyết thu hồi để bố trí vốn cho các dự án, công trình hoàn thành trong năm 2011. Không khởi công các công trình, dự án mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát tiến độ thi công, giải ngân của các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách và có tính chất ngân sách trên địa bàn thành phố để đề xuất kế hoạch điều hòa vốn; kiên quyết dừng các công trình đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trãi, chưa cần thiết, tập trung vốn cho các dự án chuyển tiếp, các công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011 để phát huy hiệu quả đầu tư và hiệu quả xã hội, góp phần tích cực trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.
- Chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011; thiết lập danh mục các công trình, dự án dừng, đình hoãn, giảm tiến độ thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để chuẩn bị làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 3 năm 2011.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án trọng điểm, cấp bách của thành phố; rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc khi triển khai thực hiện Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để đẩy mạnh hình thức đầu tư này trên địa bàn thành phố, góp phần giảm áp lực cho ngân sách thành phố, nâng cao hiệu quả đầu tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.
b) Giao Thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc thành phố rà soát lại tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trong phạm vi quản lý có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; xây dựng kế hoạch điều chỉnh vốn, tập trung vốn cho các dự án đầu tư vào những công trình cấp bách, hoàn thành trong năm 2011, những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính của doanh nghiệp, sắp xếp lại danh mục đầu tư để có kế hoạch cân đối vốn cho phù hợp khả năng đầu tư, báo cáo danh mục về Sở Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 3 năm 2011 để tổng hợp báo cáo trình Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2011.
3. Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định tâm lý xã hội:
3.1. Giao Sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố khẩn trương xây dựng Chương trình tiếp xúc với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm lắng nghe và giải quyết theo thẩm quyền đối với những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
- Tham mưu kịp thời Ủy ban nhân dân thành phố có kiến nghị với Bộ ngành Trung ương, Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc vay vốn nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần bình ổn thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.
- Tổ chức thực hiện tốt Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư năm 2011, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Tập trung thúc đẩy chương trình xuất khẩu, giảm nhập khẩu nhất là hàng tiêu dùng, xa xỉ.
- Tiến hành tổng kết Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố thời gian qua và triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố cả năm 2011 và Tết Nhâm Thìn năm 2012 vào cuối tháng 3 năm 2011.
- Chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Điện lực thành phố và các ngành chức năng khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc tiết kiệm sử dụng điện, phân bổ hợp lý để bảo đảm đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động nắm bắt thông tin và dự báo chính xác tình hình biến động cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu: gạo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sữa, thuốc chữa bệnh... để có kế hoạch dự trữ, đối phó kịp thời, không để xảy ra tình trạng biến động giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường.
3.2. Giao Sở Tài chính:
- Rà soát danh mục các mặt bằng, địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí để đề xuất đưa vào triển khai quy hoạch phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
- Chủ động, kịp thời nắm thông tin thị trường về giá; tiếp tục củng cố mạng lưới thu thập thông tin (tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ và một số tụ điểm), phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo giá cả thị trường, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu thuộc danh mục hàng hóa chương trình bình ổn giá của thành phố. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu quan trọng là đầu vào của nền kinh tế; đề xuất, kiến nghị kịp thời với Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tài chính các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục triển khai công tác đăng ký giá, kê khai giá theo Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2010 của Bộ Tài chính; công khai thông tin về giá đối với danh mục các nhóm mặt hàng thuộc diện bình ổn giá và các nhóm mặt hàng, dịch vụ do nhà nước định giá.
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận huyện và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kiểm tra chuyên đề từng ngành hàng, mặt hàng; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống, nơi mua bán tập trung, các cửa hàng, đại lý, siêu thị tham gia chương trình bình ổn giá; kiểm tra các doanh nghiệp đã đăng ký, kê khai giá theo Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2010 của Bộ Tài chính; đặc biệt là đối với 4 mặt hàng: gạo, xăng dầu, sữa, thuốc chữa bệnh”.
3.3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung vốn đầu tư để thực hiện chương trình nông nghiệp, nông thôn, nông dân; triển khai nhanh và phấn đầu hoàn thành trong năm 2011 các dự án đầu tư xây dựng các xã nông thôn mới.
3.4. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND về thực hiện các dự án đầu tư trong nước thuộc Chương trình kích cầu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
3.5. Giao Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực để thẩm định, bảo lãnh vay vốn ngân hàng các dự án khả thi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng dẫn hoàn chỉnh các hồ sơ pháp lý đảm bảo các thủ tục để các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh
3.6. Giao Công ty Đầu tư tài chính nhà nước: tăng cường việc huy động nguồn vốn trong và ngoài nước bên cạnh việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hiện có, góp phần đảm bảo nguồn vốn đầu tư trên địa bàn thành phố.
3.7. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Công Thương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh (những mặt hàng thuốc sản xuất trong nước); đánh giá tình hình, nhu cầu sử dụng, đối tượng tham gia, chủng loại thuốc, phương thức thực hiện, gửi Sở Công Thương bổ sung vào Chương trình bình ổn giá năm 2011, trình Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 3 năm 2011.
3.8. Giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh chính sách hỗ trợ giá vé xe buýt để bảo đảm hoạt động xe buýt bình thường, liên tục, không bị gián đoạn, phục vụ tốt nhất việc đi lại của nhân dân, nhất là sinh viên, học sinh, công nhân và người lao động.
3.9. Các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc thành phố căn cứ tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa, tập trung vào các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, kinh doanh, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm giá thành hợp lý, cùng chia sẽ khó khăn đối với người tiêu dùng.
4. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội và ổn định thị trường:
4.1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đã được xác định theo Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện rà soát nắm danh sách để có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; không để họ gặp khó khăn hơn do tác động của việc tăng giá điện, xăng dầu; đảm bảo các đối tượng hộ nghèo nhận hỗ trợ khi giá điện điều chỉnh tăng theo chủ trương của Chính phủ được đầy đủ và kịp thời.
4.2. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp nhằm tạo điều kiện và mở rộng khả năng tiếp cận vay vốn tín dụng đối với người nghèo, khu vực nông nghiệp, xuất khẩu.
4.3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện việc bố trí ngân sách thành phố hỗ trợ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Thông tư số 96/2009/TT-BTC ngày 20 tháng 5 năm 2009 hướng dẫn chế độ tài chính đối với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên theo Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2009 giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế.
4.4. Giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp phối hợp Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có nhiều khu lưu trú, nhà lưu trú công nhân tổ chức khảo sát, nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ giá điện cho công nhân lao động nghèo.
5. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nội bộ và ngoài xã hội về chủ trương tiết kiệm, góp phần kiềm chế lạm phát:
5.1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các các cơ quan thông tấn, báo chí quán triệt đến từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên của cơ quan mình phụ trách về Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch thông tin tuyên truyền của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 23 tháng 02 năm 2011. Các nội dung thông tin trên báo phải phản ánh trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách; đặc biệt là về chủ trương điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá của các ngành chức năng; định hướng để nhân dân hiểu, đồng tình với chủ trương của Chính phủ, nhận thức đúng ý nghĩa của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị này. Tuyên truyền có hiệu quả các phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, tăng cường tiết kiệm năng lượng.
5.2. Các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, thiếu chính xác, phao tin đồn nhảm, đưa tin thất thiệt gây mất ổn định xã hội.
5.3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các sở - ngành, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thực hiện tốt công tác tư tưởng thông qua việc tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức đúng, hiểu rõ, tham gia tích cực, thiết thực, tạo đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị này; tham gia giám sát các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ; tổ chức cuộc vận động thực hiện tiết kiệm trong nội bộ và toàn xã hội, từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình trên các lĩnh vực để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân.
6. Về tổ chức thực hiện:
6.1. Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty và doanh nghiệp nhà nước thành phố:
a) Tổ chức quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác tại cơ quan, đơn vị về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và những giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Kết luận của Thành ủy; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố và các Quyết định về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố, Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2011 và Chỉ thị này; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt 22 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường; nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nghị quyết năm 2011 của thành phố.
b) Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu cụ thể kế hoạch thực hiện nghiêm túc và triệt để nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị này, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành ngay trong tháng 3 năm 2011.
c) Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội thành phố 2 tháng đầu năm 2011, các nội dung của Chỉ thị này, tổ chức rà soát các chỉ tiêu chủ yếu của ngành, đơn vị; phân tích đánh giá những mặt làm được, những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể hàng tháng, quý và tập trung chỉ đạo điều hành, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương đã đề ra.
6.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố và Chỉ thị này; tổng hợp báo cáo hàng tháng, quý; trình Ủy ban nhân dân thành phố vào ngày 15 mỗi tháng đối với báo cáo tháng và ngày 15 của tháng cuối quý đối với báo cáo quý; tổng hợp báo cáo tổng kết đánh giá trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, thông qua trước ngày 10 tháng 12 năm 2011 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Lê Hoàng Quân |