THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 35/CT-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG
Công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc bảo vệ, sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững, gắn với huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác công trình nước sạch là rất cần thiết.
Công tác quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, Nhà nước từng bước nắm được số lượng, chất lượng, hiện trạng sử dụng, tình hình biến động của công trình để phục vụ công tác đầu tư, quản lý, khai thác, xác lập hồ sơ công trình và chủ thể được giao quản lý công trình, bước đầu xã hội hóa việc đầu tư, vận hành công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn một số hạn chế như: một số công trình chưa được quyết toán hoặc hồ sơ quyết toán chưa đảm bảo yêu cầu, nguồn vốn đầu tư đa dạng từ nhiều chương trình, chia thành nhiều giai đoạn nên việc thiết lập hồ sơ ban đầu ở một số địa phương khó khăn; việc xác định giá trị công trình khi giao cho doanh nghiệp chưa được tính toán, giao theo giá trị còn lại thực tế, cơ chế cho doanh nghiệp nhận nợ chưa rõ ràng nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong việc nhận chuyển giao công trình; việc theo dõi, hạch toán, tính khấu hao công trình chưa được quan tâm đúng mức, chưa tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất vào giá thành nước sạch; phối hợp giữa các cơ quan liên quan địa phương trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thiếu chặt chẽ, một số địa phương chưa thực sự sát sao trong phối hợp quản lý công trình.
Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp rà soát, đánh giá việc thực hiện giao công trình nước sạch nông thôn tập trung, cơ chế hỗ trợ bù giá nước sạch nông thôn theo quy định tại Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính, xác định cụ thể:
a) Các công trình đã giao đang hoạt động có hiệu quả, tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng khai thác;
b) Các công trình chưa được giao cho đối tượng quản lý hoặc giao quản lý, vận hành chưa hiệu quả, tổ chức thực hiện đánh giá, xác định giá trị còn lại thực tế của từng công trình gắn với thời gian sử dụng thực tế; thời hạn đánh giá giá trị còn lại thực tế của từng công trình và giao cho đơn vị quản lý, vận hành chậm nhất đến 30 tháng 6 năm 2017.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh chính sách bàn giao công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo hướng:
a) Các công trình sau khi rà soát, đánh giá xác định tại điểm b Mục 1 của Chỉ thị này được giao cho đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành công trình theo quy định; thực hiện giao theo nhóm công trình trong một vùng, khu vực (xã, liên xã, huyện) theo quy hoạch, không giao riêng lẻ công trình thuận lợi có ưu thế khai thác. Thứ tự ưu tiên giao quản lý, vận hành công trình như sau: Giao cho doanh nghiệp; giao cho đơn vị sự nghiệp công lập; giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
b) Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đối tượng giao quản lý, khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước về cấp bù giá nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức giao công trình, cụ thể:
- Việc giao công trình cho đơn vị sự nghiệp công lập, cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo hình thức thỏa thuận hoặc đặt hàng.
- Việc giao công trình cho doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Doanh nghiệp trúng thầu sẽ thực hiện thanh toán giá trị công trình quy định tại điểm b Mục 1 Chỉ thị này ngay khi nhận bàn giao hoặc thanh toán dần tương ứng với thời gian sử dụng còn lại thực tế của công trình (các nội dung cụ thể này là điều kiện đưa vào Hồ sơ thầu và Hợp đồng giao công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung).
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế cân đối ngân sách địa phương quyết định cấp bù từ Ngân sách địa phương hoặc nguồn Chương trình mục tiêu (nếu có) trong trường hợp giá bán nước sạch nông thôn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn giá thành được tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cấp nước (thông qua số lượng m3 nước sạch tiêu thụ của doanh nghiệp).
3. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn theo phạm vi trách nhiệm của mình, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và trường học tổ chức phổ biến, giáo dục, hướng dẫn nhân dân, học sinh tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, PL, KTTH, KGVX, Công báo; - Lưu: VT., NN (3b). Tuynh | THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc |