hieuluat

Công văn 3461/LĐTBXH-BTXH điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:3461/LĐTBXH-BTXHNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Trọng Đàm
    Ngày ban hành:14/10/2011Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:14/10/2011Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
    -----------------
    Số: 3461/LĐTBXH-BTXH
    V/v: Điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -----------------
    Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2011
     
     
    Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
     
    Thực hiện Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21 tháng 09 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 như sau:
    1. Mục đích điều tra, rà soát:
    1.1. Xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến thời điểm cuối năm 2011, để làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2012;
    1.2. Đây là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
    2. Đối tượng, phạm vi điều tra, rà soát: toàn bộ hộ gia đình trên phạm vi cả nước.
    3. Phương pháp điều tra, rà soát: kết hợp các phương pháp nhận dạng nhanh, điều tra định lượng, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân.
    4. Tiêu chí rà soát: thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.
    5. Quy trình điều tra, rà soát tiến hành theo các bước sau:
    Bước 1. Công tác chuẩn bị điều tra, rà soát:
    a) Tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 trên các phương tiện truyền thông;
    b) Thành lập Ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn;
    c) Xây dựng phương án, kế hoạch, lực lượng, kinh phí tổ chức điều tra, rà soát;
    d) Tập huấn quy trình, công cụ cho các điều tra viên;
    Bước 2. Chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo;
    a) Xác định, lập danh sách các hộ thuộc diện điều tra, rà soát
    a1) Xác định các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, cận nghèo trong năm 2011:
    - Ban chỉ đạo cấp xã: tổ chức họp với các chi hội đoàn thể, trưởng thôn/ấp, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong năm để phát hiện những hộ kinh tế suy giảm hoặc gặp những biến cố có khả năng rơi xuống hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới di chuyển đến trong năm để đưa vào diện điều tra, rà soát.
    - Sử dụng công cụ nhận dạng nhanh về tình trạng tài sản (sản xuất và sinh hoạt của hộ gia đình) để xác định chắc chắn hộ không nghèo, cận nghèo (Phụ lục số 1).
    - Xem xét tình trạng tài sản của hộ gia đình thông qua số lượng và chấm điểm tài sản (Phụ lục số 3, 4):
    + Nếu có số điểm lớn hơn hoặc bằng số điểm quy định, thuộc diện hộ không nghèo, không cần điều tra thu nhập;
    + Nếu tài sản hộ gia đình có số điểm nhỏ hơn điểm quy định, điều tra viên tiến hành điều tra thu nhập của hộ gia đình (Phiếu B).
    Kết quả: xác định và lập danh sách sơ bộ các hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo.
    a2) Xác định các hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo:
    Điều tra viên hướng dẫn hộ gia đình đánh giá về khả năng thoát nghèo, cận nghèo căn cứ vào các yếu tố có nguy cơ nghèo (Phụ lục số 2).
    - Trường hợp có số yếu tố nguy cơ lớn hơn hoặc bằng số yếu tố quy định theo từng vùng, là hộ chắc chắn chưa thoát nghèo, không cần điều tra thu nhập;
    - Trường hợp có số nguy cơ nhỏ hơn số yếu tố quy định, là hộ có khả năng thoát nghèo, điều tra viên tiến hành điều tra thu nhập của hộ gia đình (Phiếu B).
    Kết quả: xác định, lập được danh sách sơ bộ các hộ có khả năng thoát nghèo.
    a3) Tổng hợp toàn bộ danh sách hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo và danh sách hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo thành danh sách hộ thuộc diện điều tra, rà soát thu nhập trên địa bàn.
    b) Tổ chức điều tra thu nhập hộ gia đình (Phiếu B)
    b1) Những điểm cần lưu ý:
    - Chỉ tính thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng qua;
    - Không tính khoản trợ cấp an sinh xã hội từ ngân sách Nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình (như trợ cấp xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2009/NĐ-CP; trợ cấp tiền điện; trợ cấp khó khăn đột xuất).
    b2) Kết quả điều tra, rà soát
    - Đối với những hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo sau khi điều tra, lập thành 02 danh sách:
    + Danh sách 1: gồm các hộ có thu nhập dưới chuẩn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí quy định (để tổ chức bình xét).
    + Danh sách 2: gồm các hộ có thu nhập dưới chuẩn hộ nghèo, cận nghèo đã được cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 theo công bố của Tổng cục Thống kê (để báo cáo).
    - Đối với những hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo sau khi điều tra, lập thành 02 danh sách:
    + Danh sách 1: gồm các hộ có thu nhập cao hơn chuẩn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí quy định (để tổ chức bình xét).
    + Danh sách 2: gồm các hộ có thu nhập cao hơn chuẩn hộ nghèo, cận nghèo đã được cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 theo công bố của Tổng cục Thống kê (để báo cáo).
    b3) Niêm yết công khai danh sách hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo; hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo theo tiêu chí hiện hành tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, ấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng từ 3-5 ngày. Trường hợp hộ gia đình khiếu nại do không được điều tra, rà soát thu nhập, Ban chỉ đạo cấp xã cần tiến hành điều tra, rà soát bổ sung (Phiếu B), nếu thu nhập của hộ gia đình dưới mức chuẩn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí quy định được tổng hợp vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo sơ bộ để tổ chức bình xét.
    Bước 3. Tổ chức bình xét ở thôn/ấp, tổ dân cư
    a) Chủ trì Hội nghị là Trưởng thôn/ấp, tổ dân cư; tham dự hội nghị gồm đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ giảm nghèo, bí thư chi bộ, chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thôn/ấp; các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét; đại diện các hộ gia đình trong thôn/ấp, tổ dân cư (hội nghị phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự).
    b) Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín); kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách đề nghị: hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới.
    c) Kết quả bình xét phải được ghi vào biên bản; biên bản và danh sách hộ nghèo, cận nghèo qua bình xét được lập thành 02 bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký cuộc họp: 01 bản lưu ở thôn/ấp, tổ dân cư; 01 bản gửi ban chỉ đạo cấp xã (theo mẫu biên bản hướng dẫn).
    6. Trách nhiệm của các cấp:
    6.1. Cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã lập ban chỉ đạo để trực tiếp thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn (gọi tắt là Ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo cấp xã có nhiệm vụ:
    a) Phổ biến, tuyên truyền mục đích, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo;
    b) Tổ chức lực lượng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và tổ chức bình xét dân chủ, công khai tại cộng đồng dân cư (thôn/ấp, tổ dân cư);
    c) Đề nghị Ban chỉ đạo cấp huyện phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; trình Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận hộ nghèo, cận nghèo mới;
    d) Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm.
    6.2. Cấp huyện (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội):
    a) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện kế hoạch điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn;
    b) Tổ chức tập huấn cho những người trực tiếp tham gia điều tra, rà soát (tổ chức tập trung theo đơn vị hành chính với huyện có ít xã, hoặc theo cụm xã nếu huyện có nhiều xã);
    c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn;
    d) Tổ chức thẩm định kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã gửi lên; trường hợp thấy kết quả rà soát chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tổ chức phúc tra lại trước khi phê duyệt kết quả rà soát;
    đ) Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới trên địa bàn huyện; thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để công nhận và báo cáo Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh.
    e) Cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm.
    6.3. Cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội):
    a) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch tổ chức điều tra, rà soát; thống nhất mẫu biểu thực hiện trên địa bàn;
    b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cho cấp huyện;
    c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn;
    d) Kết quả, phúc tra kết quả điều tra, rà soát;
    đ) Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn; báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, công nhận.
    e) Cập nhật kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm.
    7. Về thời gian:
    7.1. Trước ngày 15 tháng 11 năm 2011, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo sơ bộ kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo;
    7.2. Trước ngày 30 tháng 11 năm 2011, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo chính thức kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 trên địa bàn về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp (Phụ lục số 8).
    8. Kinh phí: tổ chức điều tra, rà soát và cập nhật cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn do ngân sách địa phương bố trí theo chế độ tài chính hiện hành.
    9. Lưu ý: các địa phương có thể vận dụng các tiêu chí đánh giá về tài sản cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể trên địa bàn.
    Trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện có vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, bổ sung và hướng dẫn kịp thời.
    (Đề nghị các địa phương truy cập trang website theo địa chỉ: http://giamngheo.molisa.gov.vn để tải bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011)
     

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
    - Bộ trưởng (để b/c);
    - Các Bộ: KHĐT, TC;
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Tổng cục Thống kê;
    - Sở LĐTBXH các tỉnh, tp trực thuộc Trung ương;
    - Vụ KHTC, Viện KHLĐ (Bộ LĐTBXH);
    - Lưu: VT, Cục BTXH.
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Nguyễn Trọng Đàm
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X