hieuluat

Kế hoạch 97/KH-UBND Hà Nội thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân TP. Hà NộiSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:97/KH-UBNDNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Kế hoạchNgười ký:Ngô Văn Quý
    Ngày ban hành:07/05/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:07/05/2020Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Chính sách
  • ỦY BAN NHÂN DÂN

    THÀNH PHỐ HÀ NỘI

    _________

    Số: 97/KH-UBND

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ________________________

    Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2020

     

     

     

    KẾ HOẠCH

    Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

    __________________

     

    Thực hiện Luật Trẻ em; Thông tư số 28/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tổ chức Tháng hành động vì trẻ em; Công văn số 666/LĐTBXH-TE ngày 27/02/2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em năm 2020 và tình hình thực tế của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Thành phố, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:

    I. Mục đích - yêu cầu

    1. Mục đích

    - Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

    - Thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cả cộng đồng thực hiện các quyền trẻ em, chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức.

    - Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển toàn diện.

    2. Yêu cầu

    - Các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức thiết thực, phù hợp điều kiện của từng địa phương, đơn vị và các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

    - 100% UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020.

    - 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, trẻ em vùng dân tộc, vùng khó khăn được quan tâm, hỗ trợ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

    - UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng hoặc nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em ở ít nhất 05 điểm vui chơi tại cộng đồng (ưu tiên cho các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

    II. Chủ đề và nội dung Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

    1. Chủ đề:Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”

    2. Thông điệp, khẩu hiệu truyền thông

    - Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động;

    - Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;

    - Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau;

    - Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em;

    - An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ;

    - Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em.

    3. Thời gian thực hiện: từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2020.

    4. Nội dung thực hiện

    a. Ban hành Kế hoạch và phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

    - Cấp Thành phố: trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 và không tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp Thành phố.

    - Cấp quận, huyện, thị xã: xây dựng Kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

    b. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động xã hội

    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, tập trung các quy định của Luật Trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật hình sự, xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống bạo lực gia đình, ...

    - Truyền thông, tư vấn, cung cấp kiến thức kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 khi trẻ em đang học trực tuyến.

    - Tuyên truyền về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phóng sự, video clip, áp phích, băng rôn, tờ rơi...

    - Tăng cường truyền thông về số điện thoại của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội - 024.3525.662 và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu cần trợ giúp, bảo vệ trẻ em.

    c. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, trợ giúp kịp thời. Tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn, đồng thời xem xét kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp trẻ em... trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

    d. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em:

    - Tổ chức các hoạt động bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, trình bày quan điểm, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, cung cấp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ, nhất là kiến thức phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống dịch bệnh Covid-19,...

    - Triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 36/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

    e. Hoạt động chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em:

    - Tổ chức các hoạt động hỗ trợ khám, chữa bệnh; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh theo quy định.

    - Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập, trao học bổng... cho trẻ em có thành tích trong học tập và rèn luyện, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số...

    f. Tổ chức dạy học, hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh:

    - Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em và người chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương cũng như tình hình thực tế và chỉ đạo của Thành phố đảm bảo việc dạy học hiệu quả, an toàn theo quy định. Đồng thời phối hợp bàn giao, tiếp nhận trẻ em trong thời gian trẻ em không học tập tại trường nhằm quản lý chặt chẽ đảm bảo an toàn cho trẻ, giảm tối đa tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước.

    - Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu... với nội dung bổ ích, hình thức phong phú, phù hợp với nhu cầu của trẻ và tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 cũng như thực tế của địa phương/đơn vị.

    g. Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; Đầu tư xây dựng các cộng trình phúc lợi, cơ sở vật chất hoặc nâng cấp các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, bể bơi, trang thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng.

    h. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020. Biểu dương, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia và có nhiều thành tích nổi bật trong Tháng hành động vì trẻ em. Đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc triển khai, thực hiện Tháng hành động vì trẻ em để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện những năm tiếp theo.

    III. Tổ chức thực hiện

    1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

    - Là cơ quan thường trực tham mưu UBND Thành phố triển khai, hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020.

    - Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí của Trung ương và Thành phố tuyên truyền chủ đề, thông điệp Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, các nội dung bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

    - Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số vượt khó vươn lên trong cuộc sống và học tập, trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong Tháng hành động vì trẻ em.

    - Kiểm tra, tổng hợp, đánh giá kết quả Tháng hành động vì trẻ em, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định.

    2. Sở Giáo dục và Đào tạo

    - Tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

    - Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường như câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng.

    - Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động các loại hình cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học như điểm tư vấn, tham vấn học đường...

    - Thường xuyên kiểm tra, rà soát các biện pháp bảo đảm quy định về trường học an toàn, phòng ngừa bạo lực và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, điểm trông giữ trẻ tư nhân và các phương tiện giao thông đưa đón học sinh của nhà trường; Phát hiện, xử lý nghiêm minh cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vi phạm các quyền trẻ em và can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trong nhà trường.

    3. Sở Văn hoá và Thể thao

    - Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở và các đơn vị trực thuộc quản lý, sử dụng hiệu quả các điểm vui chơi tại cộng đồng, tổ chức dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em phòng tránh đuối nước (theo tình hình thực tế dịch bệnh tại địa phương, quy định ưu tiên thời gian, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, thời lượng sử dụng cho đối tượng trẻ em).

    - Tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các điểm dịch vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, các cơ sở kinh doanh đồ chơi, văn hóa phẩm độc hại, gây nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển lành mạnh về tinh thần cho trẻ em.

    4. Sở Y tế

    - Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa, ngăn chặn các dịch bệnh lây lan trong mùa hè, đặc biệt tuyên truyền cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em cách phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả các chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, quan tâm đến trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em khuyết tật, trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo hoặc phải điều trị dài ngày, trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Tăng cường chỉ đạo các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em tại cộng đồng nhằm xây dựng Cộng đồng an toàn cho trẻ em.

    - Xây dựng phương án tổ chức hiệu quả, an toàn chiến dịch Ngày vi chất dinh dưỡng cho trẻ em phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

    - Thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

    5. Sở Thông tin và Truyền thông

    Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đồng thời tăng cường nội dung thông tin phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí cho trẻ em trong những ngày trẻ em được nghỉ học và tăng cường phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và kỹ năng bảo vệ trẻ em...

    6. Công an Thành phố

    - Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền trẻ em đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trẻ em vi phạm pháp luật; Xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vụ việc liên quan đến vi phạm quyền trẻ em, bạo hành, xâm hại trẻ em theo thẩm quyền.

    - Chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, quản lý vũ khí, pháo và vật liệu nổ; Thực hiện kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn.

    - Quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về tai nạn thương tích trẻ em liên quan đến tai nạn giao thông, bỏng/cháy, vật liệu nổ và các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em.

    7. Các Sở, ban, ngành Thành phố

    Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch cụ thể với những nội dung thiết thực cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em.

    8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội

    Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thành viên hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; thực hiện trách nhiệm giám sát về thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em; vận động, đầu tư xây dựng công trình dành cho trẻ em tại cộng đồng.

    9. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố

    - Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Đoàn, Đội xây dựng Kế hoạch hoạt động cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em đảm bảo an toàn, thiết thực, bổ ích; phân công đoàn viên thanh niên tham gia phụ trách, tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi giải trí, ôn tập cho trẻ em trong những ngày nghỉ học tại cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế.

    - Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả mô hình Hội đồng trẻ em Thành phố.

    - Chỉ đạo, vận động cán bộ, đoàn viên thanh niên của Thành phố tình nguyện thực hiện các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực cho trẻ em.

    10. Đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố

    Chỉ đạo tổ chức các hoạt động truyền thông về toàn dân chung tay bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em; vận động cán bộ công nhân, viên chức có các hoạt động cụ thể, thiết thực cho trẻ em, nhất là trẻ em tại các địa bàn khó khăn.

    11. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố

    Chỉ đạo tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường quản lý trẻ em, các lớp nữ công gia chánh cho trẻ em gái, các câu lạc bộ theo sở thích, phối kết hợp tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho trẻ em tại địa bàn dân cư; tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong đó quan tâm đặc biệt đến trẻ em gái; Chỉ đạo các hội viên cơ sở tích cực tham gia công tác phát hiện, phản ánh và phối hợp can thiệp, trợ giúp các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn.

    12. Đề nghị Hội Chữ thập đỏ Thành phố

    Chỉ đạo tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức phòng bệnh, sơ cấp cứu tai nạn thương tích trẻ em và các hoạt động nhân đạo, thăm hỏi, tặng quà...cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số...

    13. Các cơ quan báo, đài: Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô Thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

    Phối hợp các Sở, ban, ngành sản xuất các sản phẩm truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà trường và gia đình trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói riêng.

    14. UBND các quận, huyện, thị xã

    Ban hành Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 phù hợp với tình hình của địa phương và tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay:

    - Tổ chức hoạt động tuyên truyền và hoạt động thăm tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở những địa bàn khó khăn...

    - Chỉ đạo tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dành cho trẻ em đảm bảo các quyền của trẻ em; Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em tại các thôn, tổ dân phố trong việc nắm bắt tình hình trẻ em trên địa bàn; Chỉ đạo tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện với UBND cấp xã đảm bảo phát hiện giải quyết kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là can thiệp, trợ giúp kịp thời, hiệu quả các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

    - Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó tập trung quan tâm tới công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tăng cường hoạt động hệ thống loa truyền thanh hiện có bố trí thời lượng phát thanh về chủ đề, thông điệp Tháng hành động vì trẻ em năm 2020.

    - Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra, bổ sung các biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em đặc biệt là tai nạn đuối nước và giao thông.

    - Chỉ đạo rà soát, thu thập và quản lý hiệu quả bộ chỉ tiêu số liệu trẻ em, nhu cầu của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để có các giải pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời, hiệu quả.

    - Chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em. Bố trí, tạo điều kiện về nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em tại địa phương.

    IV. Chế độ thông tin báo cáo

    Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 trước ngày 20/5/2020 và báo cáo kết quả thực hiện Tháng hành động vì trẻ em trước ngày 15/7/2020 gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định.

    Trên đây là Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể Thành phố, yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện.

     

    Nơi nhận:

    - Bộ LĐTB&XH;

    - T.Trực: Thành ủy, HĐND Thành phố;

    - Chủ tịch UBND Thành phố;

    - Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Ngô Văn Quý, Lê Hồng Sơn;

    - UBMTTQVN thành phố Hà Nội;

    - Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;

    - UBND các quận, huyện, thị xã;

    - Đài PT&TH Hà Nội, Báo: HN mới, KT&ĐT;

    - VPUB: CVP, PCVP Đ.H.Giang, phòng KGVX, TKBT;

    - Lưu: VT, KGVX(Ngọc).

    TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

    KT. CHỦ TỊCH

    PHÓ CHỦ TỊCH

                    

     

     

     

     

     

    Ngô Văn Quý

     

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Kế hoạch 97/KH-UBND Hà Nội thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội
    Số hiệu:97/KH-UBND
    Loại văn bản:Kế hoạch
    Ngày ban hành:07/05/2020
    Hiệu lực:07/05/2020
    Lĩnh vực:Chính sách
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Ngô Văn Quý
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Kế hoạch 97/KH-UBND Hà Nội thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Kế hoạch 97/KH-UBND Hà Nội thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X