CHÍNH PHỦ ---------------- Số: 90/2010/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ
------------------
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cư trú ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09 tháng 01 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về xây dựng, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử.
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác, quản lý và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về cư trú, hộ tịch, quốc tịch, dân số, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin đời tư cá nhân, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Thông tin dữ liệu về dân cư được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng đảm bảo đầy đủ, chính xác.
3. Bảo đảm quyền của tổ chức, cá nhân được truy nhập kịp thời, đầy đủ và sử dụng thông tin đúng mục đích trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.
4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn thông tin, lưu trữ lâu dài.
Chương 2. XÂY DỰNG, THU THẬP, CẬP NHẬT, DUY TRÌ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ ĐẦU TƯ CHO CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ
Điều 5. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng phù hợp kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật.
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng và quản lý tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Điều 6. Thu thập, cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:
a) Số định danh cá nhân;
b) Ảnh chân dung;
c) Họ và tên;
d) Ngày, tháng, năm sinh;
đ) Giới tính;
e) Nơi sinh;
g) Quê quán;
h) Dân tộc;
i) Tôn giáo;
k) Quốc tịch;
l) Chứng minh nhân dân;
m) Hộ chiếu;
n) Thẻ bảo hiểm y tế;
o) Mã số thuế cá nhân;
p) Trình độ học vấn;
q) Trình độ chuyên môn, kỹ thuật;
r) Nghề nghiệp, nơi làm việc;
s) Tình trạng hôn nhân;
t) Nơi thường trú;
u) Nơi ở hiện tại;
v) Họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng;
x) Họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu.
2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Các hình thức thu thập, cập nhật thông tin của công dân
a) Thu thập, cập nhật từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành;
b) Tờ khai, biểu mẫu điện tử;
c) Xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư;
d) Hình thức khác.
Điều 7. Duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Xây dựng các quy trình nghiệp vụ, kiểm soát để duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Xây dựng và thực hiện các giải pháp về an ninh, an toàn thông tin.
3. Xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ, sao lưu, dự phòng, phục hồi dữ liệu, các giải pháp về đảm bảo hiệu suất vận hành cao và sẵn sàng hệ thống cao.
4. Tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
5. Đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 8. Khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Các hình thức khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:
a) Trên mạng internet;
b) Qua trang thông tin điện tử do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định;
c) Qua mạng chuyên dùng;
d) Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;
đ) Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về dân cư theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng, phạm vi khai thác và sử dụng
a) Các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quyền khai thác dữ liệu về dân cư thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Việc khai thác dữ liệu về dân cư ngoài phạm vi quản lý phải được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thẩm quyền phê duyệt;
b) Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh;
c) Các cơ quan, tổ chức khác được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư nhằm phục vụ những mục đích chính đáng của mình;
d) Công dân đã đăng ký thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quyền khai thác sử dụng thông tin của mình đã đăng ký;
đ) Cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư nhằm phục vụ những mục đích chính đáng của mình.
3. Các đối tượng thuộc điểm c, điểm đ khoản 2 Điều này khi yêu cầu cung cấp thông tin về dân cư phải nộp lệ phí.
Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Công an quy định cụ thể đối tượng, mức thu và việc quản lý, sử dụng lệ phí cung cấp dữ liệu về dân cư.
Điều 9. Đầu tư cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Dự án đầu tư Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được nhà nước ưu tiên đầu tư đồng bộ.
2, Nguồn vốn đầu tư cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Chương 3. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ
Điều 10. Quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ Công an quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn quy định tại Nghị định này.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo thẩm quyền và thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn quy định tại Nghị định này.
Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Công an
1. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Xây dựng và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền mô hình tổ chức, xây dựng và quản lý dữ liệu về dân cư.
3. Chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc xây dựng quy trình thu thập, cập nhật, khai thác, chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Hướng dẫn thống nhất việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
5. Thực hiện các trách nhiệm khác do Chính phủ giao.
Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
1. Chủ trì xây dựng, cập nhật, chia sẻ và kết nối dữ liệu chuyên ngành liên quan về dân cư do cơ quan quản lý đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy trình thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác, chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hướng dẫn việc thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu đề xuất xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu khoa học, công nghệ thông tin phục vụ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách và các vấn đề công nghệ thông tin có liên quan về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông bố trí nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng, duy trì hoạt động cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tại địa phương phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, cung cấp dữ liệu, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại địa phương.
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng, cập nhật, duy trì, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc quyền quản lý của địa phương.
2. Xây dựng phương án khai thác, cập nhật, chia sẻ, sử dụng và tổ chức hệ thống thông tin để phù hợp và tích hợp với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 14. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cập nhật và cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Chấp hành đúng quy trình thu thập, cập nhật và cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của dữ liệu do mình cung cấp.
3. Cập nhật, thông báo kịp thời dữ liệu cá nhân khi có sự thay đổi hoặc có sai sót.
4. Không được lợi dụng việc cung cấp dữ liệu để sách nhiễu, trục lợi, phát tán dữ liệu.
5. Được từ chối yêu cầu về cung cấp dữ liệu nếu trái với quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Điều 15. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Nghị định này và các quy định của cấp có thẩm quyền về quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu do cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho mình để khai thác, sử dụng trừ trường hợp được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư có thẩm quyền cho phép.
3. Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý dữ liệu về những sai sót của dữ liệu đã cung cấp.
4. Được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng dữ liệu của mình.
5. Được bồi thường theo quy định của pháp luật khi bên cung cấp dữ liệu cung cấp dữ liệu không chính xác gây thiệt hại cho mình.
Chương 4. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy Ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, NC (5b). | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |