Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Số công báo: | 597&598 - 11/2008 |
Số hiệu: | 24/2008/NQ-CP | Ngày đăng công báo: | 09/11/2008 |
Loại văn bản: | Nghị quyết | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 28/10/2008 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 24/11/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Chính sách, Chính sách, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 24/2008/NQ-CP NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 2008
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
(ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP
ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ)
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ xây dựng Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu của Chương trình hành động (Chương trình) là khẳng định và bổ sung nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm:
a) Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng 3,5 – 4%/năm; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
b) Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên 2,5 lần so với hiện nay.
c) Nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
d) Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn gần với các đô thị trung bình.
đ) Nâng cao năng lực phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thực hiện một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biển đổi khí hậu toàn cầu, nhất là nước biển dâng.
2. Yêu cầu của Chương trình là quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu và nội dung của Nghị quyết Trung ương để xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội, các đề án chuyên ngành, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Các cơ quan chức năng ở các cấp tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cụ thể hóa những chủ trương và giải pháp lớn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để triển khai các nội dung của Nghị quyết này, cũng như các Nghị quyết khác của Đảng và Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2020
Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả ở địa bàn nông thôn các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được phê duyệt. Triển khai xây dựng mới Chương trình mục tiêu Quốc gia sau đây:
a) Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nội dung chính là: xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phù hợp quy hoạch không gian xây dựng làng (ấp, thôn, bản), xã và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước với phát huy nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn. Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức tốt đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa gồm cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, thực hiện “mỗi làng một nghề”.
b) Chương trình mục tiêu Quốc gia về thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Trong đó làm rõ các nội dung: xây dựng hoàn thiện mạng lưới theo dõi, dự báo, cảnh báo các loại thiên tai: bão, lũ, sạt lở núi, sóng thần, khí hậu ấm lên và nước biển dâng… trên từng địa bàn, thông tin kịp thời đến người dân; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phân kỳ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, trước hết là hệ thống đê sông, đê biển, trồng rừng phòng hộ ven biển, ở các vùng xung yếu, các dự án hỗ trợ đặc biệt tạo các khu dân cư, đường giao thông, công trình công cộng vượt lũ, bão, sạt lở núi, ven sông, ven biển…. Triển khai các chương trình nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp, nông thôn từng vùng; xây dựng các kịch bản đối phó, thích nghi.
c) Chương trình mục tiêu Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn. Tập trung xây dựng kế hoạch và giải pháp đào tạo cho bộ phận con em nông dân đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ và chuyển nghề; bộ phận nông dân còn tiếp tục sản xuất nông nghiệp được đào tạo về kiến thức và kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở.
3. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch
Trên cơ sở điều kiện cụ thể và lợi thế của từng vùng, nghiên cứu, dự báo thị trường, tiến bộ kỹ thuật công nghệ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các quy hoạch tổng thể, rà soát bổ sung các quy hoạch hiện có trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát thực hiện quy hoạch phạm vi ngành và địa phương. Trong năm 2009 phải hoàn thành các quy hoạch sau:
a) Xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Trong đó, sớm hoàn thành quy hoạch sử dụng đất lúa để có cơ chế, chính sách bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.
b) Rà soát và xây dựng mới các quy hoạch: tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam (gồm cả thị trấn, thị tứ) đến năm 2025; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; quy hoạch khu dân cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.
c) Rà soát, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 theo nguyên tắc tận dụng tối đa đất đai không có khả năng làm nông nghiệp để phát triển công nghiệp và dịch vụ.
d) Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông, chú trọng đến phát triển hệ thống giao thông ở các vùng khó khăn tạo điều kiện phát triển nhanh hơn; giao thông đến ven biển và các vùng trung du để phát triển công nghiệp, đô thị.
đ) Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, chú trọng đảm bảo nhu cầu tưới tiêu chủ động cho hầu hết diện tích lúa, nuôi trồng thủy sản và phục vụ dân sinh.
e) Rà soát, bổ sung quy hoạch về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
4. Xây dựng các đề án chuyên ngành
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các Đề án chuyên ngành theo các nhóm:
a) Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại (bao gồm các đề án phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản), trong đó phải khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái, từng loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, gắn sản xuất hàng hóa với công nghiệp chế biến và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi, tập trung vào một số vùng sản xuất hàng hóa lớn, thiếu lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch.
b) Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn: xác định rõ những ngành nghề hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần tích cực vào việc tạo việc làm, tăng thu nhập của dân cư nông thôn, gắn với việc hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp – dịch vụ, các khu chế xuất và phát triển đô thị ở nông thôn.
c) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn: tập trung chủ yếu vào việc hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn và các kết cấu hạ tầng xã hội đảm bảo yêu cầu phát triển đồng bộ, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn.
d) Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn: chú trọng tạo việc làm từ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ; chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, nỗ lực nâng cao nhanh đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa ở nông thôn và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
đ) Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn: trong đó, phải xác định rõ vị trí, vai trò của các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, chú trọng phát triển loại hình sản xuất tạo đột phá căn bản, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Hình thành mối liên kết hộ sản xuất với trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức khoa học, thương mại, hiệp hội ngành hàng.
e) Phát triển khoa học – công nghệ phải trở thành khâu đột phá để phát triển nông nghiệp hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát triển nhanh việc ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tập trung vào việc phát triển giống cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản. Nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ để nâng cao nhanh hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
g) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, nhưng không chia cắt, phân tán, tăng cường năng lực điều hành, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, mỗi ngành, lĩnh vực có sự liên kết, thống nhất đồng bộ giữa quản lý nhà nước với nghiên cứu khoa học và đào tạo, các hình thức tổ chức sản xuất và tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp.
5. Nhóm dự án luật và chính sách
a) Sửa đổi Luật Đất đai theo hướng: tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả; giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất; thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai; công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh. Trước mắt, sửa đổi ngay các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, giá đất, chuyển đổi, chuyển nhượng và cơ chế bảo vệ quỹ đất trồng lúa.
b) Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng: tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; điều tiết, phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông; tăng cường phân cấp thu, chi ngân sách cho các địa phương, bao gồm cả cấp huyện, xã.
c) Rà soát các quy định về đầu tư để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
d) Xây dựng các Luật: Vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủy lợi, Nông nghiệp, Bảo vệ thực vật, Thú y.
đ) Xây dựng chính sách thu hút cán bộ, thanh niên, trí thức về nông thôn.
Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành có Phụ lục kèm theo.
III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Chính phủ chỉ đạo thường xuyên công tác quy hoạch tổng thể, xây dựng các chính sách đồng bộ, các chương trình, dự án và phân bổ các nguồn lực ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa X). Phân công Phó Thủ tướng Thường trực trực tiếp chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác này. Hàng năm, Chính phủ tiến hành kiểm điểm, đánh giá và ra Thông báo chuyên đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Định kỳ sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình tốt, khen thưởng, kỷ luật kịp thời các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ngay sau khi Chương trình hành động này của Chính phủ được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc phải xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án chuyên ngành.
Mỗi Bộ phân công một đồng chí Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo công tác này. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ sở quy hoạch, xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án của địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ 6 tháng báo cáo Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Phụ lục
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
(ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP
ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ)
TT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời hạn trình Thủ tướng CP | Hình thức văn bản |
I | VỀ QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2020 | ||||
1 | Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 | Bộ Tài nguyên và Môi Trường | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, XD, Giao thông VT và UBND các tỉnh, thành phố | Quý IV năm 2009 | - Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội |
2 | Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất đến năm 2015, tầm nhìn 2020. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Các Bộ: Công thương, TN&MT, XD, NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố | Quý IV năm 2009 | - QĐ của TTCP; - QĐ của UBND các tỉnh, thành phố |
3 | Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn | Bộ Giao thông vận tải | Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
4 | Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến 2025 | Bộ Xây dựng | Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, Nội vụ, UBND các tỉnh, thành phố | Quý III năm 2009 | - QĐ của TTCP; - QĐ của UBND các tỉnh, thành phố |
5 | Quy hoạch điểm dân cư nông thôn | Bộ Xây dựng | Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố | Quý IV năm 2009 | - QĐ của TTCP; - QĐ của UBND các tỉnh, thành phố |
6 | Quy hoạch khu dân cư nông thôn tập trung vùng bị ảnh hưởng thiên tai | Bộ Xây dựng | Các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố | Quý II năm 2009 | - QĐ của TTCP; - QĐ của UBND các tỉnh, thành phố |
7 | Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&ĐT, XD, Công thương, GTVT và UBND các tỉnh, thành phố | Quý I năm 2009 | - QĐ của TTCP; - QĐ của UBND các tỉnh, thành phố |
8 | Quy hoạch sử dụng đất lúa đến 2020, tầm nhìn đến 2030 | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, XD, GTVT, Công thương và UBND các tỉnh, thành phố | Quý I năm 2009 | - QĐ của TTCP; - QĐ của UBND các tỉnh, thành phố |
9 | Quy hoạch xây dựng phát triển các khu kinh tế quốc phòng trên đất liền và trên biển | Bộ Quốc phòng | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, UB Dân tộc, UBND các tỉnh, thành phố | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
II | XÂY DỰNG MỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020 | ||||
1 | Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&ĐT, TC, TN&MT, GTVT, XD, CT, LĐTB&XH, GD&ĐT, Y tế, TT&TT, UBDT, UBND các tỉnh, thành phố | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
2 | Chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với sự biến đổi khí hậu | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Các Bộ: NN&PTNT, KH&CN, KH&ĐT, TC, Viện KHTN Quốc gia và các Bộ, ngành liên quan | Quý IV năm 2008 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
3 | Chương trình đào tạo nguồn nhân lực nông thôn (bổ sung vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo) | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Các Bộ: LĐTB&XH, NN&PTNT, Nội vụ, Y tế, KH&ĐT, Tài chính | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
III | XÂY DỰNG CÁC ĐỀ ÁN ĐẾN NĂM 2020 | ||||
1 | Đề án Phát triển ngành trồng trọt | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: TN&MT, KH&CN, KH&ĐT, TC | Quý I năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
2 | Đề án bảo vệ, phát triển rừng | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: TN&MT, KH&ĐT, TC | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
3 | Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, TC, Công thương | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
4 | Đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, TC, Công thương | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
5 | Đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: CT, KH&ĐT, TC, KH&CN | Quý I năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
6 | Đề án phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn (bao gồm: cơ khí, hóa chất, năng lượng); phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. | Bộ Công thương | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC | Quý III năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
7 | Đề án Phát triển thương mại nông thôn | Bộ Công thương | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC | Quý I năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
8 | Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp | Bộ Tài chính | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
9 | Đề án phát triển thông tin, truyền thông nông thôn (bao gồm: phát triển viễn thông, đưa internet về nông thôn; đầu tư có trọng điểm bưu điện – văn hóa xã, cơ cấu kích cầu đầu tư, hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo) | Bộ Thông tin và Truyền thông | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC, VH, TT&DL, XD, TN&MT | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
10 | Đề án Bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
11 | Đề án phát triển y tế nông thôn | Bộ Y tế | Các Bộ: KH&ĐT, TC | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
12 | Đề án phát triển văn hóa nông thôn | Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC, UBDT | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
13 | Cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các huyện có tỷ lệ nghèo cao | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | Các Bộ: NN&PTNT, UBDT, KH&ĐT, TC, UBND các tỉnh, thành phố | Quý IV năm 2008 | Nghị quyết của Chính phủ |
14 | Đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở khu vực nông thôn. | Bộ Xây dựng | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, LĐTB&XH, TC, UBDT | Quý I năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
15 | Đề án xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho dân cư nông thôn (trong đó xây dựng mức sống tối thiểu cho dân cư nông thôn) | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | Các Bộ: TC, NN&PTNT, KH&ĐT | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
16 | Đề án phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn (trang trại, HTX, doanh nghiệp, khoa học, thương mại, hiệp hội ngành hàng) | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: TC, KH&ĐT, CT, TN&MT, KH&CN, Hội Nông dân | Quý IV năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
17 | Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | KH&CN, KH&ĐT, TC | Quý I năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
18 | Đề án nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, TC, CT và UBND các tỉnh, thành phố | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
19 | Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: NN&PTNT, KH&CN, KH&ĐT, TC và UBND các tỉnh, thành phố | Quý I năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
20 | Đề án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, TC, Nội vụ | Quý I năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
21 | Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước ngành nông nghiệp | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: Nội vụ, KH&ĐT, TC, KH&CN và UBND các tỉnh, thành phố | Quý IV năm 2008 | Nghị định của Chính phủ |
22 | Đề án an ninh lương thực quốc gia | Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&ĐT, TC, TN&MT, KH&CN, Y tế | Quý II năm 2009 | Nghị định của Chính phủ |
23 | Chính sách khuyến khích cán bộ, thanh niên tri thức về nông thôn | Bộ Nội vụ | Các Bộ: NN&PTNT, LĐTB&XH, TC | Quý IV năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
24 | Rà soát, bổ sung các quy định về đầu tư để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Các Bộ: Tư pháp, NN&PTNT, TC | Quý II năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
25 | Sửa đổi, bổ sung các Quy định hướng dẫn Luật Đất đai 2003 | Bộ Tài nguyên và Môi Trường | Các Bộ: Tư pháp, NN&PTNT, TC, KH&ĐT | Quý I năm 2009 | Nghị định của Chính phủ |
26 | Quy chế đấu thầu khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, nước, rừng, biển) | Bộ Tài nguyên và Môi Trường | Các Bộ: TC, CT, NN&PTNT | Quý II năm 2009 | Nghị định của Chính phủ |
27 | Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả hoạt động tài chính quy mô nhỏ | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, CT, TC | Quý IV năm 2009 | Nghị định của Chính phủ |
28 | Sửa đổi Luật Đất đai (theo tinh thần Nghị quyết) | Bộ Tài nguyên và Môi Trường | Các Bộ: NN&PTNT, XD, GTVT, CT, KH&ĐT, TC, TP | Quý IV năm 2009 | Luật |
29 | Sửa đổi Luật Ngân sách (theo tinh thần Nghị quyết) | Bộ Tài chính | Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TP | Quý IV năm 2009 | Luật |
30 | Xây dựng Luật Thủy lợi | Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: TN&MT, XD, KH&ĐT, TP | Quý I năm 2009 | Luật |
31 | Xây dựng Luật An toàn thực phẩm | Bộ Y tế | Các Bộ: NN&PTNT, CT, KH&CN, TP | Quý IV năm 2009 | Luật |
32 | Xây dựng Luật Nông nghiệp | Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&CN, CT, KH&ĐT, TN&MT, TP | Năm 2010 | Luật |
33 | Xây dựng Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật | Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&CN, CT, KH&ĐT, TN&MT, Y tế, TP | Năm 2010 | Luật |
34 | Xây dựng Luật Thú y | Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: KH&CN, CT, KH&ĐT, TN&MT, Y tế, TP | Năm 2010 | Luật |
35 | Sửa đổi Luật Tài nguyên nước | Bộ Tài nguyên và Môi Trường | Các Bộ: NN&PTNT, TP, XD, KH&CN, KH&ĐT | Năm 2010 | Luật |
36 | Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lực lượng vũ trang cấp xã | Bộ Công an | Các Bộ: Quốc phòng, NN&PTNT, Nội vụ, TP | Quý III năm 2009 | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản hướng dẫn |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
10 | Văn bản dẫn chiếu |
11 | Văn bản dẫn chiếu |
12 | Văn bản dẫn chiếu |
13 | Văn bản dẫn chiếu |
14 | Văn bản dẫn chiếu |
15 | Văn bản dẫn chiếu |
16 | Văn bản dẫn chiếu |
Nghị quyết 24/2008/NQ-CP thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
In lược đồCơ quan ban hành: | Chính phủ |
Số hiệu: | 24/2008/NQ-CP |
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Ngày ban hành: | 28/10/2008 |
Hiệu lực: | 24/11/2008 |
Lĩnh vực: | Chính sách, Chính sách, Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày công báo: | 09/11/2008 |
Số công báo: | 597&598 - 11/2008 |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!