CHÍNH PHỦ ------------ Số: 40/NQ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------------- Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN
THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA
MỘT SỐ LOẠI HÌNH DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG”
---------------------
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Thông báo Kết luận số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Các Thành viên Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mật trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ
THỰC HIỆN THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỀ ÁN
“ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, ĐẨY MẠNH
XÃ HỘI HÓA MỘT SỐ LOẠI HÌNH DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 40/NQ-CP
ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ)
Phần 1.
MỤC TIÊU
Xác định, phân công và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm triển khai thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công trong thời gian tới với quyết tâm cao hơn, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện hơn, góp phần thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Phần 2.
NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
I. NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA MỘT SỐ LOẠI HÌNH DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG:
1. Các Cơ quan chức năng ở các cấp thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục và vận động nhằm quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về các nội dung và tinh thần của việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
2. Các cơ quan chức năng ở các cấp tham mưu cho các cấp ủy đảng cùng cấp trong việc ban hành và triển khai các nghị quyết, chỉ thị về chủ trương, kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến về tư tưởng, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết, tính cấp bách của việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân và bảo đảm cho các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn.
II. HOÀN THIỆN THỂ CHẾ BẢO ĐẢM ĐỒNG BỘ CÁC YẾU TỐ THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, ĐẮY MẠNH XA HỘI HÓA MỘT SỐ LOẠI HÌNH DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG
1. Hoàn thiện thể chế về cơ cấu và phương thức đầu tư của Ngân sách nhà nước (NSNN):
a) Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất các hoạt động sự nghiệp công cơ bản và thực hiện cơ cấu lại chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo hướng:
- NSNN bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới và hải đảo.
- Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ đơn vị cung cấp mà không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập nhằm tạo cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm cho các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập phát triển bình đẳng.
b) Nhà nước bảo đảm thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số để được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu với chất lượng ngày càng cao hơn; bảo đảm kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) ở các cơ sở đào tạo không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.
2. Hoàn thiện thể chế về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính (từng bước tính đủ giá dịch vụ và giảm trợ cấp ngân sách) có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý.
b) Thực hiện minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập; khắc phục tình trạng công - tư lẫn lộn; đổi mới cơ chế phân phối theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động vừa có tích lũy để tái đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, bệnh viện và một số cơ sở dạy nghề từ sau năm 2015...) theo hướng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội; được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành; được Nhà nước giao vốn, xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; được quyền quyết định việc huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định số người làm việc và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc.
d) Đối với các đơn vị sự nghiệp cung cấp những dịch vụ thông thường (nhất là các đơn vị sự nghiệp kinh tế): Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế nhằm tạo điều kiện để chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và sau đó cổ phần hóa theo quy định.
đ) Thực hiện thí điểm góp vốn cổ phần để thành lập mới đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa nhưng không thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập độc lập hiện có.
3. Hoàn thiện thể chế về cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và số người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp; quy định và thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện thẩm quyền.
b) Đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ viên chức phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, thích ứng với việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực ngoài công lập, thu hút người có tài năng, có trình độ cao tham gia vào đội ngũ viên chức để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong các lĩnh vực.
4. Hoàn thiện thể chế về cơ chế đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công:
a) Xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công để làm căn cứ đặt hàng, giao nhiệm vụ.
b) Đổi mới cơ chế tính giá đặt hàng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công; Nhà nước quy định giá hoặc khung giá sản phấm, dịch vụ đối với các loại dịch vụ cơ bản, có vai trò thiết yếu đối với xã hội; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ sự nghiệp, phù hợp với thị trường và khả năng của Ngân sách nhà nước; thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
5. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công:
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
6. Tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế các mặt trái của cơ chế thị trường. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính; Hiện đại hóa, tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Tài chính chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
2. Trên cơ sở những nhiệm vụ, nội dung công việc chủ yếu trong Chương trình hành động này và Phụ lục kèm theo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 10 năm 2012; trên cơ sở đó, cụ thể hoá thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm.
3. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách dự kiến tổ chức thực hiện, giao:
a) Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan liên quan theo nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung chương trình hành động của Chính phủ; xây dựng, ban hành và thực hiện các cơ chế chính sách thích hợp để từng bước xây dựng giá dịch vụ công thực hiện theo cơ chế thị trường gắn với chính sách hỗ trợ hợp lý đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; đối mới cơ chế tài chính đối với các lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ cụ thể.
b) Trong năm 2012 - 2013, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức đánh giá mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đã tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên trong thời gian qua, trên cơ sở đó xây dựng đề án thực hiện thí điểm tự chủ kinh phí hoạt động, đề xuất các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện tốt cơ chế tự chủ.
- Lựa chọn danh sách các đơn vị trực thuộc có thể tham gia thí điểm thực hiện đối mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính như sau:
+ Thí điểm thực hiện đặt hàng cung ứng dịch vụ đối với các loại hình dịch vụ ít có khả năng xã hội hóa nhưng Nhà nước có nhu cầu sử dụng và xã hội chưa có khả năng đáp ứng.
+ Thí điểm thực hiện giao quyền tự chủ hoạt động kết hợp với tự chủ tài chính cao trên cơ sở thí điểm thực hiện điều chỉnh cơ chế thu chi tài chính để bù đắp đủ chi phí hoạt động thường xuyên (từng bước tính đủ giá dịch vụ và giảm trợ cấp ngân sách), đa dạng hóa các nguồn thu.
c) Tổng kết kết quả thí điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai rộng trong năm 2014-2015.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện; đồng thời gửi báo cáo Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Chương trình, các Bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Bộ trưởng Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Chương trình được thực hiện hiệu quả và đồng bộ./.