ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ------- Số: 459/NQ-UBTVQH14 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, TỔ CHỨC KHAI THÁC, NUÔI TRỒNG, CHẾ BIẾN HẢI SẢN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN GẮN VỚI BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH
-------------
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 235/NQ-UBTVQH14 ngày 25 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 và Nghị quyết số 322/NQ-UBTVQH14, ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 182/BC-ĐGS, ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá tình hình
Tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” giai đoạn 2011 - 2016. Trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh đã từng bước được hoàn thiện. Hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, các xã đảo được quan tâm đầu tư; tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển có bước phát triển; quốc phòng và an ninh được củng cố; kinh tế biển, trong đó có khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản ngày càng đóng vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế và góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh còn nhiều hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Cụ thể:
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và tuyên truyền về biển, đảo chưa được chú trọng thường xuyên; việc thẩm định, triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa được quan tâm đúng mức; đánh giá tổng thể nguồn lợi hải sản, điều tra trữ lượng nguồn lợi hải sản chưa được triển khai thực hiện thường xuyên, bài bản.
Khai thác tiềm năng nguồn lợi hải sản chưa hiệu quả, phát triển thiếu bền vững; hoạt động đánh bắt tận diệt, vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản chưa được xử lý hiệu quả; công tác bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản chưa được quan tâm thường xuyên; thiếu các chính sách cho phát triển nuôi biển; sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa chưa được quan tâm đầu tư; nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến bãi, khu neo đậu tránh trú bão còn hạn chế, dàn trải chưa đáp ứng nhu cầu; việc triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có yêu cầu về tính lưỡng dụng còn chậm.
Các chương trình hỗ trợ ngư dân chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; việc kết hợp, lồng ghép khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản với bảo đảm quốc phòng, an ninh còn nhiều hạn chế; các mô hình tổ chức sản xuất trên biển chưa có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với hoạt động của Lực lượng dân quân, tự vệ biển; hiệu quả đầu tư cho các chương trình, dự án phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trên biển, ven biển chưa cao, thiệt hại trong khai thác, nuôi trồng hải sản còn lớn.
Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, bất cập nêu trên là do: nhận thức về mối quan hệ kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh của một bộ phận cán bộ các cấp, các lực lượng trên biển và người dân chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; việc quán triệt và triển khai đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao; pháp luật về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh chưa hoàn chỉnh; mối quan hệ kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án chưa được chú trọng đúng mức; năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng còn hạn chế; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản chưa thực sự hiệu quả, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm.
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
1. Tăng cường, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuyên truyền về biển đảo có hiệu quả; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong các hoạt động kinh tế kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
2. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1059/NQ-UBTVQH13, ngày 09/11/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài nguyên, môi trường biển, trong đó có nguồn lợi hải sản; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về thuyền viên, tàu cá, tàu hậu cần nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; định kỳ điều tra trữ lượng nguồn lợi hải sản, xây dựng bản đồ nguồn lợi hải sản; tăng cường hệ thống thông tin, liên lạc và bảo đảm y tế trên biển.
3. Sửa đổi, bổ sung các chính sách về phát triển hải sản, quan tâm đến chính sách phát triển nuôi trồng hải sản, đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc về chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm và các chính sách khác. Rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh từ Trung ương đến địa phương; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó làm rõ vai trò của Quân đội và Công an trong xây dựng, thẩm định quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án để bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với quy hoạch tổng thể và bảo đảm nguồn lực thực hiện.
4. Thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản và kiểm soát chặt chẽ môi trường biển, ven biển; kiên quyết xử lý, đình chỉ các dự án làm ô nhiễm môi trường biển, ven biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản, sức khỏe cộng đồng và đời sống của người dân; nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ và khai thác viễn dương hiệu quả, bền vững; xây dựng các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền.
5. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, bố trí lực lượng, quan hệ phối hợp và chế độ chính sách đối với các lực lượng trên biển, bảo đảm thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống vi phạm, tội phạm trên biển. Nhân rộng các mô hình có hiệu quả về quản lý, tổ chức, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân, tự vệ biển; đẩy mạnh việc dân sự hóa trên biển, đảo; có chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân dân ra định cư làm ăn lâu dài trên đảo, nhất là các đảo tiền tiêu. Hoàn thiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
6. Chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tăng cường phối hợp nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên biển; tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân trên biển. Đào tạo, huấn luyện kỹ năng hoạt động trên biển cho ngư dân, tổ chức mô hình sản xuất trên biển có hiệu quả, bảo đảm trang thiết bị, phương tiện có tính lưỡng dụng cho ngư dân, vừa sản xuất vừa tự bảo vệ và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của ngư dân khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá nước ngoài xâm phạm khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing).
7. Ưu tiên đầu tư nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và có chính sách đủ mạnh thu hút nguồn nhân lực xã hội để tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị trong tất cả các khâu khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích đầu tư phát triển mô hình vùng nuôi trồng hải sản tập trung theo hướng công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn; xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết giữa cơ sở sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến hải sản. Quy hoạch phát triển hệ thống nhà máy chế biến và kho lạnh thương mại phù hợp, tuân thủ quy định về môi trường; hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần gắn với thu mua nguyên liệu trên biển. Chú trọng đầu tư nghiên cứu và xây dựng các công trình lưỡng dụng. Rà soát, đánh giá hoàn thiện mô hình Khu kinh tế quốc phòng trên biển có hiệu quả, đặc biệt là đối với quần đảo Trường Sa. Tăng cường đầu tư và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trên biển, ven biển.
8. Tăng cường hợp tác quốc tế, ngoại giao phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, quyền và lợi ích hợp pháp, tính mạng và tài sản của ngư dân trên biển; đàm phán với các nước bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước, bảo hộ ngư dân, tránh việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và các nước, tạo ngư trường rộng lớn, ổn định cho ngư dân Việt Nam khai thác hải sản.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này tại phiên họp cuối năm 2018.
2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nơi nhận: - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; - Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ; - Thường trực HĐDT, các Ủy ban của QH; Tổng Thư ký QH; - UBTWMTTQVN, KTNN, TANDTC, VKSNDTC; - Các Ban, Viện thuộc UBTVQH; - VPTWĐ, VPCTN, VPCP, VPQH; - Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TTPTTTW; - VP HĐND, VP UBND TTPTTTW; - Các Vụ, đơn vị thuộc VPQH; - Lưu: HC, QPAN, PVHĐGS. E-pas: 95685 | TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHỦ TỊCH Nguyễn Thị Kim Ngân |