ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI -------------- Số: 494/NQ-UBTVQH13 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------- Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT
VỀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
-------------------------
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 407/NQ-UBTVQH13 ngày 22 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo kết quả giám sát số 120/BC-ĐGS ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 31/BC-CP ngày 29 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật ưu đãi về người có công với cách mạng,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Tán thành cơ bản nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng về những đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các kiến nghị, đồng thời nhấn mạnh:
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức tốt việc thi hành. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân tham gia chăm sóc người có công với cách mạng phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội và trở thành tình cảm, nét đẹp văn hóa của dân tộc. Về cơ bản, chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng đã bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đời sống của người có công với cách mạng đã từng bước được cải thiện và ổn định. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng còn có một số hạn chế, vướng mắc, một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Điều 2.
Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Tiếp tục điều chỉnh nâng mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng đồng bộ với lộ trình điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức nhà nước cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi khác để bảo đảm mục tiêu người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
2. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình; chỉ đạo việc xây dựng tiêu chí hỗ trợ và rà soát đối tượng cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, cân đối ngân sách để thực hiện cơ bản xong trong hai năm 2012 - 2013. Trước mắt, dành một phần tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011 bổ sung dự phòng ngân sách năm 2012 để thực hiện chính sách này.
3. Phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin trong năm 2012 để tiếp tục triển khai thực hiện.
4. Hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bảo đảm việc xem xét, xác nhận, để người có công với cách mạng được thụ hưởng chính sách thuận lợi, kịp thời, chính xác, đúng quy định.
5. Chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật; vận động xã hội tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng.
Điều 3.
1. Kết thúc năm 2013, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Ban Bí thư TƯ Đảng; - Chính phủ; - Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; - Các cơ quan của UBTVQH; - VPTƯ Đảng, VPCP, VPCTN; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ; - Thành viên đoàn giám sát; - Lãnh đạo VPQH; - Lưu: HC, TH, CVĐXH. | TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHỦ TỊCH Nguyễn Sinh Hùng |